Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Từ khẳng định thương hiệu…
Cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 8km, Hùng Lô – ngôi làng cổ đã tồn tại hơn 300 năm. Dù cho yếu tố thời gian với những biến cố, thăng trầm của lịch sử, nơi đây vẫn bảo tồn nguyên vẹn kiến trúc cổ và được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1990.
Từ xa xưa, xã Hùng Lô (thành phố Việt Trì – tỉnh Phú Thọ) là vùng đất nổi tiếng với các làng nghề đa dạng như: nghề làm đậu, nghề làm mì sợi, nghề làm bánh chưng bánh giày… Đến nay, các nghề truyền thống vẫn đang được người dân duy trì và phát triển. Song, nghề làm mì gạo được số lượng lớn người tiêu dùng đón nhận và có tiềm năng phát triển ổn định, khẳng định vị thế trên thị trường.
Năm 2004, nghề làm mì đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Tiếp đó, năm 2016, dựa trên cơ sở những gia đình làm mì gạo truyền thống lâu đời của xã Hùng Lô đã thành lập nên “Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô”.
Còn nhớ, khi mới thành lập, Hợp tác xã chỉ có 9 thành viên tham gia trên tinh thần tự nguyện, tự quản; số lượng sản phẩm sản xuất ra không nhiều, chỉ đạt 8-10 tấn/tháng, thị trường tiêu thụ chủ yếu trong địa bàn thành phố Việt Trì và một số huyện lân cận. Phương thức sản xuất còn mang tính thủ công, chất lượng sản phẩm không ổn định. Với mong muốn mang đến cho người tiêu dùng những mặt hàng đạt tiêu chuẩn cao, các thành viên trong Hợp tác xã đã thống nhất cùng lên phương án góp vốn đầu tư trang thiết bị sản xuất, đổi mới công nghệ, từng bước thay thế cho phương pháp thủ công.
Cùng với mục tiêu nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, từng bước và khẳng định thương hiệu “Mì gạo Hùng Lô”, các thành viên sáng lập đã nghiên cứu, triển khai và tiến hành tổ chức sản xuất theo chuẩn các quy định đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo dựng logo thương hiệu và xin cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Để minh bạch về nguồn gốc xuất xứ và tạo dựng lòng tin ở người tiêu dùng, trên mỗi bao bì sản phẩm, các thành viên của Hợp tác xã đều sử dụng logo thương hiệu đã đăng ký.
Sau tròn 1 năm, được sự giúp đỡ của Liên minh Hợp tác xã trực thuộc UBND tỉnh Phú Thọ góp vốn đầu tư 250 triệu đồng, Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô đã xây dựng địa điểm trưng bày sản phẩm, sân phơi và hệ thống sấy mì chuyên biệt. Bên cạnh đó, “nhà đầu tư vàng” đã tạo điều kiện cho cơ sở mở rộng quy mô quảng bá rộng rãi sản phẩm mì gạo Hùng Lô tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại nhiều hội chợ thương mại. Cứ từng bước vững chắc, đến nay Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô đã được rất nhiều các doanh nghiệp, siêu thị lớn ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm như: Siêu thị Mường Thanh, Hệ thống siêu thị Winmart, Công ty Golden Scorpia...; liên kết xây dựng được đầu mối bán hàng ở các tỉnh thành trong cả nước như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Nghệ An... Không chỉ bày bán trực tiếp, Hợp tác xã còn mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng sự tiếp cận sản phẩm đến với người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử như: Lazada, Shopee. Đặc biệt, Hợp tác xã đã ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sang thị trường Nhật Bản và xuất khẩu thành công 5 tấn mì gạo Hùng Lô vào tháng 11/2022.
Lý giải về sự khác biệt của mì gạo Hùng Lô với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, Giám đốc Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô - Cao Đăng Duy cho biết: “Mì gạo Hùng Lô được sản xuất gia truyền với những kinh nghiệm và bí quyết riêng của làng nghề. Nguồn nguyên liệu đầu vào được lựa chọn kỹ càng (gạo sạch), ngâm khoảng 4 tiếng cho mềm, vệ sinh hạt gạo cẩn thận rồi cho vào máy xát thành bột khô. Sự khác biệt so với các loại mì trên thị trường đó là không có quy trình tráng bánh mà thay vào đó là cán sợi, bỏ qua khâu quết dầu, tạo sự tinh khiết trên sản phẩm… Khi đã có thành phẩm là bột khô mịn, lúc này người thợ mới trộn bột với nước theo tỷ lệ phù hợp và đổ vào máy (làm như sản xuất bún), các sợi mì trắng ngần, dai dẻo từ từ được đẩy ra, lúc này người thợ sẽ cắt thành từng đoạn ước chừng khoảng 1 cân và đặt lên giá phơi. Công đoạn này thường được thực hiện trong khoảng thời gian sáng sớm, vì theo như người xưa quan niệm “không khí thời gian này sẽ trong lành, nhiệt độ phù hợp sẽ tạo cho các hoạt chất trong sợi mì bị phân hủy… tạo dựng thương hiệu độc quyền”. Đặc biệt, các công đoạn sản xuất mỳ đều đảm bảo nghiêm ngặt theo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, đóng gói theo dây chuyền, có logo, nhãn mác riêng làm tăng độ tin cậy cũng như thể hiện trách nhiệm với người tiêu dùng. Bên cạnh sản phầm truyền thống, gần đây mỳ gạo Hùng Lô còn cho ra đời sản phẩm mì gạo lứt rất tốt cho sức khoẻ…”
Một số sản phẩm của Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô
…đến tạo việc làm và phát triển bền vững
Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế, các làng nghề truyền thống phải đối mặt với khó khăn trong việc giữ gìn và phát triển làng nghề. Nhằm hỗ trợ và tháo gỡ những rào cản ấy, ngày 7/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò đặc biệt quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…
Với riêng Hùng lô cũng vậy, những năm gần đây, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, dẫn đến việc người nông dân mất đất canh tác; vì vậy số lượng người thất nghiệp ngày càng gia tăng. Song, nhờ vào uy tín cũng như chất lượng sản phẩm đã được khẳng định trên thị trường đã giúp mỳ gạo Hùng Lô tạo ra công ăn việc làm ổn định cho người lao động trên địa bàn đồng thời góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội, giảm nghèo bền vững và tạo cơ hội làm giàu cho người dân tại chính quê hương gắn với bản sắc văn hóa truyền thống… Kết thúc năm 2022, tổng sản lượng mì gạo do Hợp tác xã Hùng Lô sản xuất và tiêu thụ là gần 1000 tấn, doanh thu đạt khoảng 15 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sản xuất từ 40 - 50 tấn mì gạo. Được biết, có những thời điểm sản phẩm mỳ gạo được đặt nhiều, Hợp tác xã không kịp sản xuất để cung cấp đủ số lượng. Trên địa bàn hiện có 35 hộ gia đình duy trì nghề sản xuất mì gạo giải quyết việc làm cho khoảng 150 người. Riêng tại Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô hiện có trên 50 lao động làm việc trong cả quy trình sản xuất từ chọn gạo sạch, ngâm, nhào bột, cán sợi, phơi, đóng gói... thu nhập bình quân đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng…
Chị Trần Thị H… một người đã gắn bó với Hợp tác xã từ khi mới thành lập chia sẻ: “Rất may mắn cho chúng tôi ở đây là có nghề truyền thống, mặc dù dịch bệnh Covid – 19 ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của các cơ sở sản xuất, song với riêng nghề mì gạo này vẫn có thể duy trì và cho thu nhập ổn định, tuy nhiên phải chuẩn bị trước nguồn nguyên liệu và có kế hoạch sản xuất phù hợp với từng thời điểm dịch bệnh. Nhìn chung, niềm tin của người tiêu dùng vẫn là điều kiện tiên quyết giúp bà con và người sản xuất mì gạo có công ăn việc làm với thu nhập chỉ giảm khoảng 10%...”
Hình ảnh người lao động đang trong giờ làm việc
Về khó khăn trước mắt mà Giám đốc Cao Đăng Duy cho biết: “Bảo tồn làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu lao động nông thôn là công việc vô cùng cần thiết trong thời hội nhập. Tuy nhiên, các làng nghề đang gặp không ít khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm, trong đào tạo để giữ nghề và tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng. Hùng Lô cũng vậy, tuy nhiên để khắc phục những khó khăn này, chúng tôi đang tập trung nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm dòng sản phẩm mì phở cao cấp nhằm tạo sự đa dạng sản phẩm, mở rộng đối tượng sử dụng, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để nâng cao năng suất, chất lượng, hướng mục tiêu đến năm 2025, tổng sản lượng tiêu thụ đạt trên 1.200 tấn/năm. Đồng thời, hoàn thiện hồ sơ để nâng hạng sao các sản phẩm của cơ sở lên tiêu chuẩn OCOP 5 sao…”.
Hiện Mì gạo Hùng Lô là sản phẩm đạt 4 sao theo tiêu chuẩn OCOP và vinh dự nhận nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia như: Chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực - năm 2018”, “Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia - năm 2019”, Chứng nhận là điển hình tiên tiến, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 -2020”, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn do “Có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020”.
Hòa chung khi thế những ngày đầu xuân Tân Mão với nỗ lực và lòng yêu nghề mỗi người dân đang sinh sống và làm nghề tại xã Hùng Lô nói chung và Hợp tác xã Mì gạo Hùng Lô nói riêng đang kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa mà cha ông để lại trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thương hiệu, vị thế của mình không những ở trong nước mà còn trên thị trường quốc tế./.
Hồng Anh
-
Cổ phiếu ngân hàng nào sắp vào 'sóng' tăng?
23-12-2024 14:15 21
-
Netflix gỡ các chương trình truyền hình tại Việt Nam
23-12-2024 13:28 30
-
Chủ cửa hàng tránh bị lừa đảo khi chuyển khoản nhờ cách này
23-12-2024 10:39 22
-
Generali Việt Nam được vinh danh Top 10 Sản phẩm – Dịch vụ tin dùng Việt Nam 2024 với VITA – Sức Khỏe Vàng
21-12-2024 14:02 17
-
Hà Nội công bố bảng giá đất, cao nhất hơn 695 triệu đồng/m2
21-12-2024 09:48 01
-
Techfest Vĩnh Phúc 2024: Kết nối sâu rộng giữa các startup và hệ sinh thái khởi nghiệp
20-12-2024 19:28 26