Hải Phòng: Nghiêm túc chấp hành chính sách pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
(LĐXH) - Xác định công tác an toàn, vệ sinh lao động có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đơn vị, thời gian qua thành phố Hải Phòng đã chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.
Công tác đảm bảo ATVSLĐ được nhiều doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn thành phố nghiêm túc thực hiện
Thực tế cho thấy, ở mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều có thể xảy ra tai nạn lao động nếu người lao động, người sử dụng lao động không chấp hành tốt các quy định về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Trong các nguyên nhân gây ra tai nạn lao động, nhiều nhất là ngã từ trên cao, điện giật, tai nạn giao thông, máy, thiết bị cán, kẹp, cuốn, vật rơi, đổ sập, vật văng, bắn… Tai nạn lao động xảy ra ở cả khu vực có quan hệ lao động và người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động; ở mọi loại hình cơ sở sản xuất: công ty cổ phần; công ty TNHH; doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể. Tại Hải Phòng, có đầy đủ các ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp. Các ngành công nghiệp nặng như: đóng tàu, cán thép, luyện kim, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, lao động nghề biển… Đặc biệt, thành phố đang xây dựng rất nhiều công trình cầu, đường, nhà ở, khu công nghiệp lớn nên lĩnh vực xây dựng cần nhiều nhân công. Đây cũng là khu vực hoạt động có nguy cơ cao về mất an toàn lao động do sử dụng nhiều lao động thủ công.
Để chấn chỉnh, phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng, UBND thành phố đã ban hành Chỉ thị số 39 “Chấn chỉnh công tác ATVSLĐ đối với các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố”. Theo đó, yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường quản lý, chấn chỉnh công tác ATVSLĐ trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ TNLĐ và an toàn trên công trình xây dựng tiếp giáp với khu dân cư, đường giao thông. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phối hợp xác minh, điều tra, xử lý các vụ TNLĐ nghiêm trọng, chết người, nhanh chóng làm rõ nguyên nhân, xem xét, xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu và những cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra TNLĐ theo quy định của pháp luật. Đối với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ thị yêu cầu thực hiện nghiêm chức năng quản lý nhà nước về ATVSLĐ; thực hiện tốt công tác phối hợp điều tra, xử lý hoặc đề xuất xử lý nghiêm doanh nghiệp, đơn vị để xảy ra TNLĐ, nhất là những vụ TNLĐ nghiêm trọng; đánh giá, phân tích nguyên nhân các vụ TNLĐ, từ đó rút kinh nghiệm, tổ chức phổ biến rộng rãi, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng tránh TNLĐ tương tự tái diễn. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực xây dựng.
Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về ATVSLĐ tới người lao động. Đồng thời thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh công tác quản lý an toàn lao động trong thi công, xây dựng công trình thuộc thẩm quyền của địa phương. Song quan trọng nhất, để bảo đảm an toàn lao động, người sử dụng lao động và người lao động cần có ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn theo quy định của pháp luật lao động. Chủ sử dụng lao động phải tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động để phòng tránh rủi ro, phân công, bố trí người lao động làm việc đúng ngành nghề, công việc được đào tạo, đồng thời tăng cường công tác quản lý máy, thiết bị; rà soát chấn chỉnh công tác quản lý kỹ thuật an toàn; cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Giám sát việc thực hiện ATVSLĐ tại doanh nghiệp
Theo đó, đã có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đưa nội dung trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và khám sức khoẻ định kỳ vào hợp đồng lao động khi giao kết với người lao động. Hầu hết doanh nghiệp có thoả ước lao động tập thể đều đưa nội dung an toàn, vệ sinh lao động vào thương lượng, ký kết. Trong đó, tập trung vào nội dung phụ cấp an toàn viên (cao nhất ghi nhận 300.000 đồng/tháng); khám sức khoẻ định kỳ (cao nhất 500.000 đồng/lần); trang bị bảo hộ lao động (cao nhất 500.000 đồng/người)... Điển hình là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp nặng, Công ty Cổ phần cáp điện và hệ thống LS Vina đã coi trọng vấn đề bảo đảm ATVSLĐ. Theo đó, ngoài những chế độ bảo hộ lao động, các biện pháp an toàn lao động và các quy định tiêu chuẩn ATVSLĐ và môi trường theo đúng quy định của nhà nước, công đoàn xây dựng một số nội dung liên quan đến công tác bảo đảm ATVSLĐ dựa trên tình hình thực tế, đặc thù sản xuất tại doanh nghiệp vào thỏa ước lao động tập thể. Cụ thể, trong thỏa ước lao động tập thể mới nhất được ký kết gần đây, có 3 nội dung liên quan đến công tác ATVSLĐ: “hằng năm, người lao động được cấp phát 2 bộ đồng phục (một bộ mùa đông, một bộ mùa hè), 1 mũ bảo hộ, 1 đôi giầy, găng tay bảo hộ và khám sức khoẻ định kỳ theo quy định của pháp luật lao động. Công ty bảo đảm cho công nhân ăn uống tại công ty sạch sẽ, hợp vệ sinh an toàn thực phẩm; nơi ăn nghỉ trưa cho công nhân bảo đảm thoáng, mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông (công đoàn công ty thường xuyên kiểm tra, giám sát và phản ánh những bất cập trong quá trình thực hiện tới lãnh đạo công ty để khắc phục kịp thời). Khi người lao động trong tình trạng sức khoẻ yếu không thể tiếp tục làm việc, công ty bố trí tạm nghỉ dưỡng tại phòng y tế; thời gian nghỉ ngơi nhiều nhất là 2 giờ/lần và không khấu trừ vào tiền lương hằng tháng…”. Nhờ thực hiện tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, môi trường làm việc của công ty được cải thiện đáng kể, không để xảy ra tai nạn lao động, người lao động yên tâm làm việc.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thực hiện chính sách pháp luật về ATVSLĐ tại Hải Phòng còn gặp một số khó khăn nhất định như: Ở một số doanh nghiệp, cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, không có chế độ phụ cấp; ý thức chấp hành quy định về an toàn vệ sinh lao động của công nhân lao động còn hạn chế; công tác khai báo tai nạn lao động không kịp thời, đoàn điều tra tai nạn lao động tại cơ sở không thành lập đúng quy định, việc tham gia công đoàn cơ sở vào quá trình điều tra, thu nhận thông tin ban đầu, chia sẻ khó khăn, thực hiện quyền lợi người bị nạn... Một số doanh nghiệp, nhận thức của người sử dụng lao động về ATVSLĐ còn hạn chế, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, khu công nghiệp. Công tác phối hợp giữa công đoàn và chuyên môn đồng cấp ở một số đơn vị chưa đồng bộ, thiếu kỹ năng trong thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể nói chung và xây dựng nội dung, biện pháp bảo đảm ATVSLĐ nói riêng.
Trong những năm tới, các cấp công đoàn thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, các quy chế quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Các cấp công đoàn và cán bộ công đoàn cơ sở chú trọng nâng cao chất lượng việc thương lượng, ký kết các bản thỏa ước lao động tập thể, trong đó có các điều khoản về ATVSLĐ sao cho phù hợp với đặc thù công việc của từng doanh nghiệp; tổ chức đối thoại với người sử dụng lao động về các vấn đề ATVSLĐ. Bên cạnh đó, giám sát thực hiện nội dung thỏa ước lao động tập thể nói chung và các nội dung liên quan đến ATVSLĐ nói riêng, kịp thời phát hiện sai phạm để giải quyết thông qua đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất…
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Quận Cầu Giấy hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho công nhân lao động đón Tết Ất Tỵ 2025
07-01-2025 20:37 46
-
Thu nhập bình quân của lao động là 7,7 triệu đồng/tháng trong năm 2024
07-01-2025 13:53 52
-
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Có 87/88 chỉ tiêu, nhiệm vụ đạt và vượt so với yêu cầu đề ra
03-01-2025 15:24 00
-
Thực hiện Tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững ở huyện nghèo Ngân Sơn
27-12-2024 14:32 31
-
Đắk Lắk: Đẩy mạnh giới thiệu việc làm trong nước và ngoài nước
30-12-2024 13:44 57
-
Điện Biên đẩy mạnh thu thập thông tin thị trường lao động để giải quyết việc làm bền vững
30-12-2024 13:34 40
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46