Hà Nội: Ưu tiên mọi nguồn lực cho công tác giảm nghèo
(LĐXH) - Giai đoạn 2022-2025, tổng kinh phí thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của thành phố Hà Nội được phê duyệt dự kiến là 1.587 tỷ đồng. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu giảm từ 25 - 30% số hộ nghèo hàng năm; phấn đấu đến cuối năm 2025, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo
Theo chuẩn nghèo đa chiều của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố còn 2.134 hộ nghèo (chiếm 0,095% tổng số hộ dân) và 22.263 hộ cận nghèo (chiếm 0,99% tổng số hộ dân). Có 16/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo.Trong số hộ nghèo, hộ cận nghèo hiện nay, có trên 470 hộ gặp khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ để xây mới và sửa chữa, cùng với đó là nhu cầu được hỗ trợ phương tiện, công cụ lao động, sản xuất, tạo việc làm để có thể vươn lên thoát nghèo. Do vậy, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của thành phố, rất cần sự chung tay, chia sẻ, giúp đỡ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm.
Năm 2023, thành phố Hà Nội phấn đấu giảm 30% số hộ nghèo, tương đương giảm 642 hộ nghèo. Để thực hiện có hiệu quả công tác này, Hà Nội đã và đang thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo và triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; thực hiện chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không"; chú trọng phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về "Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025". HĐND, UBND thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định về chính sách đặc thù thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của thành phố giai đoạn 2022-2025; ban hành các quy định về mức chuẩn trợ giúp xã hội và đối tượng bảo trợ xã hội của Thành phố...
Riêng trong 9 tháng năm 2023, Hà Nội tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương và thành phố, cụ thể là: 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế; 100% hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện (theo quy định của Chính phủ); Tiếp tục thực hiện chính sách trợ cấp xã hội hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội; hỗ trợ hàng tháng theo chính sách giảm nghèo đặc thù của Thành phố. Thực hiện hỗ trợ đột xuất cho các gia đình, cá nhân rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do hoả hoạn, gặp rủi ro bất khả kháng. Đặc biệt, hỗ trợ kịp thời đối với gia đình của 56 người tử vong và 42 người bị thương trong vụ cháy tại quận Thanh Xuân với kinh phí 950 triệu đồng.
Tính đến hết tháng 9/2023, tổng nguồn vốn hoạt động tại Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội đạt 13.680 tỷ đồng, tăng 906 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách Thành phố đạt 6.326 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách quận, huyện, thị xã đạt 862 tỷ đồng với 29/30 đơn vị cấp huyện đã chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH. Chi nhánh cũng đã giải ngân cho 81.510 lượt khách hàng vay vốn, trong đó tập trung chủ yếu ở một số chương trình tín dụng như cho vay giải quyết việc làm 59.682 lượt khách hàng, góp phần thu hút 59.690 lao động; cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường 21.510 lượt hộ, hỗ trợ cải tạo và xây mới 43.020 công trình nước sạch, công trình vệ sinh; cho vay 97 lượt khách hàng vay vốn cho học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó và 5 lượt khách hàng để mua máy vi tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến cho học sinh, sinh viên; cho vay đối với 21 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ vốn cho 82 khách hàng vay vốn để mua nhà ở xã hội, xây mới, sửa chữa nhà để ở. Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn Thành phố.
Phát huy kết quả nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục dành các nguồn lực nhằm giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người dân; trong đó, chú trọng quan tâm tới các đối tượng yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu… Tiếp tục hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin), nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt là chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, cần nhân rộng mô hình giảm nghèo hiệu quả và phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng tại các địa phương; triển khai mô hình việc làm công gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên địa bàn; các mô hình hợp tác, liên kết giữa các hộ nghèo với doanh nghiệp trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm, thu hút lao động nghèo vào làm việc ổn định trong doanh nghiệp.
Tiếp tục vận động xã hội hóa, tạo nguồn lực để thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo; tạo điều kiện, khuyến khích các hộ nghèo thoát nghèo và vươn lên có mức sống khá; không để hộ tái nghèo, hạn chế thấp nhất số hộ nghèo phát sinh mới; ưu tiên hỗ trợ các xã vùng dân tộc thiểu số, miền múi và các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao
Tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện; chính sách trợ giúp pháp lý; hỗ trợ cải thiện nhà ở của hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường triển khai chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ mới thoát cận nghèo. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi.
Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối, giới thiệu, hỗ trợ việc làm cho người nghèo. Nâng cao hiệu quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Triển khai, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, các giải pháp giảm nghèo hiệu quả phù hợp với đặc điểm của từng địa phương. Kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo…
Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
12-11-2024 17:27 31
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25
-
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
12-11-2024 17:27 08