Hà Nội: Triển khai hiệu quả các chính sách lao động, việc làm, trợ giúp xã hội
(LĐXH)- Trong thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hà Nội luôn chủ động tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, quyết định để triển khai thực hiện hiệu quả công tác lao động, việc làm, trợ giúp xã hội, đặc biệt là tham mưu trình HĐND thành phố ban hành các Nghị quyết quy định chính sách đặc thù góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Đẩy mạnh giải quyết việc làm, phát triển thị trường lao động
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian qua, Sở LĐTBXH Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động (TTLĐ), tăng cường công tác dự báo xu hướng và nhu cầu của TTLĐ… Xây dựng mô hình dự báo các chỉ tiêu TTLĐ, áp dụng công nghệ thông tin, các phần mềm chuyên dụng để thu thập, xử lý, kết xuất dữ liệu người tìm việc, việc tìm người... Thường xuyên cung cấp đến cơ quan quản lý Nhà nước thông tin về TTLĐ, phát triển nguồn nhân lực, kết nối và giải quyết việc làm (GQVL); biên soạn, xuất bản các ấn phẩm, tài liệu nghiên cứu về TTLĐ...
Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, tăng cơ hội việc làm cho người lao động, Sở đã phối hợp hiệu quả với Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội rà soát, báo cáo các nội dung liên quan đến lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 nhằm phát huy hiệu quả hoạt động của 314 cơ sở GDNN và cơ sở có hoạt động GDNN trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu thành phố lựa chọn 02 cơ sở GDNN để tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao theo tiêu chí tại Quyết định số 761/QĐ-TTg của Chính phủ (Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội và trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội). Đồng thời, tích cực triển khai công tác phối hợp giữa các cơ sở GDNN và doanh nghiệp. Kết quả là các cơ sở GDNN đã hợp tác với gần 2.500 lượt doanh nghiệp với nhiều nội dung, hình thức như: tiếp nhận học viên đến thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; tuyển dụng học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp; doanh nghiệp đặt hàng đào tạo; hỗ trợ trang thiết bị, nguyên nhiên vật liệu, kinh phí cho các cơ sở GDNN trong quá trình đào tạo. Nhiều học sinh, sinh viên, học viên được GQVL ngay sau khi tốt nghiệp, góp phần quan trọng cung ứng nguồn lao động đã qua đào tạo cho TTLĐ của thành phố và các tỉnh lân cận.
Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được chú trọng. Từ năm 2021 đến 2023, Hà Nội đã đưa 11.959 người lao động đi làm việc có thời hạn tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc... Sở LĐTBXH đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng tuyên truyền về các chương trình tuyển chọn thực tập sinh kỹ thuật, hộ lý đi Nhật Bản, CHLB Đức làm việc có thời hạn; quảng bá, giới thiệu về điều kiện tham gia, mức phí, thu nhập khi đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Việc giám sát hoạt động tuyển chọn lao động của các doanh nghiệp XKLĐ trên địa bàn thành phố được thực hiện nghiêm túc, do đó tình trạng người đi XKLĐ vi phạm pháp luật, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp được giảm thiểu.
Kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội về hỗ trợ, phát triển TTLĐ, GQVL cho người lao động trên địa bàn thành phố hàng năm được triển khai hiệu quả. Từ năm 2021-2023, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã tổ chức 681 phiên giao dịch việc làm hàng ngày, online, lồng ghép, chuyên đề... với 20.226 doanh nghiệp tham gia, nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, XKLĐ là 404.967 chỉ tiêu; số lao động được tuyển tại các phiên là 48.308 người.
Cùng với đó, Sở đã tham mưu UBND thành phố phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống Sàn giao dịch việc làm thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo”. Qua đó, hệ thống Sàn giao dịch việc làm của Hà Nội (bao gồm 01 sàn trung tâm; 14 sàn vệ tinh tại các quận, huyện) đã được nâng cấp, hoàn thiện về quy trình nghiệp vụ; đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền về các phiên giao dịch như qua hệ thống fanpage, website, group trên mạng xã hội... Với các giải pháp trên, từ năm 2021-2023, Hà Nội đã có 596.933 lượt lao động được GQVL.
Nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân
Các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn Thủ đô tiếp tục được thực hiện toàn diện, đồng bộ, phong trào thi đua “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được đẩy mạnh. Sở LĐTBXH đã tham mưu thành phố ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp đặc thù hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững như các chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo; hỗ trợ học phí cho học sinh hộ cận nghèo; hỗ trợ bảo hiểm y tế... Nhờ đó, cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội chỉ còn 0,03% (tương đương 690 hộ nghèo); tỷ lệ hộ cận nghèo là 0,99% (tương đương 22.263 hộ cận nghèo); có 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo; 05 quận không còn hộ cận nghèo.
Các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã được thành phố quan tâm, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực 13 xã miền núi, dân tộc thiểu số thuộc Hà Nội giảm xuống còn 0,38% (106 hộ nghèo), trong đó có 02 xã Phú Mãn, Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) không còn hộ nghèo. Thu nhập bình quân đầu người ở các xã khu vực này năm 2023 đạt 66,1 triệu đồng/năm; 13/13 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi với vùng nông thôn được giảm dần.
Sở LĐTBXH còn phối hợp với Sở Tài chính tham mưu HĐND, UBND thành phố trích 7.759 tỷ đồng ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH thành phố để cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, trong đó từ năm 2021-2023 đã cho vay GQVL 7.103 tỷ đồng, góp phần giúp hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thành phố đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù và ưu tiên nguồn lực để triển khai thực hiện việc mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, đối tượng BTXH, nâng mức trợ cấp xã hội hàng tháng; trợ giúp cá nhân, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gặp rủi ro. Đặc biệt là Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND, ngày 23/9/2021 đã mở rộng đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chính sách trợ giúp xã hội của thành phố (bổ sung 03 nhóm đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội tại cộng đồng và 07 nhóm đối tượng được tiếp nhận vào các cơ sở trợ giúp xã hội của Thành phố, đồng thời nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội lên 440.000 đồng (hệ số 1). Trong 3 năm qua đã có hơn 2,9 triệu lượt đối tượng được hỗ trợ với kinh phí 2.975,42 tỷ đồng. Các cơ sở trợ giúp xã hội được sắp xếp, tổ chức lại giảm từ 12 cơ sở xuống còn 10 cơ sở theo hướng tinh gọn, hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng quản lý, chăm sóc, điều trị và nuôi dưỡng đối tượng.
Các chính sách đối với người cao tuổi và người khuyết tật được đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời (lương hưu, trợ cấp BHXH, BTXH, cấp thẻ bảo hiểm y tế,...), 100% đối tượng BTXH, người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, người khuyết tật được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT. 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng BTXH được miễn học phí.
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (TE), đặc biệt là TE khuyết tật được đẩy mạnh. Chương trình về Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho trẻ khuyết tật do Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn, đơn vị trực thuộc Sở LĐTBXH triển khai thực hiện đã được triển khai tại 90 xã, thị trấn thuộc 12 huyện trên địa bàn Hà Nội, tập huấn cho 1.803 cán bộ, cộng tác viên; điều tra, sàng lọc 225.942 trẻ; phát hiện, khám phân loại 2.001 trẻ có nghi ngờ rối loạn phát triển; Tập huấn chuyển giao kiến thức, kỹ năng tới 600 gia đình trẻ khuyết tật; Hỗ trợ dụng cụ cho 208 trẻ khuyết tật... Thực hiện Đề án vận động nguồn lực bảo trợ TE có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, từ năm 2021 đến nay Quỹ Bảo trợ TE Thành phố đã huy động được hơn 32 tỷ đồng tiền mặt và hiện vật và hỗ trợ trực tiếp cho hơn 31nghìn TE có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 36 tỷ đồng.
Với những nỗ lực của toàn ngành LĐTBXH Hà Nội, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân Thủ đô không ngừng được nâng cao, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện mục tiêu phát triển xã hội gắn với bảo đảm quyền con người, quyền công dân, xây dựng Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”./.
Thảo Lan
Từ khóa:
Triển khai chính sách lao động
-
Trao hỗ trợ sửa chữa nhà ở tới người có hoàn cảnh khó khăn huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang)
23-11-2024 18:50 59
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
21-11-2024 11:06 29
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55