Kinh tế
Hơn 6 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc: Mức phạt có thể lên tới hàng trăm triệu
07:34 AM 20/02/2025
(LĐXH) - Hơn 6 tấn mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại Đắk Lắk bị tạm giữ, chủ cơ sở đối mặt mức phạt nặng do vi phạm quy định kinh doanh và thiếu giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Chiều 19/2, tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở kinh doanh tại xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện hàng loạt vi phạm nghiêm trọng liên quan đến hoạt động kinh doanh và nguồn gốc hàng hóa.

Cụ thể, cơ sở này đang bày bán hơn 35.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại, bao gồm kem dưỡng da, son môi, phấn, kem chống nắng, kem làm trắng răng, dầu gội, tinh dầu và nước hoa. Tổng khối lượng hàng hóa lên tới hơn 6 tấn, với giá trị niêm yết gần 804 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ, hóa đơn hay chứng từ nào để chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc của số hàng hóa này.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở này hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh nhưng không đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định pháp luật. Đây là một trong những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại.

Sau khi lập biên bản vi phạm hành chính, lực lượng chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nói trên, đồng thời niêm phong tang vật để phục vụ công tác điều tra và xử lý. Hồ sơ vụ việc đã được chuyển về Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk để xem xét áp dụng các biện pháp xử phạt theo quy định.

Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Liên quan đến vụ việc, Thạc sĩ - Luật sư Nguyễn Đức Hùng (Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, quy định hiện hành, hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc có thể bị xử phạt hành chính với mức tiền lên tới hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ vi phạm và giá trị hàng hóa. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng có thể dẫn đến xử lý hình sự. Ngoài ra, việc không đăng ký kinh doanh đúng quy định cũng sẽ bị xử phạt riêng biệt, với mức phạt tối đa có thể lên tới 20 triệu đồng.

Vụ việc này một lần nữa cảnh báo các cơ sở kinh doanh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng và mỹ phẩm – những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Việc buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng mà còn làm mất uy tín của thị trường, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.

Xuân Đoàn
Từ khóa: daklak