Hoàn thiện khung pháp lý phát triển nghề Công tác xã hội
(LĐXH) - Nhân kỷ niệm ngày Công tác xã hội Việt Nam lần thứ Nhất, ngày 24/3/2017, tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Bộ Lao động - TBXH đã tổ chức Hội thảo Khung pháp lý phát triển nghề Công tác xã hội tại Việt Nam.
Tới dự, có Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam; TS Nguyễn Hãi Hữu, Chủ tịch Hiệp hội nghề CTXH; ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH), TS Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Học viện Thanh thiếu niên, cùng đại diện một số Bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế, Sở Lao động - TBXH, Trung tâm CTXH các địa phương.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội bày tỏ lời cảm ơn tới Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phối hợp với Bộ Lao động - TBXH tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày CTXH Việt Nam lần thứ Nhất. Đồng thời cho biết, Bộ Lao động - TBXH đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tổ chức Lễ kỷ niệm lần này. Qua 18 lần tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày CTXH thế giới và lần tổ chức Lễ kỷ niệm ngày CTXH năm nay đã có sự tham gia của các cấp, các ngành, đây là niềm vui lớn của những người làm CTXH.
Cục trưởng cũng mong rằng, tại Hội thảo này, các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, các trường đại học tiếp tục bàn những giải pháp, cơ chế để hoàn thiện hành lang pháp lý để nghề CTXH phát triển vững mạnh, để CTXH Việt Nam trở thành một nghề chuyên nghiệp. Sau gần 7 năm thực hiện Đề án 32, CTXH cơ bản đã có những bước tiến mới như: Đã có mã ngạch, chức danh, thang bảng lương cụ thể, có nhiều văn bản pháp luật quy định về nghề CTXH. Cả nước hiện có khoảng 500 cơ sở liên quan đến cung cấp dịch vụ CTXH, một số Bộ, ngành như Y tế, Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thành lập phòng CTXH. Về phía các tỉnh, thành cũng đã thành lập Trung tâm CTXH, hoặc là thành lập mới hoặc là mở rộng thêm chức năng, nhiệm vụ của các Trung tâm bảo trợ xã hội. Đây là bước phát triển rất lớn, mạnh và nhanh của lĩnh vực CTXH. Trong công tác đào tạo, hàng năm thực hiện tuyển sinh 3.500 chỉ tiêu hệ đại học, các Sở Lao động - TBXH đã phối hợp với các trường đại học tổ chức đào tạo lại cho đội ngũ cán bộ nhân viên trong các lĩnh vực liên quan. Dự kiến từ nay đến năm 2020, sẽ tổ chức đào tạo tiếp cho 25.000 chỉ tiêu đội ngũ nhân viên CTXH.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi cũng cho biết, hiện Bộ Lao động - TBXH đang phối hợp với các Bộ ngành đẩy nhanh việc nghiên cứu, xây dựng Luật CTXH. "Điều mà chúng tôi hướng tới là xây dựng Luật phải toàn diện, chất lượng, tốt cho người dân. Tuy nhiên, việc đẩy nhanh tiến độ nhưng không quá vội vì nếu không đủ các chuyên gia và sự tham gia góp ý của các tổ chức quốc tế thì Luật ra đời sẽ không phù hợp thực tế dẫn đến khó khả thi”, ông Hồi khẳng định.
Các đại biểu chủ trì Hội thảo
Theo TS Nguyễn Ngọc Hường, Trưởng Khoa Công tác xã hội- Đại học South Carolina Hoa Kỳ, hiện nay trên thế giới có 3 nhóm nước cơ bản và 3 dạng luật/văn bản điều chỉnh nghề CTXH là: Các nước đã có hoặc có xu hướng xây dựng Luật khung chung hoặc văn bản điều chỉnh chung ở tầm quốc gia về CTXH, do chính quyền trung ương ban hành như: Philippine, Hông Kong, Trung Quốc, Đài Loan, Anh, Hàn Quốc...; Các nước không có Luật khung ở cấp quốc gia mà giao cho các tiểu bang xây dựng luật phù hợp với tiểu bang mình nhưng có cơ chế đảm bảo sự công bằng trong cả nước, ví dụ như Mỹ, Canada; Các nước không có luật về nghề CTXH mà chỉ có các văn bản có tính điều chỉnh cao, do Hiệp hội nghề CTXH ban hành, ví dụ Australia, Thụy Điển. Tính đến năm 2016, trên thế giới có khoảng 130 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Nhân viên CTXH Quốc tế (IFSW). CTXH chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia phát triển và tại các nước này, CTXH thực sự được coi là một nghề chuyên nghiệp với những quy định chặt chẽ về mặt pháp lý và thực hành.
Còn ở Việt Nam, nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH rất lớn. Số người cần sự trợ giúp xã hội, có nhu cầu tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH chiếm hơn 25% dân số cả nước. Trong đó có khoảng trên 10 triệu người cao tuổi; 7,2 triệu người khuyết tật; 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng; gần 10% hộ nghèo; hơn 2,7 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng... Trong khi đó, đội ngũ làm CTXH còn mỏng và chưa được đào tạo CTXH chuyên nghiệp; mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH lại thiếu và yếu. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH mới hình thành ở ngành Lao động - TBXH là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành Y tế, Giáo dục và Đào tạo với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế... Cùng với đó, nhận thức về vai trò, vị trí của nghề CTXH trong quá trình xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến của đất nước ở nhiều cấp, ngành còn hạn chế.
Theo ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - TBXH): Bất cập hiện nay cũng được chỉ ra là các văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan. Chưa có văn bản có hiệu lực ở tầm luật, pháp lệnh để quy định các vấn đề cơ bản về hoạt động CTXH, viên chức CTXH và quản lý nhà nước đối với nghề CTXH… Mặt khác, CTXH chưa được nhìn nhận là một nghề chuyên nghiệp - chưa có dịch vụ CTXH chuyên nghiệp; chưa có quy định rõ, cụ thể về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của viên chức CTXH. Đặc biệt, còn thiếu nhiều quy định liên quan đến CTXH. Thực tiễn triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về CTXH vẫn còn nhiều bất cập. Từ các lý do trên, ông Bốn khẳng định cần sớm xây dựng và ban hành văn bản pháp luật phù hợp – một văn bản ở tầm luật để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này.
Đồng quan điểm, TS Trần Mạnh Đạt, Tổng Biên tập NXB Tư pháp (Bộ Tư pháp) cũng cho rằng, thực trạng pháp luật về CTXH ở nước ta đòi hỏi phải ban hành một văn bản có giá trị pháp lý cao ở tầm luật. “Việc tiếp tục duy trì ở mức độ văn bản dưới luật các quy định về CTXH sẽ không bảo đảm được mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế mà Đảng ta đã đề ra; không phát huy tiềm năng của cá nhân, gia đình, cộng đồng có hoàn cảnh khó khăn tự giải quyết vấn đề của mình và tự vươn lên trong cuộc sống góp phần bảo đảm an sinh xã hội; là không phù hợp với tinh thần Hiến pháp năm 2013”, ông Đạt nhấn mạnh.
Đại diện Trường Đại học CTXH South Carolina Hoa Kỳ
Từ các lý do trên, các chuyên gia khẳng định, Việt Nam cần sớm xây dựng và ban hành 1 văn bản pháp luật phù hợp - một văn bản ở tầm Luật để điều chỉnh lĩnh vực mới và rất quan trọng này, nhằm giúp những người làm CTXH phát triển cả về chất lượng và số lượng, hình thành đội ngũ chuyên nghiệp; khắc phục cơ bản những vấn đề khó khăn, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về CTXH hiện nay; tăng cường trách nhiệm, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Dự thảo Luật Nghề CTXH tại Việt Nam đưa ra một số nội dung chính như: Những quy định chung, bao gồm phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, vị trí, chức năng xã hội của nghề CTXH, nguyên tắc cơ bản trong CTXH, quản lý nhân viên CTXH và hành nghề CTXH...; Những quy định về người làm nghề CTXH (vị trí, vai trò, quyền hạn và trách nhiệm của người làm nghề CTXH; hoạt động nghề nghiệp của người làm CTXH; tiêu chuẩn người làm nghề CTXH; đào tạo CTXH...); Quy định về dịch vụ CTXH (lĩnh vực hoạt động CTXH, hình thức hoạt động cung cấp dịch vụ CTXH, nội dung hoạt động CTXH; Quản lý nhà nước về CTXH./.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Ninh Thuận: Đa dạng các hoạt động chăm lo Tết cho người nghèo
09-01-2025 15:38 18
-
Chiếc Jaecoo J7 PHEV Nguyễn Xuân Son được tặng có gì đặc biệt?
09-01-2025 15:37 47
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
-
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
06-01-2025 20:34 23
-
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24
07-01-2025 09:06 13
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46