Hiệu quả chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng
(LĐXH) - Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, số lượng lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động trong năm 2020 và 2021 giảm mạnh. Trong đó, lao động là đối tượng thuộc các chính sách hỗ trợ để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng chiếm khoảng 10%. Ngoài các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chính sách cho vay ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã mở ra cho lao động là người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động cư trú tại các khu vực, địa bàn đặc biệt khó khăn có cơ hội được đi làm việc ở nước ngoài, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Giai đoạn 2016 - 2021, Ngân hàng CSXH đã cho 26.428 lượt người vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài từ nguồn vốn huy động của Ngân hàng với doanh số cho vay đạt 1.844 tỷ đồng. Trong đó, Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg và Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg đã gỉai quyết cho 2.509 lượt người vay vốn xuất khẩu lao động với doanh số cho vay đạt 198 tỷ đồng. Ngoài các chính sách chung, một số địa phương có các chính sách riêng để hỗ trợ, khuyến khích người lao động đi làm việc ở nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của địa phương. Để hỗ trợ người lao động thuộc một số nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội có vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan đã trình ban hành một số chính sách cho vay, điển hình như: Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN về việc cho vay đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được thực hiện từ năm 2004. Đối tượng thụ hưởng của Quyết định này là người lao động thuộc hộ nghèo và thân nhân người có công với cách mạng. Về mức cho vay, căn cứ theo quy định trong từng thời kỳ ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tối đa bằng 80% tổng chi phí cần thiết ghi trong hợp đồng lao động (Riêng đối tượng chính sách đi lao động tại Malaysia được vay vốn tối đa bằng 100% chi phí cần thiết ghi trong hợp đồng; đến năm 2006, mức cho vay đã được nâng lên bằng 100% chi phí của người đi làm việc ở nước ngoài, nhưng không quá 20 triệu đồng/lao động (Nghị quyết số 171/NQ-HĐQT ngày 29/8/2006 của Ngân hàng Chính sách xã hội); đến năm 2007, mức cho vay tối đa là 30 triệu đồng/lao động (Nghị quyết số 80/NQ-HĐQT ngày 07/5/2007 của Ngân hàng Chính sách xã hội). Lãi suất vay vốn bằng lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Chính phủ quy định.
Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm (có hiệu lực từ ngày 01/9/2015), việc cho vay đối với người thuộc hộ nghèo và thân nhân người có công với cách mạng được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ.
Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg về hỗ trợ giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho người lao động bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động thuộc các hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên phạm vi cả nước bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất để bồi thường được vay vốn để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mức cho vay được xác định theo nhu cầu và khả năng trả nợ của người vay nhưng tối đa bằng tổng các khoản chi phí cần thiết mà người lao động phải đóng góp theo quy định được ghi trên Hợp đồng và không vượt quá mức trần cho vay theo từng thị trường lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định từng thời kỳ.
Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg được thay thế bằng Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất (có hiệu lực từ ngày 01/02/2016). Đối tượng vay vốn, ngoài người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị nhà nước thu hồi đất nông nghiệp tại Quyết định số 52/2012/QĐ-TTg, thì Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg bổ sung thêm nhóm “lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở”.
Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm và Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23/9/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm. Theo đó, người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, người lao động là người dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng được vay tối đa 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với các khoản vay từ 100 triệu đồng trở lên, người lao động phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài đến năm 2020 (Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người lao động huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài trong giai đoạn 2009 đến ngày 25/10/2019 thực hiện theo quy định tại Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020). Đối tượng vay vốn là người lao động sinh sống tại huyện nghèo theo Nghị Quyết số 30/2008/NQ-CP. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các huyện nghèo được vay theo nhu cầu và tối đa bằng các khoản chi phí phải đóng góp theo từng thị trường và theo điều khoản hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài được ký kết giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Ngoài các chính sách cho vay vốn nêu trên, một số địa phương có các chính sách cho vay đối với người lao động cư trú trên địa bàn từ nguồn ngân sách của tỉnh, ủy thác qua ngân hàng Chính sách xã hội như Vĩnh Phúc, Bến Tre, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Định, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Trà Vinh, Hải Dương, Khánh Hòa, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Long An.. hoặc ưu tiên trích từ nguồn thu hồi cho vay từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm để cho vay xuất khẩu lao động (như Quảng Ngãi, Bến Tre, Sóc Trăng..).
Đối với chính sách cho vay để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do các địa phương ban hành, đối tượng vay vốn được mở rộng là thanh niên chưa có việc làm ổn định, người hoàn thành nghĩa vụ quân sự, công an, người thuộc diện mồ côi hoặc từ các cơ sở bảo trợ xã hội. Một số tỉnh mở rộng đối tượng cho vay là người lao động cư trú trên địa bàn tỉnh. Người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài được vay tín chấp với mức tối đa 80 triệu đồng/người như Thừa Thiên Huế (quy định tại Nghị quyết số 06/2021/NQ-HĐND ngày 26/4/2021 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2021-2025), Lâm đồng (quy định tại Quyết định số 33/2016/QĐ-UBND ngày 09/6/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng quy định cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài).
Đặc biệt như tại Bến Tre, ngoài nguồn ngân sách của địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh vận động doanh nghiệp, ủy thác nguồn vốn qua ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để cho vay đối với người lao động đi làm việc ở ước ngoài với tổng số tiền ủy thác là 20 tỷ đồng, mức cho vay 50 triệu/người, thời hạn cho vay 9 tháng. Nhìn chung, các địa phương sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đều lập kế hoạch thực hiện theo quy định tại Thông tư 11/2017/TT-BTC ngày 08/02/2017 của Bộ Tài chính quy định về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song việc triển khai cho vay theo chính sách này tại một số địa phương còn hạn chế, chủ yếu do nguồn ngân sách nhiều địa phương không bố trí được nguồn vốn vay; Quỹ quốc gia về việc làm cũng chưa được bổ sung nguồn vốn để cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số Doanh nghiệp tuyển dụng lao động chưa đúng với quy định hoặc tuyển dụng lao động không phù hợp với công việc, dẫn đến việc người lao động đã vay vốn tại ngân hàng, nhưng không đi được hoặc người lao động không đáp ứng được công việc phải về nước trước hạn. Bên cạnh đó, hợp đồng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài ký giữa doanh nghiệp và người lao động thiếu thông tin về các khoản chi phí người lao động trước khi đi, khiến cho việc vay vốn của người lao động gặp khó khăn, ngân hàng không đủ căn cứ để giải ngân vốn vay cho người lao động. Việc giải quyết quyền và nghĩa vụ giữa người lao động và doanh nghiệp còn chậm, chưa minh bạch dẫn đến nợ quá hạn, nợ xấu ảnh hưởng đến nguồn vốn cho vay đi làm việc ở nước ngoài tại ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, một số địa phương xây dựng chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài riêng của địa phương, bao gồm cả việc hỗ trợ cho vay vốn bằng 100% chi phí đi làm việc ở nước ngoài, mức vay vốn tối đa lên đến 200 triệu đồng (không có tài sản đảm bảo). Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp vướng mắc do các quy định cho vay và quản lý vốn vay tại ngân hàng Chính sách xã hội.
Giai đoạn 2021-2025, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện chính sách tính dụng ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP và nghị định số 74/2019/NĐ-CP, Cục Quản lý lao động ngoài nước hiện đang tham mưu cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS.
Theo đó, để thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay để đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng của các doanh nghiệp, chấn chỉnh việc ký hợp đồng, cung cấp hoá đơn, chứng từ thu tiền của doanh nghiệp đối với người lao động. Tăng cường đôn đốc các doanh nghiệp giải quyết nhanh chóng các trường hợp phát sinh đối với người lao động đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động. Tiếp tục phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội rà soát và đôn đốc doanh nghiệp giải quyết các tồn đọng liên quan đến các khoản vốn vay của người lao động nộp cho doanh nghiệp nhưng không đi được hoặc phải về nước trước thời hạn. Đồng thời, kiến nghị với các cơ quan chức năng xem xét bổ sung nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm để cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng./.
Hà Giang
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48