Hội nghị Báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2021
(LĐXH)- Ngày 31/12, tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Thuận Hữu, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông; Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam; Nguyễn Đức Lợi, Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ban, ngành và 800 lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí trong cả nước.
Trình bày báo cáo đánh giá công tác báo chí năm 2020 và một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết: Năm 2020 là năm tiến hành Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước... đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật được tăng cường. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cơ bản bảo đảm tiến độ.
Trong năm 2020 vừa qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân. Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội; tập trung thông tin các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; chú trọng nhiệm vụ, vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch... Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 được các cơ quan báo chí quan tâm, chú trọng, qua đó góp phần quan trọng vào thành công chung của công tác phòng chống dịch, bệnh.
Tạo sức lan tỏa trong cộng đồng và cả thế giới
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá cao các cơ quan báo chí trong công tác thông tin tuyên truyền, nhất là trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã tạo được sức lan tỏa trong cộng đồng và cả thế giới. Đặc biệt, năm 2020, toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đã cùng nhau, cùng với Chính phủ đưa đất nước vượt qua rất nhiều thử thách, đạt được những kết quả toàn diện. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến tất cả các cơ quan báo chí và báo giới cả nước đã luôn đồng hành, giúp Chính phủ hoàn thành được nhiệm vụ của mình trong điều kiện đặc biệt khó khăn của năm 2020.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho rằng: Thành công của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trước hết do chúng ta đã có một hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước, sự tham gia các đoàn thể của toàn xã hội, từ cấp cao nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xuống đến chi bộ, tổ dân phố. Ngoài lực lượng y tế, chúng ta có lực lượng quân đội, công an nhân dân hết sức đặc biệt, đúng nghĩa là lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt, chúng ta đã có sự đồng thuận của nhân dân đối với chủ trương đường lối của Đảng, sự xung kích đi đầu của lực lượng trực tiếp chống dịch. Chúng ta có phương thức tổ chức công tác truyền thông, cả trực tiếp, truyền thống, cũng như qua mạng internet, mạng xã hội… để tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, được quốc tế ghi nhận.
Báo chí cũng là một lực lượng xung kích trong phòng chống dịch. Không ít nhà báo, phóng viên trực tiếp đi sâu vào vùng có dịch, thậm chí tiếp xúc với người nhiễm bệnh, nguồn lây để đưa thông tin chính xác, kịp thời. Không chỉ giữ được thành quả chống dịch, mà năm 2020 rất nhiều năng lượng tích cực được báo chí khơi dậy, lan tỏa và làm mọi người Việt Nam thấy yêu nước hơn, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước. Vị thế, uy tín của đất nước trong con mắt của cộng đồng quốc tế được nâng lên rất nhiều.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nhấn mạnh: Báo chí còn có vai trò rất quan trọng trong nhìn nhận, đánh giá, phân tích sâu về những bất cập của các chủ trương chính sách đang được thực thi và đưa ra kiến nghị cụ thể. Đơn cử, những các cơ quan báo chí đã góp phần thúc đẩy việc bãi bỏ quy định cần có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với giáo viên.
Theo Phó Thủ tướng, trong quá trình đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, phản động và tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp, báo chí cũng đã phản ánh nhiều ý kiến đóng góp cho dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) và dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025). Trong đó có rất nhiều điểm mới, tích cực liên quan đến văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, vốn là những vấn đề nền tảng và thường các nước đang phát triển không chú ý lắm trong thời gian đầu bị sức ép về tăng trưởng kinh tế.
Chia sẻ khó khăn với báo giới trước sự cạnh tranh thông tin trên mạng internet, mạng xã hội, doanh thu quảng cáo, Phó Thủ tướng cho rằng, việc thực hiện tự chủ của các cơ quan báo chí nhất thiết phải đi kèm cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ và kèm theo điều kiện thực hiện. Chúng ta đã cơ bản thực hiện tốt quy hoạch báo chí, tới đây khi sơ kết 2 năm thực hiện quy hoạch, 5 năm thực hiện Luật Báo chí, cần rà soát, đánh giá lại và có những kiến nghị điều chỉnh cần thiết, vì mục đích cuối cùng là làm cho báo chí của Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Phó Thủ tướng mong muốn trước sức ép của mạng xã hội, mạng iternet, truyền hình trả tiền và các dịch vụ xuyên biên giới, báo chí cần tận dụng tất cả thế mạnh của công nghệ mới, sáng tạo ra những giải pháp, có sự hỗ trợ của các bộ ngành để phát triển mạnh mẽ hơn nữa…
Tại Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã có bài quan trọng về công tác báo chí. Mời quý độc giả xem bài phát biểu của đồng chí Võ Văn Thưởng với tiêu đề “Báo chí đã khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc”.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội gắn bó chặt chẽ với lịch sử phát triển của đất nước
27-12-2024 15:32 53
-
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
27-12-2024 10:59 09
-
Tây Hồ khẳng định vị thế với những thành tựu nổi bật trong năm 2024
26-12-2024 18:36 56
-
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN: Không ngừng nỗ lực và thích ứng để làm chủ tương lai
09-12-2024 18:03 28
-
Đồng Nai trang trọng tổ chức Lễ An táng liệt sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ
09-12-2024 15:16 06
-
Để phát triển bền vững sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc
08-12-2024 22:05 43