Kinh tế
Hàng loạt khu đô thị phía Tây Hà Nội sẽ tiếp tục úng ngập?
12:10 PM 14/08/2017
Nhiều ý kiến cho rằng, các khu đô thị phía Tây Hà Nội, trong đó dọc hai bên đường Lê Trọng Tấn, Đại lộ Thăng Long sẽ còn cảnh úng ngập, khi mà việc phát triển đô thị tuỳ tiện dẫn đến các khu vực dễ bị ngập lụt cục bộ. Trong khi hệ thống tiêu thoát nước ở đây không có sự kết nối mà đang tự chảy.
Biệt thự triệu đô cứ mưa lại ngập
“Vừa mới vật lộn với trận mưa ngày 13/7 vừa qua khi nhà cửa bị ngập sâu trong nước cả ngày, nay phải vật lộn với những trận mưa do ảnh hưởng cơn bão số 2 nên cư dân ở đây ai cũng lo lắng tìm cách để đối phó với việc ngập úng. Ở một KĐT hiện đại với những ngôi biệt thự cả triệu đô mà cứ mưa to lại lo ngập thì tôi thật không hiểu hệ thống thoát nước ở đây thế như nào?”, anh Hoàng Công Bùi, ở khu A thuộc khu đô thị (KĐT) Geleximco bức xúc.
Cũng như anh Bùi, nhiều cư dân sống trong những ngôi biệt thự, liền kề thuộc KĐT Geleximco-Lê Trọng Tấn của chủ đầu tư là Công ty CP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco), quy mô 135ha với 4 phân khu (A, B, C, D), luôn sống trong cảnh nơm nớp úng ngập khi mưa lớn. “Năm ngoái cũng đã xảy ra tình trạng khu đô thị chìm trong biển nước, nước ngập kín cả tầng hầm. Nhiều gia đình ở đây phải mua sẵn máy bơm để hút nước ở tầng hầm sau khi mưa to. Năm nay mới đầu mùa mưa mà đã phải sống trong cảnh ngập úng. Khu đô thị này xây dựng cả chục năm nay nhưng đến nay nhiều nhà vẫn bỏ hoang, không ai về ở, không ai mua phần nhiều cũng vì lo ngập úng”, chị Lan, một cư dân ở đây cho biết.
Hàng loạt KĐT nằm dọc trục đường Lê Trọng Tấn, khu vực đại lộ Thăng Long có quy mô lớn khác như: Khu Thiên Đường Bảo Sơn; khu Nam An Khánh với 288 ha do Cty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà-SUDICO làm quy hoạch và xây dựng từ năm 2004; Khu Bắc An Khánh với trên 250 ha do Liên doanh giữa Vinaconex và Posco E&C làm chủ đầu tư, được xây dựng từ năm 2006….., dù đến nay đã được xây dựng cả chục năm nhưng hệ thống hạ tầng trong đó có hệ thống thoát nước chưa đồng bộ.
Nhiều cư dân ở đây vẫn nói với nhau "cứ mưa to là họ rẽ sóng ra khơi, được đi thuyền trên phố". Không chỉ trong KĐT, đường xá quanh ở đây cũng luôn trong tình trạng ngập sâu khi mưa lớn. Trên các diễn đàn cư dân các KĐT, luôn cập nhật những thông tin về tình hình mưa bão, ai cũng chung tâm trạng lo lắng khi mưa lớn sẽ ngập đường, ngập nhà .
Hệ thống thoát nước bị bỏ rơi?
Lý giải về tình trạng cứ mưa lớn là ngập sâu ở các KĐT nằm dọc đại lộ Thăng Long, đại diện chính quyền các phường, xã như quận Hà Đông, huyện Hoài Đức nơi có các KĐT trên cho rằng, toàn bộ hệ thống thoát nước khu vực phía Tây và dọc đại lộ Thăng Long hiện đang phụ thuộc vào việc tự chảy mà chưa có sự đồng tư đồng bộ.
Theo vị này, dù có tốc độ đô thị hóa mạnh với hàng loạt KĐT, khu nhà ở cao tầng mọc lên nhưng hệ thống thoát nước ở đây vẫn là trục tưới tiêu nông nghiệp, nằm ngoài dự án thoát nước chung của thành phố. “Khu vực này đang xen kẹt giữa đô thị và nông nghiệp, theo quy hoạch thì cần có hệ thống thoát nước chung nhưng hiện vẫn chưa được đầu tư”, vị này phân tích.
Trong khi đó, hiện hệ thống thoát nước tại các KĐT phía Tây, Tây Nam thuộc các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… đều được dẫn ra sông Nhuệ. Trong khi đó, sông Nhuệ cũng như các kênh, mương thoát nước tại các quận trên đều là thoát nước bán nông nghiệp và đô thị, có nghĩa là vừa phải chống úng cho nông nghiệp vừa phải chống ngập cho đô thị.
Hàng loạt khu đô thị phía Tây Hà Nội sẽ tiếp tục úng ngập? - ảnh 1
Nhiều cư dân ở đây vẫn nói với nhau "cứ mưa to là họ rẽ sóng ra khơi, được đi thuyền trên phố, được bắt cá trên phố".
Ông Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, việc ngập xảy ra tại nhiều KĐT mới là một điều đáng buồn. Theo ông Liêm nguyên nhân là do các nhà đầu tư, quản lý đô thị mới không tuân thủ về nguyên tắc chuẩn cốt nền chung. Các dự án, khu đô thị cứ đua nhau mọc lên trong khi đó mỗi nơi lại áp dụng một kiểu cốt nền nơi cao nơi thấp dẫn đến việc khó khăn trong tiêu thoát nước.
“Hà Nội thiếu quy hoạch cốt xây dựng thống nhất trên toàn thành phố, vì vậy sự phát triển đô thị tuỳ tiện dẫn đến các khu vực dễ bị ngập lụt cục bộ. Trong khi hệ thống hồ, ao, sông  kết nối với nhau nhưng hiện nay đã bị san lấp khá nhiều. Vì thế những nơi chưa có kết nối hệ thống thoát nước như phía Tây, phía đại lộ Thăng Long thì việc ngập úng sẽ còn nhiều”, ông Liêm phân tích.
Theo tienphong.vn
Từ khóa: