Hội thảo vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển nền nông nghiệp bền vững
(LĐXH) Ngày 23/5/2019, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển nền nông nghiệp bền vững”.
Hội thảo là diễn đàn trao đổi thảo luận các vấn đề về mặt lý luận và thực tiễn của các nhà khoa học, các nhà quản lý để tìm ra những giải pháp góp phần phát triển nền nông nghiệp bền vững, thực hiện thành công quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng và đất nước nói chung.
GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết "Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp. Nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Trong công cuộc xây dựng nước nhà, Chính phủ trông mong vào nông dân, trông cậy vào nông nghiệp một phần lớn. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh". Tư tưởng Hồ Chí Minh về nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới đã được Đảng và Nhà nước ta quán triệt, vận dụng phù hợp với từng thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, hiện nay đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế thì việc vận dụng tư tưởng đúng đắn của Người đã trở thành “kim chỉ nam” để Đảng và Nhà nước xây dựng đường lối chiến lược phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, giải quyết tốt các vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam luôn coi nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Lãnh đạo Học viện luôn quan tâm, sâu sát và có những động viên kịp thời với hoạt động nghiên cứu khoa học của các khoa, các nhóm nghiên cứu mạnh.
Hội thảo là hoạt động thiết thực nằm trong chuỗi chương trình kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Học viện Nông nghiệp Việt Nam (24/5/1959 – 24/5/201 được tổ chức với mục đích nghiên cứu để tiếp tục thừa nhận và khẳng định những giá trị to lớn trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về nông nghiệp và quan trọng hơn là hướng tới vận dụng và phát triển tư tưởng của Người trong bối cảnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay.
Hội thảo đã nhận được 37 bài tham luận đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý, các nhà khoa học đến từ Cục Khoa học và chiến lược Bộ công an, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ quốc phòng, các giảng viên đến từ các trường đại học như: ĐH Tài nguyên Môi trường, ĐH Xây dựng, ĐH Đà Nẵng, ĐH Kinh tế Kỹ Thuật-Công nghiệp… Các bài viết đã phản ánh nhiều góc nhìn khác nhau, tập trung vào ba chủ đề trọng tâm: Thứ nhất là quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nền nông nghiệp. Thứ hai là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong chủ trương của Đảng; pháp luật của Nhà nước về phát triển nền nông nghiệp bền vững. Thứ ba là thực trạng và giải pháp phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam hiện nay.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học đến từ các tổ chức, viện nghiên cứu của các trường đại học, cao đẳng đã tập trung ý kiến thảo luận về các khía cạnh: Nghiên cứu quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nền nông nghiệp; nghiên cứu chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp bền vững; nghiên cứu thực trạng và giải pháp phát triển nền nông nghiệp bền vững ở Việt Nam…
Tham luận tại Hội thảo, TS. Bùi Thanh Tuấn, Cục khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an khẳng định, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp là hệ thống những quan điểm, lý luận toàn diện và sâu sắc được rút ra từ thực tiễn cách mạng; từ sự kế thừa và phát triển những kinh nghiệm, truyền thống đặc sắc của dân tộc và trí tuệ của thời đại nhằm xây dựng và phát triển nông nghiệp Việt Nam từ sản xuất manh mún, lạc hậu tiến dần lên nền nông nghiệp hiện đại, bền vững; có khả năng cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân lao động.
Tư tưởng của Người về phát triển nông nghiệp trở thành kim chỉ nam cho hành động, đã và đang được Đảng ta quán triệt, vận dụng sáng tạo vào thực tiễn xây dựng, phát triển nền nông nghiệp ở Việt Nam.
Người coi phát triển nông nghiệp là nhân tố đầu tiên, là cội nguồn giải quyết mọi vấn đề xã hội. Người từng nói “Vì nền kinh tế của ta lấy canh nông làm gốc. Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Người đặc biệt coi trọng phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, để không ngừng đáp ứng được nhu cầu cái ăn, cái mặc và cải thiện đời sống người nông dân và để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo TS. Bùi Thanh Tuấn, phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam theo tư tưởng của Người cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và cải thiện đời sống nông dân; đồng thời giải quyết vấn đề dư thừa lao động hay thời điểm nông nhàn trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện cho người dân cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần….
Theo TS. Lê Thị Lý, Trường Đại học Kinh tế kỹ thuật Công nghiệp, để nước ta trở thành nước có nền nông nghiệp phát triển bền vững, cần quan tâm đến nhiều vấn đề, trong đó, người nông dân Việt Nam phải thay đổi thói quen và tập quán sản xuất cũ manh mún và đơn lẻ, tự nguyện và cần gia nhập các chuỗi sản xuất theo tiêu chuẩn xác định để được Nhà nước bảo vệ trong cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các quốc gia khác. Người nông dân cũng cần được đào tạo về kiến thức nông nghiệp, kỹ năng lao động… để tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn cho sức khỏe con người, bảo vệ môi trường trong mọi khâu của quá trình sản xuất. …
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi, bàn về nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay; việc sử dụng đất phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định….
Ông Ma Quang Trung, nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, người chủ trì Hội thảo đánh giá: Các ý kiến, tham luận tại Hội thảo sẽ giúp Học viện Nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền nông nghiệp nói chung rút ra được các kết luận quan trọng về vai trò của các tác nhân xã hội, bên cạnh các tác nhân kinh tế đối với sự phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
16-11-2024 12:05 10
-
Chiến thắng Bình Giã- mốc son lịch sử
16-11-2024 05:44 51
-
Các nhà lãnh đạo trẻ khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối và sáng tạo hơn
16-11-2024 05:44 41
-
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
05-11-2024 14:56 51
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cần tập trung vào Đề án phát triển nhân lực chất lượng cao
04-11-2024 20:35 46
-
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
16-10-2024 15:40 32