Xã hội
Hà Nội: Nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách góp phần giảm nghèo bền vững
02:03 PM 17/10/2023
(LĐXH)- Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô Hà Nội.
Đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách của toàn thành phố Hà Nội là 13.628 tỷ đồng, trong đó dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị xã hội (TCCTXH) đạt 13.611 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ; dư nợ ủy thác tăng 901 tỷ đồng so với đầu năm. Tổng số khách hàng dư nợ ủy thác là 262.309 người tại 7.070 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), bình quân có 37 thành viên/tổ, dư nợ bình quân đạt 1.925 triệu đồng/tổ và 52 triệu đồng/người vay.
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội và Hội Nông dân huyện Quốc Oai kiểm tra việc sử dụng vốn vay tín dụng chính sách. 
Trong 9 tháng đầu năm 2023, thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho trên 81 ngàn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), trong đó tập trung chủ yếu tại một số chương trình tín dụng như: cho vay giải quyết việc làm: 59.682 lượt khách hàng, góp phần thu hút  59.690 lao động; hỗ trợ kinh phí cho 21.510 hộ gia đình xây dựng mới và cải tạo 43.020 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; cho vay 97 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập...
Hàng năm Thành phố Hà Nội trích ngân sách ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, và các đối tượng chính sách vay. 6 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn ủy thác từ ngân sách đạt 6.241 tỷ đồng.
Một phiên giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quốc Oai tại xã Cấn Hữu.
Khách hàng vay vốn tại NHCSXH thành phố Hà Nội hiện nay tập trung chủ yếu là đối tượng người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo chuẩn thành phố Hà Nội, người mù, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động tại khu vực nông nghiệp nông thôn, lao động thuộc hộ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn không có việc làm, thu nhập không ổn định hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các hộ gia đình chăn nuôi, sản xuất kinh doanh dịch vụ nhỏ…. Những đối tượng này thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ tài chính, tín dụng của các ngân hàng Thương mại, khi được tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất cho vay ưu đãi, thủ tục đơn giản, hướng dẫn làm hồ sơ tại nơi sinh sống, giao dịch tại xã, phường, thị trấn đã có nguồn vốn tổ chức sản xuất kinh doanh tạo việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, qua đó, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen, nhất là tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Song song với việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội thường xuyên quan tâm triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền về chủ trương chính sách tín dụng, quy định cụ thể của từng chương trình cho vay, hiệu quả sử dụng vốn tín dụng ưu đãi… để mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn đều có thể hiểu và tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nếu có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định.
Cơ sở may của chị Nguyễn Thị Bắc ở thôn Đầm Bối, xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Hà Nội
được vay vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, mở rộng cửa hàng may áo dài, trang phục dân tộc.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, NHCSXH Hà Nội đã quan tâm triển khai công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội, hoạt động của Tổ TK&VV và tình hình sử dụng vốn của người vay. Kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện tại cơ sở cũng như kiến nghị bổ sung, chỉnh sửa cơ chế chính sách tín dụng ưu đãi để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Chi nhánh NHCSXH Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, TCCTXH các cấp và các cơ quan liên quan gắn việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, an sinh xã hội, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao khoa học công nghệ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất kinh doanh tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Do đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã thực sự phát huy hiệu quả, giúp người vay thay đổi thói quen, nhận thức trong sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm thu nhập ổn định cho gia đình để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vốn tín dụng chính sách đã thực sự là công cụ, giải pháp đắc lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, hạn chế tín dụng đen và giải quyết các vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Năm 2022, thành phố Hà Nội đã giảm được 1.582 hộ nghèo (theo chuẩn thành phố). Cuối năm 2022 còn 2.134 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,095%, đạt 218,8% kế hoạch giảm hộ nghèo, cơ bản không còn hộ nghèo. Có 16/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, trong đó có 03 quận, huyện không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Toàn thành phố chỉ còn 22.263 hộ cận nghèo, chiếm 0,99%  tổng số hộ dân toàn thành phố./.
Thảo Lan