Xã hội
Hòa Bình : Lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo sinh kế và giảm nghèo bền vững
02:05 PM 17/10/2023
(LĐXH)- Việc lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo sinh kế bền vững cho người dân là một nội dung mà các địa phương ở tỉnh Hòa Bình đều quan tâm và mong muốn thực hiện hiệu quả.
Thời gian qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hòa Bình luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện, quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả với quyết tâm “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo ông Đới Văn Chinh, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình: Quá trình triển khai thực hiện các Chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo cần phải có kế hoạch, có sự vào cuộc toàn diện của các cấp, các ngành, của toàn thể xã hội, của những người thụ hưởng các chính sách, nhằm huy động được nhiều nguồn lực khác nhau vào quá trình thực hiện giảm nghèo bền vững của tỉnh. Vì vậy việc lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để tạo sinh kế bền vững cho người dân là một nội dung mà các địa phương trên địa bàn tỉnh đều quan tâm và mong muốn thực hiện hiệu quả.

Ngay từ đầu giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hòa Bình, Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành 02 Nghị quyết đó là : Nghị quyết số 183/2022/NQ-HĐND ngày 20/10/2022 ban hành Quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu Quốc gia và các Chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021-2025; và Nghị quyết 184/NQ-HĐND ngày 20/10/2022  về Quy định cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.

Mô hình trồng cây có múi giúp nhiều hộ gia đình ở Hoà Bình thoát nghèo bền vững.

Với những quy định cụ thể từ hai Nghị quyết trên, cơ chế lồng ghép, huy động nguồn vốn được thực hiện từ khâu lập kế hoạch, phân bổ, giao dự toán ngân sách và sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn, tổ chức thực hiện, giám sát và đánh giá kết quả. Các nguồn vốn huy động để thực hiện lồng ghép theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện, công khai, minh bạch, bằng nhiều hình thức.

Nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2023 là 448,49 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách trung ương bố trí giai đoạn 2021-2023 là: Hơn 442,63 tỷ đồng; Ngân sách địa phương (cấp tỉnh) đã bố trí là 4,6 tỷ đồng; Vốn huy động từ nguồn khác là: Hơn 1.26 tỷ đồng  (Vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội).

Quá trình thực hiện lồng ghép, huy động nguồn vốn trong thời gian qua đã được các đơn vị, địa phương và toàn thể người dân quan tâm và đồng lòng cùng nhau triển khai thực hiện. Toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện lồng ghép các nguồn vốn để đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững và đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả là, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2022 giảm còn 12,29% (giảm 3,2% so với năm 2021, đạt 128% kế hoạch tỉnh giao) và cuối năm 2022 toàn tỉnh đã có 73 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tuy nhiên việc thực hiện lồng ghép, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để để tạo sinh kế bền vững cho người dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn nhất định như : Chưa thu hút được nhiều nguồn lực lồng ghép, mà chủ yếu các dự án vẫn thực hiện đầu tư riêng lẻ, chỉ lồng ghép nội dự án, chưa liên kết giữa các dự án, đặc biệt là việc lồng ghép đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững. Đa số nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm mục đích thực hiện công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương là từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Vì vậy,  trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân, nhà đầu tư, doanh nghiệp hiểu và nắm bắt các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để thu hút sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội, tạo động lực phát triển, tạo sinh kế nhằm giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Thực hiện xây dựng kế hoạch lồng ghép các nguồn lực từ đầu năm, cùng với việc xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển các Chương trình mục tiêu quốc gia cần xác định rõ những công trình, dự án nào có thể lồng ghép với dự án khác, công trình dự án nào huy động sự tham gia của nhân dân, của doanh nghiệp, của nhà đầu tư trên địa bàn để có kế hoạch triển khai cụ thể. Các địa phương cần chú ý lồng ghép liên dự án đối với các chương trình, dự án có cùng mục đích đầu tư (như dự án ODA, dự án của các nhà đầu tư, doanh nghiệp... ./.

Mỹ Linh

 

 

Từ khóa: tạo sinh kế