Lao động
Hòa Bình: Quan tâm tạo việc làm cho lao động nông thôn
03:51 PM 10/10/2019
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp tạo việc làm cho người lao động, trong đó chú trọng đến lao động nông nghiệp, nông thôn, góp phần ổn định đời sống dân cư, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trung tâm Hướng nghiệp kỹ thuật tổng hợp và tin học tỉnh dạy nghề cho lao động nông thôn
Hàng năm, công tác giải quyết việc làm cho người lao động tại các địa phương được triển khai bằng các giải pháp cụ thể, như: hỗ trợ tạo việc làm, tự tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm; hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; tư vấn hỗ trợ việc làm cho người lao động là phụ nữ, người khuyết tật còn khó khăn về kinh tế và việc làm... Ngoài ra, giới thiệu các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về các huyện, thành phố để tư vấn, tuyển chọn lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động đã tạo ra hàng chục nghìn việc làm mới, nâng tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh lên 60.000 lao động...
Vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Hòa Bình đã tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề về lao động với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đây là dịp để đại diện doanh nghiệp, người lao động, cơ quan quản lý Nhà nước cùng gặp gỡ, trao đổi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, vừa đảm bảo thực hiện tốt các chính sách cho người lao động, vừa thúc đẩy phát triển của doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Trước đó, năm 2018, Sở LĐTBXH Hòa Bình đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc cung ứng lao động và tuyển sinh học nghề với Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh. Ngay sau đó, 2 đơn vị lần lượt triển khai biên bản ghi nhớ tại một số địa phương: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Thủy, Lạc Sơn... để kết nối cung - cầu lao động. Một mặt, ngành LĐTBXH duy trì, đẩy mạnh việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm tại các huyện, thành phố. Thông qua các phiên giao dịch, hội nghị tư vấn về việc làm, người lao động, người sử dụng lao động có cơ hội gặp gỡ, tạo ra sự tương tác nhằm tìm được việc làm, học nghề, xuất khẩu lao động phù hợp. Qua đó, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước về lao động, cơ sở đào tạo nghề có thể nắm bắt sát hơn những tín hiệu, nhu cầu tìm việc làm trên thị trường, có các giải pháp tích cực, phù hợp để nâng cao chất lượng nguồn lao động và đáp ứng nhu cầu, xu hướng của các nhà tuyển dụng. Với sự hỗ trợ kết nối mang tính chủ động này, hàng năm đã góp phần giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 2.000 lao động, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Lao động nông thôn xã Trung Minh được đào tạo nghề chổi chít có việc làm và thu nhập ổn định
Trong những tháng đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ-TB&XH) đã khảo sát nhu cầu, tổ chức 20 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các huyện, thành phố trong tỉnh. Tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua sàn giao dịch lưu động, hội thảo tại các địa phương thu hút trên 1.800 lao động tham gia. Trung tâm cũng đã phối hợp với các xã, phường, thị trấn tổ chức 4 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm tại cơ sở, theo đó, các doanh nghiệp đã tuyển dụng trên 120 lao động trực tiếp. Riêng bộ phận Sàn giao dịch việc làm đã tổ chức 4 phiên giao dịch, trong đó 2 sàn được tổ chức lưu động, 2 sàn giao dịch online, thu hút 30 doanh nghiệp tham gia, tư vấn cho 722 lao động, có 128 lao động được tuyển dụng. Hiện tại, Trung tâm tiếp tục chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, giáo trình để phối hợp với các địa phương triển khai công tác đào tạo nghề thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề, tuyển dụng người đi du học và xuất khẩu lao động; phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn, các trường THPT trong tỉnh tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm, tuyển dụng lao động đi du học và xuất khẩu lao động tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan; tổ chức các phiên giao dịch việc làm online, lưu động. Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của sàn giao dịch việc làm, đổi mới, cải tiến để tổ chức có hiệu quả sàn giao dịch việc làm online. Thường xuyên chia sẻ thông tin mở rộng phạm vi hoạt động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm trong nước được 8.070 lao động, đạt 51% kế hoạch. Trong đó, hỗ trợ giải quyết việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm được 560 người; tuyển dụng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài 105 người. Tỉnh đang thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình giải quyết việc làm của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Cho phép 19 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển chọn lao động đến các địa phương để tuyển dụng lao động đi làm việc trong và ngoài nước. Tổ chức được 4 cuộc tư vấn, giới thiệu việc làm tại địa phương với sự tham gia của 30 doanh nghiệp và trên 1.500 lao động. Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm cho người lao động tiếp tục được quan tâm; đã giải quyết trợ cấp thất nghiệp cho 953 lao động với tổng số tiền chi trả trên 11 tỷ đồng. Công tác giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề tiếp tục được đẩy mạnh gắn với giải quyết việc làm. Ngành chức năng đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2019 - 2020, thực hiện việc tư vấn, thông tin tuyển sinh các trình độ ngành nghề đào tạo và định hướng nghề nghiệp sau đào tạo cho lao động các địa phương để đăng ký tham gia học nghề. Kết quả tuyển sinh đào tạo trong 6 tháng đầu năm được 3.490 người, bằng 22,23% kế hoạch năm.
Theo Sở LĐTBXH, giai đoạn 2010-2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho trên 177 nghìn lao động, bình quân 16.000 lao động mỗi năm, trong đó, xuất khẩu lao động 4.000 người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3%. Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm đã giải ngân trên 246 tỷ đồng cho các dự án sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho trên 11 nghìn lao động. Các cơ sở dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho trên 53 nghìn lượt người; Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đã tổ chức 60 phiên giao dịch việc làm với trên 1.800 lượt doanh nghiệp tham gia. Qua đánh giá, đến nay, toàn tỉnh có 191/191 xã đạt tiêu chí số 12 về lao động có việc làm.
Trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hướng tới đáp ứng nhu cầu lao động cho các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, tập trung đào tạo cho lao động kỹ thuật sản xuất rau an toàn, kỹ thuật trồng cây ăn quả có múi, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi cá lồng để thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, gắn với chương trình xây dựng NTM và các nghề phi nông nghiệp. Với mục tiêu sau năm 2020 công tác dạy nghề tạo đột phá về chất lượng đào tạo nghề theo hướng tiếp cận trình độ chung của cả nước và khu vực ASEAN, nhằm đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có kiến thức, năng lực thực hành nghề; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong nước và xuất khẩu lao động./.
Nguyễn Hiền
Từ khóa: