Giải pháp phát triển công tác xã hội trong trường học ở Việt Nam
(LĐXH) - Sáng ngày 15/12/2017, tại Hà Nội, Trường Đại học Giáo Dục- Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Cục Bảo trợ - Bộ Lao động Thương Binh & Xã hội tổ chức Hội thảo Khoa học quốc tế “Giải pháp phát triển công tác xã hội trong trường học ở Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo Dục; Đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo; GS Frances Crawford, Trường đại học New Egland, Australia; TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; đại diện Cục Bảo trợ xã hội, các chuyên gia CTXH cùng đại diện các cơ sở đào tạo chuyên ngành công tác xã hội ở Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS Nguyễn Quý Thanh cho biết: Nội dung hội thảo lần này tập trung vào một trong những vấn đề nóng hiện nay, đó là vấn đề hỗ trợ các đối tượng trẻ em yếu thế trong trường học của ngành CTXH. Theo "Đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam, giai đoạn 2010-2020", đến năm 2020 nước ta sẽ có 60.000 nhân viên làm việc trong các lĩnh vực khác nhau…. Việt Nam hiện có 55 trường đại học, cao đẳng đào tạo ngành học này. Tính đến thời điểm hiện tại, mới có Bộ y tế là đã ra được Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm của nhân viên xã hội trong bệnh viện và đã được triển khai trong thực tế, một số bộ ngành liên quan khác chưa triển khai được. Trong khi đó, Bộ Giáo Dục & Đào tạo vẫn chưa có một hành lang pháp lý cụ thể về CTXH trường học cũng như các tiêu chuẩn tác nghiệp về vị trí việc làm của nhân viên CTXH trong trường học. Nhìn vào khung chương trình đào tạo cử nhân CTXH của Bộ Giáo Dục & Đào tạo ban hành năm 2004 và chương trình đào tạo hiện nay của nhiều cơ sở đào tạo của Việt Nam, có thể thấy đã có một số học phần liên quan đến CTXH trường học như: CTXH với trẻ em, CTXH với người khuyết tật, CTXH trong trường học. Như vậy, chương trình đào tạo CTXH mới chỉ chung chung, chưa đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể như thực tiễn yêu cầu.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, thực tế cho thấy ở các nước trên thế giới, CTXH trường học có vai trò rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề của nhà trường thông qua quá trình tác động vào 04 đối tượng chính ở trường học đó là học sinh, phụ huynh, thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. CTXH trường học trở thành cầu nối giữa học sinh, gia đình và nhà trường nhằm giúp các em có điều kiện và phát huy khả năng học tập tốt nhất, giải quyết căng thẳng khủng hoảng tinh thần, các dấu hiệu và hành vi tự tử. Nhu cầu phát triển CTXH trường học xuất phát từ các vấn đề tồn tại hiện nay trong nhà trường và xã hội, giúp hỗ trợ quyền học tập và góp phần quyết định sự thành công trong học tập của học sinh. Ngăn ngừa bạo lực học đường, tình trạng bỏ học, giải quyết mối quan hệ bạn bè, thầy cô, kết nối gia đình và nhà trường, giáo dục các kỹ năng sống…là những nhiệm vụ chính của CTXH trong trường học.
“Ở nước ta hiện nay, việc có nhân viên CTXH làm việc trong trường học thực sự là một nhu cầu cần thiết. Hội thảo với chủ đề “Giải pháp phát triển Công tác xã hội trường học” mong muốn sẽ đưa ra một hệ thống lý thuyết, cơ sở lý luận về CTXH trường học; việc áp dụng và phát triển CTXH trường học tại một số nước phát triển; tình hình thực tế tại các trường học bao gồm nhu cầu của học sinh, thầy cô giáo, cán bộ quản lý; vai trò của nhân viên xã hội tại trường học; đánh giá hiệu quả hoạt động của các mô hình CTXH trường học hiện đang được triển khai. Dựa trên tất cả những tham luận về lý thuyết và thực tế, Hội thảo sẽ cố gắng đưa ra một khung cơ sở pháp lý về CTXH trường học có thể hình thành và ứng dụng cho Việt Nam” - GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm vào ba chủ đề chính, gồm: Thực trạng khuôn khổ pháp lý về CTXH trường học ở Việt Nam; thực trạng và giải pháp phát triển CTXH trường học; những thách thức trong trường học và vai trò của nhân viên CTXH.
Ông Bùi Tiến Dũng, Bộ Giáo dục & Đào tạo trong bài tham luận: "Phát triển CTXH trường học - khó khăn, thách thức và giải pháp” cho biết: Từ Kế hoạch 2623/QĐ-BGDĐT ngày 01/08/2016 về “Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020” đề cập đến việc nghiên cứu tổ chức thí điểm thành lập tổ CTXH trong trường học đến Quyết định số 327/QĐ-BGDĐT ngày 25/01/2017 về việc ban hành Kế hoạch ‘‘Phát triển nghề CTXH trong ngành Giáo dục giai đoạn 2017-2020” là những bước khởi đầu cho sự hình thành và phát triển hệ thống dịch vụ CTXH trong các nhà trường trên phạm vi toàn quốc, mở ra nhiều cơ hội để CTXH trường học phát triển. Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng, hoàn thiện Thông tư quy định về hoạt động của CTXH trong trường học, trong đó sẽ quy định cụ thể về quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin từ các học sinh và quy trình sàng lọc, can thiệp, xử lý ban đầu đối với các tình huống.
Về các giải pháp nhằm phát triển CTXH trường học, các đại biểu kiến nghị ngành giáo dục và đào tạo cần xác định những nội dung trọng tâm cần triển khai trong nhà trường, trên cơ sở đó xây dựng văn bản quy định về nội dung, phương pháp, quy trình hoạt động của CTXH trường học. Cùng với đó là nâng cao nhận thức của các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các trường phổ thông về vai trò, tầm quan trọng của dịch vụ CTXH học đường thông qua việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, giao lưu học tập kinh nghiệm trong và ngoài nước; tổ chức tập huấn chuyên môn cho các giáo viên tư vấn, cán bộ Đoàn – Đội về CTXH và CTXH trường học cũng như tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Trên cơ sở đó yêu cầu các trường cam kết thúc đẩy việc hình thành và phát triển dịch vụ CTXH học đường, trước hết là thí điểm mô hình dịch vụ CTXH trường học tại một số địa phương. Về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực công tác xã hội, các đại biểu cũng đề xuất cần mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo ngành CTXH; tạo điều kiện để các trường trong nước liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín ở nước ngoài đào tạo giảng viên có trình độ thạc sỹ và tiến sỹ về CTXH. Các cơ sở đào tạo cũng cần xây dựng quy hoạch và kế hoạch nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên về CTXH; đổi mới và hoàn thiện chương trình đào tạo CTXH ở tất cả các trình độ từ trung học lên đại học và sau đại học sao cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và thực tiễn Việt Nam; đẩy mạnh phát triển giáo trình, tài liệu giảng dạy phục vụ cho các chương trình đào tạo về CTXH; đa dạng các hình thức đào tạo gắn với nhu cầu của người học…
PV
Từ khóa:
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
06-01-2025 20:34 23
-
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
07-01-2025 09:06 13
-
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
06-01-2025 10:28 35
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46