Xã hội
Hội Người mù Việt Nam tích cực giảm số hội viên nghèo
11:50 AM 27/03/2017
(LĐXH)-Trong những năm qua, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước ta là phát triển kinh tế gắn liền với an sinh và công bằng xã hội, quan tâm đến cuộc sống của người dân, đặc biệt là người yếu thế, người già và NKT. Luật về NKT được ban hành đã giúp xã hội thay đổi nhận thức, từ việc tiếp cận nhân đạo với NKT sang giao quyền cho họ. Vì vậy, NKT nói chung và người mù nói riêng đã được quan tâm nhiều trong các chính sách an sinh xã hội về học tập, việc làm, trợ cấp tại cộng đồng, hưởng bảo hiểm y tế miễn phí và các sinh hoạt cộng đồng.
Theo ông Cao Văn Thành - Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, Hội Người mù Việt Nam được thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1969, trải qua 47 năm, Hội đã có hệ thống hoạt động tại  57 Tỉnh, Thành hội với hơn 70 nghìn hội viên. Từ chỗ có hơn 80% hội viên là người nghèo đến nay đối tượng này trong Hội chỉ còn hơn 20%. Hội viên vào hội được học tập chữ nổi (chữ Bơ-rai), những ai có nhu cầu và khả năng đều được học các nghề: tẩm quất xoa bóp, thủ công, chăn nuôi trồng trọt, được vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm với lãi suất ưu đãi. Hiện nay, Hội đang quản lý gần 50 tỷ đồng cho hàng vạn lượt người mù vay để làm kinh tế tập thể hoặc ở hộ gia đình. Việc sử dụng vốn vay của Hội được thực hiện rất tốt trên cả 3 phương diện: Cho vay đúng mục đích, đúng đối tượng;  Sử dụng vốn có hiệu quả; Hoàn trả cho hội, cho Nhà nước đúng hạn. Tỷ lệ nợ quá hạn rất thấp chỉ có 30 triệu (chiếm 0,06 %), được ngân hàng Chính sách và các cấp các ngành đánh giá cao. Hội là một trong những đoàn thể sử dụng vốn vay tốt nhất.
Dạy vi tính cho học sinh khiếm thị ở Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu- TPHCM. 
Bên cạnh việc tạo điều kiện và giúp nhau phát triển kinh tế để nâng cao đời sống và thoát nghèo, Hội viên Hội Người mù Việt Nam ở cộng đồng đủ điều kiện cũng được trợ cấp thường xuyên, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được hội quan tâm thăm hỏi lúc ốm đau, hiếu hỉ, hoặc lúc tết đến xuân về. Những hộ có khó khăn về nhà ở đều được Hội đề nghị với Mặt trận Tổ quốc tại địa phương và dòng họ giúp đỡ xây dựng nhà đại đoàn kết. Ngoài ra, Hội cũng làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, tuyên truyền về đất nước Việt Nam và Hội Người mù Việt Nam (HNM VN) với bạn bè quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm và cơ sở vật chất, giúp đỡ hội xây dựng tổ chức hội lớn mạnh.
Trong lĩnh vực văn hóa tinh thần, Hội rất quan tâm, tạo điều kiện cho người mù học chữ nổi (chữ bơ-rai). Trẻ em mù và người mù trẻ tuổi được học hòa nhập, cao đẳng, đại học. Có gần 300 em đã và đang học đại học (trong đó có hơn 100 em đang học lên cao học). Nhờ phần mềm hỗ trợ âm thanh, đã có hàng nghìn người mù sử dụng vi tính thành thạo (trong việc soạn thảo văn bản, tài liệu, gửi thư điện tử, truy cập internet ) phục vụ cho học tập, làm việc, nâng cao dân trí. Sinh hoạt văn hóa, văn nghệ cũng là một nội dung không thể thiếu được trong hoạt động của người mù. Vì thông qua văn hóa văn nghệ, người mù được nâng cao dân trí, vui vẻ lạc quan yêu đời hơn . Trải qua 4 lần tổ chức Liên hoan văn nghệ “Tiếng hát từ trái tim” trong toàn quốc, Hội đã thu được những thắng lợi trong lĩnh vực tuyên truyền, sinh hoạt tư tưởng giúp người mù thêm yêu Đảng, yêu Tổ quốc, yêu chế độ.
Tuy đạt được  nhiều kết quả trong hoạt động, đảm bảo cho cuộc sống người mù ngày một tốt hơn song những người mù nói riêng và NKT nói chung vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận cuộc sống như: tiếp cận trong giao thông, xây dựng, học tập, học nghề và hưởng chế độ chính sách. Ở đâu đó vẫn còn tình trạng ngược đãi với NKT, tình trạng cắt xén chế độ của NKT… Thời gian tới, Hội Người mù mong nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cùng nhân dân  và sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên bằng nghị lực và ý chí của mình; Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Tàn nhưng không phế”, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững và phòng chống tham nhũng.
Mỹ Hạnh
          
Từ khóa: