Kinh tế
Hé lộ lợi nhuận khủng của DN nộp thuế nhiều nhất TP HCM
03:22 PM 03/01/2025
(LĐXH) - Đây là một trong những doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn nhất trực thuộc UBND TP HCM, sở hữu hệ sinh thái sản xuất - phân phối có bề dày hàng chục năm. Song, điều giúp đơn vị này duy trì lợi nhuận đều đặn hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm đến từ nguồn thu từ công ty liên doanh liên kết.

Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết tính đến hết năm 2024, thu ngân sách của TP HCM tiệm cận con số 510.000 tỷ đồng. So với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 do HĐND TP HCM giao là 482.851,1 tỷ đồng, TP HCM đã vượt kế hoạch.

Đồng thời, TP HCM cũng công bố danh sách 33 doanh nghiệp nộp thuế trên 1.000 tỷ đồng cho thành phố, bên cạnh đó thành phố cũng ghi nhận có 26 doanh nghiệp nộp ngân sách từ 500 đến dưới 1.000 tỷ đồng.

Nhìn chung cho thấy, doanh nghiệp ngành bia, thuốc lá, xổ số kiến thiết, ô tô, ngân hàng, bất động sản siêu sang… vẫn trụ vững và có số nộp ngân sách lớn cho TP HCM trong năm “kinh tế buồn” vừa qua.

Đứng đầu trong danh sách 33 doanh nghiệp có số thu nộp ngân sách trên 1.000 tỷ đồng cho TP HCM năm 2024 là Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một thành viên (Satra).

Satra lãi lớn nhờ nhận cổ tức từ Heniken

Satra là doanh nghiệp 100% vốn sở hữu của UBND TP HCM, hoạt động trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng.

Trong nhóm doanh nghiệp có vốn của UBND TP HCM, Satra không có được sự giàu có về đất đai như Benthanh Group hay Saigontourist… Bù lại, đơn vị này vẫn được coi là "đứa con cưng" của thành phố khi đang nắm trong tay nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng đầu trong lĩnh vực chuyên biệt.

Hiện tại, Satra sở hữu hệ thống siêu thị và cửa hàng bán lẻ với các thương hiệu nổi tiếng như SatraMart, SatraFoods.

Đặc biệt, Satra sở hữu Khu Trung tâm Thương Mại Bình Điền (Chợ đầu mối Bình Điền) được xem là chợ đầu mối lớn nhất Việt Nam hoạt động sầm uất từ khuya đến sáng, đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nông sản, thực phẩm cho cư dân thành phố và các tỉnh lân cận.

Ở lĩnh vực sản xuất, Satra tập trung vào lĩnh vực chế biến sâu các loại thực phẩm. Hiện Satra đang sở hữu 67% vốn tại CTCP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) – một trong những doanh nghiệp dẫn đầu lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh thịt tươi sống tại phía Nam.

Ngoài Vissan, Satra cũng đang sở hữu cổ phần tại một số công ty liên kết khác trong lĩnh vực chế biến thực phầm gồm CTCP Thực phẩm CJ Cầu Tre, Công ty Phát triển kinh tế Duyên Hải (Cofidec),...

Tuy nhiên, nhóm công ty liên doanh, liên kết quan trọng nhất đối với Satra đó chính là Heineken Việt Nam. Hiện Satra nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam và 40% cổ phần Công Ty TNHH Bia Và Nước Giải Khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading).

Ảnh minh họa: Satra.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty PwC, năm 2023, Satra ghi nhận 9.791 tỷ đồng doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 2.295 tỷ đồng, giảm 55% so với thực hiện năm 2022.

Bóc tách rõ hơn, năm 2023, lợi nhuận gộp của Satra đạt 1.069 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt khoảng 11%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lên tới hơn 1.900 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh chính.

Vậy đâu là điều giúp cho Satra vẫn duy trì được số lãi hàng nghìn tỷ đồng qua mỗi năm?

Như đã nói ở trên, nguồn thu của Satra đến từ lợi nhuận từ các công ty liên doanh liên kết, bao gồm cả Heniken. Với nhiều thương hiệu bia Tiger, Heniken, Strongbow và Edelweiss,... đơn vị này nhiều năm liền là quán quân lợi nhuận ngành bia Việt Nam, đồng thời giúp đem về cho Satra nguồn lợi nhuận khổng lồ.

Nếu tính trung bình trong 5 năm giai đoạn 2019 – 2023, Heineken đã giúp Satra kiếm được khoảng 15.000 - 18.000 tỷ đồng cổ tức.

Ngoài ra, việc duy trì lượng tiền mặt dồi dào hơn chục nghìn tỷ đồng cũng giúp doanh nghiệp vốn nhà nước này thu về hàng trăm tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.

Tính đến hết năm 2023, tổng lượng tiền và tiền gửi ngân hàng hơn 14.500 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa tổng tài sản của Satra. Và chỉ tính riêng trong năm 2023, Satra đem về 802 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, trong khi chi phí lãi vay chưa tới 17 tỷ đồng.

Nguồn thu từ công ty liên doanh, liên kết (chủ yếu là Heniken) giúp Satra lãi lớn nhiều năm qua. (Nguồn: Báo cáo tài chính Satra).

Nhiều gương mặt quen thuộc đóng góp thuế cho TP HCM

Trở lại với danh sách đóng thuế trên nghìn tỷ cho TP HCM, ngoài Satra còn có nhiều tên tuổi quen thuộc khác như Công ty TNHH - Nhà máy bia Heineken Việt Nam, Công ty TNHH MTV Thuốc lá Sài Gòn; Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết TP HCM; Công ty TNHH Apple Việt Nam; Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – Mã: SAB).

Trong đó, Công ty Thuốc lá Sài Gòn và Xổ số kiến thiến TP HCM đang là doanh nghiệp có vốn nhà nước. Còn Apple Việt Nam và Sabeco do cổ đông lớn nước ngoài nắm chi phối.

Xếp các vị trí tiếp theo trong danh sách nộp thuế trên 1.000 tỷ là Công ty TNHH Ô tô thế giới; Công ty TNHH Mercedes Benz Việt Nam; Công ty TNHH Vina-Bat; CTCP Thế Giới Di Động; Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam…

Đáng chú ý, trong danh sách này có đến 8 ngân hàng như: Nam Á, ACB, HDBank, Sacombank, VIB, OCB, HSBC Việt Nam, Shinhan Việt Nam.

Bên cạnh đó, Công ty chứng khoán SSI, Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam cũng góp mặt trong danh sách nộp thuế cho TP HCM trên nghìn tỷ.

Trong khi đó, Vinamilk, Masan, Pepsico, Coca-Cola, Grab… có tên trong nhóm nộp thuế từ 500 tỷ đồng đến dưới 1.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam và Công ty TNHH Manulife Việt Nam cũng đóng góp ngân sách cho thành phố trên 500 tỷ đồng năm vừa rồi.

Minh Hằng