Hội Phụ nữ: Làm tốt nhiệm vụ uỷ thác tín dụng chính sách, góp phần giúp phụ nữ nghèo cải thiện cuộc sống
(LĐXH) Trong những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực trong triển khai, thực hiện hoạt động uỷ thác, đưa nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước đến với người nghèo, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác giúp họ phát triển kinh tế, vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Hội LHPN các cấp luôn nhận thức rõ tín dụng chính sách xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ vận động, hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và đặc biệt là thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” và phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, góp phần giúp hội viên, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.
Vì vậy, trong những năm qua, Hội LHPN các cấp luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực trong triển khai, thực hiện hoạt động uỷ thác và đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, luôn là đoàn thể đạt 6 nhất (dư nợ cao nhất, số khách hàng nhiều nhất, số Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) nhiều nhất; tỷ lệ Tổ TK&VV đạt chất lượng tốt trở lên cao nhất; số dư tiết kiệm của các thành viên cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất).
Tính đến cuối năm 2020, các cấp Hội Phụ nữ quản lý trên 86,2 nghìn tỷ đồng, cho trên 2,5 triệu hộ vay tại 64.372 Tổ TK&VV, chất lượng tín dụng tốt với tỷ lệ nợ quá hạn 0,18%; số dư tiết kiệm của thành viên đạt trên 5 ngàn tỷ đồng (chiếm 42,3% tổng dư tiết kiệm). Trung bình tiết kiệm của 1 thành viên trong tổ do Hội quản lý đạt trên 2 triệu đồng.
Để cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân hiểu biết đầy đủ về tín dụng chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, qua đó thực hiện đúng vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực hiện chính sách tín dụng đến các nhóm đối tượng, các cấp Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đến 100% cán bộ Hội và trên 18 triệu hội viên phụ nữ với đa dạng các hình thức, từ trực tiếp đến sử dụng truyền thông số hoá nhằm tác động đến mọi đối tượng, đặc biệt là hội viên và phụ nữ nghèo, cụ thể là thông qua sinh hoạt chi, tổ phụ nữ, Tổ TK&VV, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm truyền thông của Hội và sản phẩm truyền thông chuyển đổi số…
Đặc biệt, năm 2019, hưởng ứng Cuộc thi tìm hiểu Chỉ thị 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội” đã có trên 18 nghìn phụ nữ tham gia, đạt 154% so với chỉ tiêu đề ra và nhiều bài thi đạt chất lượng cao đạt giải của Ban tổ chức cuộc thi các cấp. Năm 2020, Hội đã xây dựng sản phẩm truyền thông chuyển đổi số về giáo dục tài chính toàn diện, giáo dục ý thức và hướng dẫn thực hành tiết kiệm; xây dựng tài liệu hỏi đáp về tiết kiệm để truyền tải thông tin đến rộng rãi các nhóm đối tượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, Hội đã không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ TK&VV, tạo nền tảng bền vững của hoạt động uỷ thác; đào tạo kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy hiệu quả sử dụng vốn vay.
Hội Phụ nữ các cấp đã phối hợp với NHCSXH vận động việc thành lập Tổ TK&VV theo đúng Quy chế về tổ chức và hoạt động của Tổ TK&VV ban hành theo Quyết định số 15/QĐ-HĐQT ngày 5/3/2013 của Hội đồng quản trị NHCSXH, tích cực vận động, đôn đốc ban quản lý Tổ TK&VV làm tốt vai trò, trách nhiệm trong hoạt động điều hành, quản lý tổ. Đối với tổ viên, tập trung tuyên truyền, vận động thực hành tiết kiệm, giúp đỡ nhau, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả góp phần nâng cao đời sống, thực hiện trả nợ, trả lãi đúng hạn.
Với mong muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt Tổ TK&VV, Hội LHPN Việt Nam đã lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật, giáo dục kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, khởi nghiệp, trao đổi về nuôi dạy con, về chăm sóc sức khoẻ… cho thành viên vay vốn. Kết quả, hàng năm Hội đã tổ chức và phối hợp đào tạo nghề cho trên 100 nghìn lao động nữ, các cấp Hội đã hỗ trợ xây dựng và phát triển trên 1000 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã có sự tham gia của phụ nữ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo, trong đó cấp trung ương có 77 mô hình giảm nghèo được hỗ trợ triển khai xây dựng tại các vùng khó khăn trên địa bàn cả nước.
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội làm công tác uỷ thác và cán bộ Tổ TK&VV, Hội LHPN các cấp đã phối hợp tổ chức trên 50 nghìn lớp tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn nghiệp vụ, quy trình giải ngân, quản lý nguồn vốn; hướng dẫn các thủ tục, qui định mới trong hoạt động uỷ thác… cho cán bộ Hội và Ban quản lý Tổ TK&VV, biên soạn và phát hành gần 14 nghìn cuốn sổ tay hướng dẫn hoạt động Tổ TK&VV NHCSXH tới 100% Tổ TK&VV trung bình và yếu tại các địa bàn trên toàn quốc.
Chính vì vậy, chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV của Hội Phụ nữ được nâng lên hàng năm. Trong số 64.372 Tổ TK&VV tính đến cuối năm 2020, có 56.306 Tổ xếp loại tốt (87,46%); 5.938 Tổ xếp loại khá (chiếm 9,22%); 1.847 Tổ xếp loại trung bình (chiếm 2,86%); chỉ có 281 Tổ xếp loại yếu (chiếm 0,43%). Hội đã chủ động đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm dịch vụ uỷ thác, Ban quản lý Tổ TK&VV thông qua hình thức tự đào tạo hoặc thực hiện chương trình hợp tác đào tạo với NHCSXH.
Nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những sai phạm, yếu kém trong công tác quản lý, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, Hội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hằng năm phối hợp với NHCSXH lập kế hoạch tổ chức các Đoàn công tác để kiểm tra và chỉ đạo hoạt động vay vốn ở các địa phương. Toàn bộ 100% Hội LHPN các cấp đều xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra, giám sát theo đúng thoả thuận đã ký với NHCSXH. Phân công trách nhiệm cụ thể cho cán bộ phụ trách chương trình và phụ trách địa bàn thực hiện kiểm tra theo chuyên đề và kiểm tra lồng ghép để thống nhất chỉ đạo, chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến yếu kém, tồn tại, xác định giải pháp giúp các cấp Hội khắc phục, tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra, các cấp Hội còn tham gia giám sát việc thực hiện công khai, minh bạch việc sử dụng nguồn lực của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo, qua đó góp phần nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và góp phần thực hiện Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và ổn định xã hội.
Công tác biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong hoạt động uỷ thác và sử dụng vốn tín dụng chính sách có hiệu quả cũng được quan tâm. Hàng năm, Hội đều đề ra chỉ tiêu thi đua trong các cấp Hội về hoạt động uỷ thác và thời gian qua đã có trên 10 nghìn tập thể, cá nhân cán bộ, phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực được biểu dương, khen thưởng tại các Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế từ cấp cơ sở đến cấp trung ương.
Theo đánh giá của Hội LHPN Việt Nam, kết quả thực hiện hoạt động uỷ thác vốn vay tín dụng chính sách của Hội thời gian qua đã cho thấy nguồn vốn tín dụng ưu đãi có tác động vô cùng to lớn thể hiện qua các điểm sau: Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tăng trưởng hàng năm, nhất là nguồn vốn từ các cấp địa phương tăng nhanh, tạo điều kiện để nhiều hộ nghèo, phụ nữ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cơ hội tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội không ngừng được nâng cao và ngày càng hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước hàng năm trên 1%.
Thông qua hoạt động uỷ thác, cán bộ Hội, cán bộ của các tổ chức chính trị, xã hội, cán bộ NHCSXH sâu sát, gần dân, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân, thực sự là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong công tác dân vận, cũng qua đó đội ngũ thực hiện tín dụng chính sách được nâng cao năng lực, nhất là trong lĩnh vực quản lý tài chính, giám sát, đề xuất chính sách. Tỷ lệ thu hút phụ nữ tham gia tổ chức Hội Phụ nữ tăng lên góp phần đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội. Vai trò của tổ chức Hội ngày càng được xã hội ghi nhận, đánh giá cao, có những hoạt động thiết thực, hiệu quả đối với hội viên.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48