Xã hội
Hướng tới một hệ thống trợ giúp xã hội tích hợp tại Việt Nam
10:44 AM 15/06/2018
Ngày 14/6/2018 vừa qua, tại tỉnh Vĩnh Phúc, được sự hỗ trợ của Ngân hàng thế giới (WB), Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH) đã tổ chức Hội thảo “Hướng tới một hệ thống trợ giúp xã hội tích hợp”.
Đây là Hội thảo quan trọng nhằm đánh giá hiện trạng, thách thức và định hướng đổi mới hệ thống trợ giúp xã hội tại Việt Nam và đề xuất mục tiêu, giải pháp, lộ trình, kế hoạch xây dựng cơ sở dữ liệu an sinh xã hội. Tham dự có đại diện các Bộ, ngành, địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia tư vấn.
Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại hội thảo

Các đại biểu chủ trì hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động- TBXH) nhấn mạnh, trong thời gian qua, để quản lý, giám sát chính sách an sinh xã hội (ASXH), Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách pháp luật về xây dựng các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin quản lý chuyên ngành. Hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH chưa được hình thành và đang tồn tại độc lập từ các hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; trợ giúp xã hội, giảm nghèo; ưu đãi người có công; lao động, việc làm, dạy nghề; tệ nạn xã hội...  Mặt khác, các hệ thống cơ sở dữ liệu thành phần này đã và đang được triển khai nhưng chưa hoàn thiện, còn mang tính đơn lẻ, thiếu gắn kết với các địa phương, với các Bộ, ngành, đơn vị khác; chưa có giải pháp tổng thể trong việc hỗ trợ thực thi các chính sách bảo đảm kịp thời, thông suốt giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Vì vậy, công tác quản lý chính sách ASXH chưa đạt hiệu quả cao.
Trong điều kiện nước ta hiện nay, việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH hoàn chỉnh, hiện đại sẽ cung cấp một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin về chính sách, dữ liệu ASXH cho Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về ASXH được xây dựng dựa trên cơ sở kế thừa, phát huy các hệ thống thông tin chuyên ngành hiện có, đồng thời bổ sung thêm về cơ sở hạ tầng mạng; chuẩn hóa thông tin; xây dựng giải pháp kỹ thuật, cơ sở dữ liệu đồng bộ thống nhất từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của Chính phủ, các Bộ, ngành với mục tiêu xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Đây là yêu cầu cấp thiết của công tác quản lý nhà nước, vì vậy Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết chính sách an sinh xã hội đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê tại Quyết định số 708/QĐ-TTg ngày 25/5/2017 sẽ giải quyết được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định xã hội.

Bà Keiko Inoue, Quản lý Chương trình về Phát triển Con người, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Chia sẻ tại Hội thảo, nhiều chuyên gia biết, Việt Nam có dân số 93,7 triệu người, tổng chi hàng năm cho trợ giúp xã hội chiếm hơn 2% GDP. Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội của nước ta gồm trợ giúp xã hội cho những nhóm đặc biệt (trợ giúp thường xuyên, trợ giúp đột xuất và chăm sóc xã hội) và các chương trình trợ giúp xã hội khác (hỗ trợ đời sống, sản xuất; hỗ trợ giáo dục, y tế; hỗ trợ thông tin, nhà ở và nước sạch). Việc thực hiện các chính sách TGXH liên quan đến nhiều bộ, ngành tùy theo từng nhóm đối tượng đặc thù. Chẳng hạn, Bộ Lao động - TBXH thực hiện chính sách TGXH cho những nhóm đối tượng đặc biệt, bao gồm: Trẻ mồ côi, người khuyết tật, người nhiễm HIV, người đơn thân, người cao tuổi và đối tượng cần trợ giúp khẩn cấp. Hình thức hỗ trợ là bằng tiền mặt hoặc các dịch vụ chăm sóc xã hội. Thực hiện chính sách hỗ trợ đời sống, các cơ quan thực hiện là Bộ Lao động - TBXH, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc. Đối tượng hỗ trợ là những hộ nghèo, hộ ở vùng khó khăn; hình thức hỗ trợ là bằng tiền mặt. Hỗ trợ chính sách về y tế, cơ quan thực hiện là Bộ Y tế, Bộ Lao động - TBXH, đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em và các nhóm đối tượng khác, hình thức hỗ trợ là thẻ BHYT, tiêm chủng và vitamin...

Ông Philip O’Keefe, Giám đốc Ban An sinh xã hội và Lao động

khu vực châu Á- Thái Bình Dương trình bày tham luận tại hội thảo

Theo đánh giá của các chuyên gia, ở Việt Nam hiện có quá nhiều chính sách trợ giúp tản mạn (trên 70 chương trình với 120 văn bản pháp lý); đồng thời được quản lý bởi nhiều cơ quan khác nhau; thiếu khung chính sách tổng thể, thay đổi liên tục theo bối cảnh chứ chưa dựa trên mức sống tối thiểu; thiếu sự điều phối để phát huy hiệu quả (mỗi ngành có hệ thống triển khai thực hiện riêng). Thêm vào đó, hệ thống thực hiện còn phân tán như: việc thông tin tuyên truyền chủ yếu dựa vào cán bộ cơ sở; nhiều cơ quan quản lý trên cùng một đối tượng; hình thức ghi danh khác nhau theo chương trình và theo mỗi địa phương. Về ứng dụng công nghệ thông tin, không có nền tảng chung, chênh lệch lớn giữa các tỉnh và các chương trình. Dữ liệu phân tán ở địa phương và không đầy đủ ở trung ương, không có mã định danh, không có kết nối giữa các chương trình...
Đề án “Đổi mới, phát triển trợ giúp xã hội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 14/4/2017 tại Quyết định số 488/QĐ-TTg ngày 14/4/2017. Đề án tập trung vào ba hợp phần cơ bản là: Chính sách trợ cấp xã hội (trong đó đã tích hợp các chính sách trợ cấp tiền mặt hợp lý khác, đề xuất bỏ chính sách trợ cấp tiền mặt chưa hợp lý); trợ giúp khẩn cấp và dịch vụ trợ giúp xã hội (bao gồm cả cung cấp dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng và cơ sở trợ giúp xã hội). Đề án đã mở rộng phạm vi chính sách trợ giúp đối với trẻ em dưới 36 tháng tuổi theo hướng tiếp cận phổ quát, hoàn thiện chính sách trợ giúp thường xuyên đối với trẻ em khuyết tật, trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và chính sách trợ giúp đột xuất đối với nạn nhân của bạo lực gia đình, phụ nữ và trẻ em bị mua bán, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị cưỡng bức lao động, trẻ em lang thang.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo
Đề án 488 là đề án khung với mục tiêu dài hạn, tầm nhìn chiến lược với những sáng kiến đổi mới trong cả ba lĩnh vực TGXH thường xuyên, đột xuất và chăm sóc xã hội, cần sự tham gia của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương, phạm vi đối tượng chịu tác động lớn trong đó bao gồm nhiều nhóm dân cư, kể cả trẻ em ở các độ tuổi khác nhau. Chính vì vậy, để thật sự khả thi trong lộ trình đổi mới chính sách, huy động nguồn lực, huy động sự tham gia của các ngành, các cấp và các cơ quan thì cần có một bản Kế hoạch hành động thực hiện tổng thể, một lộ trình cụ thể trong đó xác định cụ thể về từng hoạt động công việc cần làm, bao gồm: sự cần thiết, mục tiêu, chỉ tiêu, hoạt động cụ thể, trách nhiệm thực hiện, phối hợp, nguồn lực, thời gian. Xây dựng một Kế hoạch chiến lược đổi mới đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới, cách tiếp cận Lý thuyết về sự Thay đổi cần được áp dụng nhằm xây dựng một khuôn khổ thay đổi chính sách làm cơ sở cho việc xác định những loại hoạt động/can thiệp nào dẫn đến các kết quả/thay đổi chính sách và được coi là những điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu dài hạn ở tất cả các cấp.
Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp người có công qua bưu điện tại TP. HCM, Đà Nẵng, Đắk Nông, Quảng Nam, Đồng Nai và Bắc Kạn; Chi trả trợ cấp xã hội qua bưu điện tại 58/63 tỉnh, thành (còn lại các tỉnh, thành: Hà Nội, (đang thí điểm), TP. HCM, Khanh Hòa, Nam Định, Cao Bằng).
Lương hưu đã được chi trả qua tài khoản ngân hàng cá nhân tại các thành phố lớn (400 nghìn người), chi trả tiền mặt qua bưu điện 2,6 triệu người. Bưu điện đang thí điểm chi trả lương hưu điện tử tại Hà Nội, Hải Dương (phát hành thẻ chi trả thay thế phiếu lĩnh lương hưu và không cần xuất trình giấy CMT.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: