Luật An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) quy định An toàn vệ sinh viên (ATVSV) là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật ATVSLĐ; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định ATVSLĐ và được người lao động trong tổ bầu ra, hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của ban chấp hành công đoàn cơ sở, trên cơ sở quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV. Từ quy định này có thể thấy sự cần thiết và vai trò quan trọng của đội ngũ ATVSV, họ chính là cầu nối giữa người lao động và người sử dụng lao động trong giám sát quy trình sản xuất an toàn tại cơ sở, tham mưu người sử dụng lao động về công tác đảm bảo ATVSLĐ.
Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, theo thống kê, hiện có hơn 500 doanh nghiệp xây dựng được mạng lưới ATVSV với hơn 6.700 lao động tham gia. Đây được xem là lực lượng nòng cốt trong huấn luyện ATVSLĐ tại doanh nghiệp. Nhiều đơn vị xây dựng mạng lưới ATVSV và hoạt động tốt đã góp phần hạn chế thấp nhất tai nạn lao động xảy ra, giúp người lao động có ý thức hơn, chú trọng hơn đến bảo đảm an toàn trong quá trình làm việc và nhờ đó, môi trường làm việc thường xuyên được đánh giá rủi ro, kịp thời khắc phục các nguy cơ mất ATLĐ. Trong năm 2020 Liên đoàn lao động các quận, công đoàn ngành tổ chức 29 lớp đào tạo, bồi dưỡng 1.861 cán bộ công đoàn cơ sở, ATVSV về công tác ATVSLĐ tại doanh nghiệp; các cấp công đoàn thành phố xây dựng mới 15 góc tuyên truyền về ATVSLĐ, thành lập mới 22 mạng lưới ATVSV. Tính riêng những tháng đầu năm 2021, đã có thêm 07 mạng lưới ATVSV được thành lập tại các doanh nghiệp.
Tại Khu kinh tế Hải Phòng đã có 167/191 doanh nghiệp thành lập mạng lưới ATVSV, xây dựng góc tuyên truyền về ATVSLĐ. Để thêm nhiều chủ doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề an toàn lao động, phát triển mạng lưới ATVSV, cán bộ Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng thường tổ chức vận động, thương lượng bổ sung một số nội dung vào thỏa ước lao động tập thể như: cấp phát bổ sung phương tiện bảo vệ cá nhân; tăng phụ cấp, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ ATVSV, tổ chức tập huấn về kỹ năng làm việc an toàn với người lao động… Đồng thời, Công đoàn Khu Kinh tế Hải Phòng xây dựng kế hoạch giám sát chặt chẽ việc thực hiện các điều khoản cam kết trên của doanh nghiệp, để người sử dụng lao động thấy rõ tầm quan trọng của đội ngũ ATVSV, tạo điều kiện cho họ thể hiện vai trò, phát huy năng lực.
Mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng đến nay, công tác ATVSLĐ trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn, thách thức, đơn cử trong đợt thanh kiểm tra cuối năm 2020 về ATVSLĐ cho thấy số lượng doanh nghiệp tổ chức huấn luyện ATVSLĐ còn thấp; nội dung công tác huấn luyện chưa theo vị trí việc làm, chưa đủ thời gian, đôi lúc mang tính hình thức; một số doanh nghiệp có xây dựng góc bảo hộ lao động nhưng chưa phát huy hiệu quả; việc hợp tác của doanh nghiệp với các đơn vị chuyên nghiệp tham gia huấn luyện, đào tạo về ATVSLĐ đối với lao động mới tuyển dụng chưa được quan tâm; ít đánh giá rủi ro từ môi trường làm việc, kiểm định chất lượng thiết bị định kỳ…
Mặc dù xác định rõ vai trò, vị trí của lực lượng ATVSV song theo nhận định của các chuyên gia, các đơn vị không thể chỉ trông chờ vào lực lượng ATVSV vì không phải an toàn viên nào cũng có thể nắm vững kiến thức, sẵn sàng tham mưu cho chủ sử dụng lao động thực hiện các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ. Do đó, cùng với việc liên tục đào tạo, đào tạo lại cho các ATVSV thì để mạng lưới ATVSV hoạt động hiệu quả cao, công đoàn cơ sở cần phân công nhiệm vụ, xây dựng quy chế hoạt động cụ thể, rõ ràng, xây dựng góc tuyên truyền trực quan. Người sử dụng lao động tạo điều kiện về thời gian, giao nhiệm vụ và có chế độ phụ cấp, khen thưởng rõ ràng, cụ thể với đội ngũ ATVSV cũng như bộ máy làm công tác ATVSLĐ trong doanh nghiệp.
Với mục tiêu đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc như chủ đề của Tháng ATVSLĐ năm nay trong bối cảnh dịch Covid, công tác ATVSLĐ phải siết chặt và đáp ứng bài bản hơn nữa để đảm bảo an toàn cho mỗi người lao động. Trước thực tế đó, bên cạnh các giải pháp về ATVSLĐ, hơn bao giờ hết mạng lưới ATVSV cần phải thể hiện vai trò nòng cốt trong thực hiện hiệu quả Luật ATLĐ, thúc đẩy các phong trào thi đua về ATVSLĐ cũng như phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ.
Được biết, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn trong việc thành lập, kiện toàn và xây dựng quy chế hoạt động mạng lưới ATVSV; đẩy mạnh việc phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động mạng lưới ATVSV ở các cơ sở sản xuất; chỉnh trang, nâng cấp góc tuyên truyền về ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức phát thanh tuyên truyền kiến thức về ATVSLĐ và kỹ năng, phương pháp hoạt động của mạng lưới ATVSV.
Trần Huyền
-
Đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ở Cà Mau
23-10-2024 11:35 03
-
Đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo ở huyện biên giới
25-11-2024 11:16 11
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
Thái Bình thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo thêm việc làm cho người lao động
11-11-2024 11:03 25
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06