Hải Dương triển khai nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững
(LĐXH)- Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, thời gian quan, tỉnh Hải Dương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực và tập trung vào một số chỉ tiêu như: cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo; tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện, xã, thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước sinh hoạt...
Đặc biệt, để đảm bảo cho các hộ nghèo có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh tập trung đào tạo nghề cho 100% lao động thuộc hộ nghèo; 100% người nghèo, cận nghèo được cấp, hỗ trợ mua thẻ BHYT; 100% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, có nhà tiêu hợp vệ sinh; 80% hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất; 90% xã đạt tiêu chí Quốc gia về y tế, trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Theo kết quả điều tra, rà soát của các huyện, thị xã, thành phố, đến nay, toàn tỉnh Hải Dương còn 21.104 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,60%), số hộ cận nghèo là 21.665 hộ (chiếm tỷ lệ 3,70%). Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, Hải Dương phấn đấu giảm số hộ nghèo bình quân khoảng hơn 1%/năm. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Tỉnh ủy, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm nên đã tích cực vận động các tầng lớp nhân dân tham gia với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững đã đề ra. Từ đó, chú trọng tập trung phát triển sản xuất, ngành nghề, chuyển giao khoa học, công nghệ, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn, xuất khẩu lao động, tạo điều kiện thuận lợi để hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy nền kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Đặc biệt, nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, Hải Dương đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo tiếp cận các nguồn vốn, gắn với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông, khuyến công và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất; hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đối với hộ nghèo theo quy định. Tỉnh thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nhất là hộ có người khuyết tật, chủ hộ là phụ nữ; xây dựng và nhân rộng các mô hình sinh kế giảm nghèo bền vững. Đến nay, Ngân hàng chính sách xã hội đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân vốn tín dụng cho 3.125 lượt hộ nghèo vay vốn, kinh phí thực hiện 145.625 triệu đồng; 3.271 hộ cận nghèo vay vốn, kinh phí đạt 152.500 triệu đồng; 1.597 lượt học sinh sinh viên vay vốn, kinh phí đạt 15.995 triệu đồng; 8.702 hộ mới thoát nghèo vay vốn, kinh phí thực hiện 402.384 triệu đồng; 92 hộ vay làm nhà ở, kinh phí đạt 2.300 triệu đồng; 5 hộ vay xuất khẩu lao động, kinh phí thực hiện 450 triệu đồng; 58 hộ gia đình vay vốn sản xuất kinh doanh, kinh phí đạt 2.771 triệu đồng; 12.016 hộ vay vốn nước sạch vệ sinh môi trường, kinh phí đạt 144.192 triệu đồng.
Ông Vũ Doãn Quang, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, cho biết: Để đạt được những mục tiêu về giảm nghèo bền vững, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết tâm vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân nỗ lực cao trong thực thi chính sách và huy động nguồn lực đề thực hiện hiệu quả chương trình. Trong đó, tỉnh tập trung triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và ưu tiên đối với lao động có hoàn cảnh khó khăn; dạy nghề gắn với tạo việc làm; quan tâm tạo việc làm cho lao động vào các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; miễn giảm học phí cho con các hộ nghèo; củng cố mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn. Tỉnh cũng huy động các nguồn vốn và lồng ghép các chương trình để đẩy mạnh cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn. Các ngân hàng tập trung cải cách thủ tục hồ sơ giúp các đối tượng tiếp cận nguồn vốn tín dụng và phối hợp với các cơ quan hữu quan để hướng dẫn hộ nghèo làm ăn theo hướng chuyển dịch cơ cấu ngành nghề có hiệu quả; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh để tăng giá trị trên một đơn vị diện tích; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức dạy nghề kèm theo hình thức vừa học vừa làm cho người nghèo.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
AstraZeneca đồng hành cùng Quỹ Ngày Mai Tươi Sáng mang yêu thương đến với bệnh nhân ung thư dịp Tết Ất Tỵ 2025
22-01-2025 21:16 22
-
Những hình ảnh xấu xí ngày tiễn ông Táo chầu trời
22-01-2025 15:32 46
-
Xuân về trao yêu thương – Tết đong đầy cùng LC Foods
22-01-2025 15:32 36
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54
-
Từ 1/7, người đủ 75 tuổi sẽ nhận trợ cấp hưu trí 500.000 đồng/tháng
21-01-2025 09:12 36
-
Nestlé Việt Nam trao tặng hơn 17.000 sản phẩm nhân dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025
21-01-2025 06:04 09
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31