Huyện Bến Lức (Long An) hướng tới mục tiêu không còn hộ nghèo
(LĐXH) - Giai đoạn 2016 – 2020, huyện Bến Lức (tỉnh Long An) đã tập trung nguồn lực và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện có hiệu quả Chương trình giảm nghèo bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn hiện còn rất thấp, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, đặc biệt là người nghèo được cải thiện và nâng lên rõ rệt.
Căn cứ vào chương trình, kế hoạch của tỉnh về Kế hoạch phát triển đồng bộ nguồn nhân lực-giải quyết việc làm-giảm nghèo, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 301/QĐ-UBND ngày 01/8/2018 về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ chuyên viên và Kế hoạch số 24/KH-BCĐ về việc phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm- giảm nghèo và Đề án số 06/ĐA-UBND ngày 19/4/2018 về thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn huyện. Hàng năm huyện đều xây dựng kế hoạch phân bổ chỉ tiêu, giám sát, đánh giá định kỳ 6 tháng một lần ở các xã, thị trấn.
UBND huyện cũng chỉ đạo Trung tâm văn hoá truyền thanh huyện, Trạm truyền thanh các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền nhằm đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước đến với nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng; qua đó, vận động nhân dân tham gia phát triển đồng bộ nguồn nhân lực-giải quyết việc làm-giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội, giữ vững chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương.
Hàng năm, UBND huyện ban hành kế hoạch điều tra khảo sát hộ nghèo, hộ cận nghèo và ra Quyết định công nhận hộ nghèo, cận nghèo kịp thời đúng qui định.
Bến Lức cũng thực hiện có hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo có sức lao động, có nhu cầu vay vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi; thanh toán các dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh tự tạo việc làm, tăng thu nhập; hoặc để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu về nhà ở, điện thắp sáng, nước sạch và học tập; trang trải các chi phí để đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.
Các tổ chức đoàn thể, cán bộ khuyến nông hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo lập phương án và tổ chức thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay. Gắn cho vay vốn với hướng dẫn hộ nghèo, hộ cận nghèo cách làm ăn theo hướng điều chỉnh cơ cấu ngành nghề có hiệu quả, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương và theo khả năng quy mô, trình độ sản xuất từng vùng, từng hộ. Từ năm 2016 -2020, số hộ nghèo được vay vốn là 1.356 hộ với tổng số tiền được vay là 36.982 triệu đồng, tổng dư nợ 36.982 triệu đồng. Ngoài ra, còn có 252 hộ nghèo làm nhà ở: Số hộ nghèo được vay vốn với tổng số tiền được vay là 1.850 triệu đồng với tổng dư nợ 1.850 triệu đồng.
Triển khai Kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, huyện đã ưu tiên dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực nông thôn, các xã vùng sâu, nơi chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp và đô thị hóa, các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2016-2020, huyện đã tổ chức được 36 lớp dạy nghề cho 836 lao động nông thôn theo Đề án 1956 với các lớp như: Điện dân dụng, điện lạnh, hàn, nghiệp vụ lễ tân, lớp trồng rau mầm, lớp kỹ thuật trồng trồng cây kiểng…; có 836 lao động nông thôn đã được cấp chứng chỉ nghề với tổng phí thực hiện là 785.000.000 đồng. 70% lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề sau khi học xong nghề phi nông nghiệp đã có việc làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài huyện. Lao động học nghề nông nghiệp chủ yếu phục vụ cho phát triển sản xuất tại gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc hoa kiểng…
Bên cạnh đó, Bến Lức cũng thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội. Từ 2016-2020, toàn huyện đã cấp 14.625 thẻ BHYT cho hộ cận nghèo và 15.173 thẻ BHYT cho hộ nghèo. Huyện cũng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các Trường học để trẻ em nói chung và trẻ em con hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện học tập thuận lợi; ưu tiên đầu tư trước cho các cơ sở trường, lớp học ở các xã vùng sâu đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện chính sách ưu đãi, thu hút đối với giáo viên công tác ở địa bàn khó khăn; khuyến khích xây dựng và mở rộng “Quỹ khuyến học”. Trong giai đoạn 2016-2020 cấp phát 10.653 suất học bổng với tổng số tiền trên 4,8 tỷ đồng. Đến nay, 15/15 xã, thị trấn trên địa bàn đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học chống mù chữ, phổ cập giáo dục trung học cơ sở và có 12/15 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập trung học phổ thông. Trong giai đoạn 2016-2020, huyện cũng đã triển khai và xây dựng 252 căn nhà ở cho hộ nghèo theo quyết định 33/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ.
Với những giải pháp đồng bộ nêu trên, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Bến Lức đã đạt được những kết quả thực chất theo hướng bền vững. Nếu đầu năm 2016 toàn huyện có 1.239 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 3,33%, 800 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 2,15% thì đến đầu năm 2020 toàn huyện chỉ còn 748 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,44%, số hộ cận nghèo giảm còn 746 hộ chiếm (tỷ lệ 1,44%). Điều quan trọng nhất là ý thức vươn lên thoát nghèo, đấu tranh với tư tưởng tự ti, ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của Nhà nước của người dân đã được nâng lên đáng kể, xuất hiện nhiều mô hình thoát nghèo vững chắc. Đây cũng chính là tiền đề để huyện Bến Lức tiến tới mục tiêu không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của tỉnh trong thời gian tới.
Minh Anh
Từ khóa:
-
Ngân hàng Chính sách xã hội Hà Nội triển khai cho vay các đối tượng đặc thù từ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
06-01-2025 10:28 35
-
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
06-01-2025 08:22 56
-
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
06-01-2025 08:22 46
-
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store
03-01-2025 17:05 48
-
Xe mô tô, xe máy được phép cải tạo từ tháng 1/2025
03-01-2025 15:22 03
-
Herbalife Việt Nam tài trợ Chương trình “Chào Năm Mới 2025” tại Hà Nội để khuyến khích lối sống năng động lành mạnh
03-01-2025 14:01 34