Theo Bộ luật Lao động, không được sử dụng lao động là người dưới 13 tuổi làm việc ở các làng nghề, chỉ được sử dụng người từ đủ 13 tuổi đến dưới 15 tuổi làm các việc nhẹ theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định, bao gồm các nghề truyền thống và nghề thủ công mỹ nghệ. Đối với các công việc này, các em phải được cha mẹ hoặc người đại diện cho phép và không được làm việc quá 4 giờ mỗi ngày và 20 giờ mỗi tuần, không được làm thêm giờ, làm việc ban đêm, không được ảnh hưởng đến công việc học tập của các em. Các em có độ tuổi đủ 15 đến dưới 18 tuổi cũng không được làm quá 8 giờ mỗi ngày và 40 giờ mỗi tuần, không được làm các công việc nặng nhọc, độc hại… Người nào sử dụng người dưới 16 tuổi làm các công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Nhà nước quy định thì bị phạt tiền từ 30 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo hoặc phạt tù…
Tuy nhiên, trên thực tế, các điều khoản về tiêu chuẩn LĐTE trong chuỗi cung ứng hàng hóa là khái niệm rất rộng, không chỉ bao hàm một quy trình sản xuất mà xét trong tổng thể lớn hơn, gồm cả các khâu khai thác nguyên, nhiên liệu đến cung ứng. Chúng ta xác định được việc trẻ em phải lao động sớm đã và đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động đến phát triển kinh tế- xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực trong tương lai. Hơn nữa, việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất và tâm lý, cản trở việc tiếp cận và thụ hưởng nền giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em. Song, đến nay, việc quản lý LĐTE ở các tỉnh, thành phố, bao gồm cả thủ đô Hà Nội với đặc thù vị trí địa lý cũng như tiềm năng kinh tế, vẫn còn nhiều bất cập, với nhiều góc độ khác nhau.
Trong khuôn khổ các hoạt động trực tiếp của Dự án Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (LĐTE) tại Việt Nam (ENHANCE), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ký kết thực hiện Dự án từ tháng 12/2018 tại 9 xã (sau này là 11 xã) thuộc 4 huyện: Chương Mỹ, Gia Lâm, Thạch Thất và Hoài Đức. Thỏa thuận hợp tác được thực hiện trong bối cảnh Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch và đang triển khai thực hiện Quyết định 1023/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Thành phố.
Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề tạo việc làm cho khoảng 800.000 lao động, với giá trị sản xuất gần 14.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Hà Nội có các chương trình, chính sách dành riêng cho việc đẩy mạnh các cơ hội việc làm và phát triển làng nghề, bảo tồn các sản phẩm truyền thống và gia tăng sự đóng góp của các làng nghề vào sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực. Dựa theo nghiên cứu thực địa và tham vấn với chính quyền và cộng đồng địa phương, 5 chuỗi giá trị được lựa chọn cho các xã mục tiêu, bao gồm: dệt mây tre đan; đồ gỗ và các sản phẩm thờ bằng gỗ; gốm sứ; sản phẩm nông nghiệp; thuộc da. Trong quá trình triển khai thực hiện, hoạt động phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE thông qua can thiệp/hỗ trợ trực tiếp được Dự án tập trung thực hiện với các nhiệm vụ: Xây dựng, vận hành hệ thống Theo dõi và báo cáo trực tiếp các đối tượng hưởng lợi của Dự án; Tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp sử dụng cách tiếp cận Srceam - phương pháp áp dụng nghệ thuật, giáo dục vào truyền thông phòng, chống LĐTE; Tổ chức hoạt động truyền thông, vận động, tổ chức hoạt động Scream với sự tham gia chủ động và tích cực của trẻ em; Triển khai việc cung ứng dịch vụ/tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi (trẻ em và gia đình của trẻ) dựa trên việc tham vấn nhu cầu của từng đối tượng. Trong quá trình khiển khai các hoạt động, Dự án ENHANCE sẽ áp dụng các chiến lược mang tính nhạy cảm giới và các yếu tố về giới góp phần dẫn tới tình trạng các em trở thành LĐTE, đây là một trong những giải pháp nhằm giải quyết, ngăn chặn được từ gốc của vấn đề LĐTE.
Bên cạnh đó, Dự án đã thiết lập hệ thống cán bộ đầu mối thực hiện các cấp, gồm 80 người và đã tổ chức các hoạt động nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ đầu mối thông qua việc tổ chức tập huấn trang bị kiến thức, hiểu hiết về LĐTE và kỹ năng tổ chức các hoạt động Scream, duy trì nề nếp giao ban giữa Sở với các địa bàn dự án. Hệ thống giám sát và báo cáo đối tượng hưởng lợi trực tiếp (DBMR) đã được đưa vào vận hành và từng bước hoàn thiện, tính đến tháng 8/2019, đã có 1.181 trẻ em thuộc nhóm hưởng lợi được lập hồ sơ và cập nhật, theo dõi trên hệ thống DBMR. Các hoạt động truyền thông cũng được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức sự kiện truyền thông nhân Ngày Thế giới phòng chống LĐTE, đặt pano, thông điệp truyền thông về phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE tại Sở Lao động - Thương binh Xã hội và các xã.
Theo báo cáo, trong quý I/2019, hoạt động Scream đã được tổ chức tại 9/9 trường THCS trên địa bàn các xã với 5.857 lượt trẻ tham gia. Các đơn vị đã bám sát kế hoạch của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; thông qua hoạt động truyền thông tới các học sinh khối THCS, đại diện cha mẹ học sinh, Ban giám hiệu và cán bộ, giáo viên tại các trường, đại diện các ban, ngành, đoàn thể đã góp phần nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE. Trong tháng 4/2019, tại tất cả các xã dự án, đã có 784 hộ được tham vấn hỗ trợ sinh kế; 410 học sinh tại các trường THCS được tham vấn giáo dục. Cùng với đó, 496 trẻ đã được trao tặng 469 cặp sách, 290 máy tính Casio, 4.690 quyển vở và 1.413 chiếc bút với tổng trị giá gần 300 triệu đồng.
Mục tiêu đích thành phố Hà Nội mong muốn là dự án sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về LĐTE, các mối nguy hiểm liên quan và quy định cấm LĐTE. Cụ thể, dự án phấn đấu hỗ trợ cho khoảng 5.000 trẻ em có nguy cơ hoặc đang tham gia vào LĐTE thông qua việc cung cấp các dịch vụ giáo dục hoặc cải thiện điều kiện làm việc đối với trẻ em đã đủ tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, khoảng 2.000 hộ gia đình khó khăn, có nguy cơ có LĐTE hoặc đang có con em tham gia lao động sẽ được hỗ trợ để cải thiện sinh kế./.
Trần Huyền
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45