Xã hội
Huyện Kiến Xương (Thái Bình): Chú trọng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững
01:51 PM 24/09/2024
(LĐXH) - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Kiến Xương (tỉnh Thái Bình) quan tâm chỉ đạo thực hiện. Huyện đã lồng ghép Chương trình giảm nghèo với các chương trình khác nhằm hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần tạo việc làm, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Các hoạt động thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" được các cấp, các ngành trong huyện tham gia tích cực
Huyện Kiến Xương đã thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, phân công nhiệm vụ, quyền hạn cho từng thành viên trong Ban chỉ đạo. Triển khai kịp thời, đầy đủ các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời cụ thể hóa hệ thống văn bản chỉ đạo đồng bộ, thống nhất; Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021- 2025. Hằng năm ban hành Kế hoạch rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo định kỳ; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của từng dự án, tiểu dự án.
Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đối với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chỉ đạo tập trung phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, tinh thần "Tương thân tương ái" trong công tác vận động Quỹ vì người nghèo. Tổ chức các hoạt động thi đua "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Từ năm 2021-2024, huyện Kiến Xương được phân bổ 21,9 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Thực hiện Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, vốn năm 2023 được giao 3,48 tỷ đồng; năm 2024 là 3,79 tỷ đồng.
Đối với Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, năm 2023 huyện được phân bổ vốn 1,53 tỷ đồng; năm 2024 là 1,57 tỷ đồng. Năm 2023, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện 01 dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thuộc chương trình mục tiêu quốc gia. Dự án được triển khai thực hiện tại 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Tổng số 97 hộ nghèo, hộ cận nghèo được lựa chọn tham gia dự án giống bò sinh sản để xây dựng mô hình, phát triển chăn nuôi. Về Tiểu dự án 2. Cải thiện dinh dưỡng, năm 2023, Ủy ban nhân dân huyện phân bổ vốn giao Trung tâm Y tế huyện triển khai thực hiện, đến tháng 11/2023, qua ý kiến của các đoàn kiểm tra, giám sát của tỉnh, huyện đã điều chỉnh phân bổ vốn giao Phòng Y tế huyện để triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, năm 2022, Phòng Văn hóa - Thông tin đã tham mưu tổ chức 01 lớp cho 303 cán bộ; năm 2023 tổ chức 03 lớp cho 578 cán bộ thông tin và truyền thông cơ sở được tập huấn nâng cao năng lực. Đài truyền thanh - Truyền hình huyện tham mưu tổ chức xây dựng và thực hiện các sản phẩm truyền thông về giảm nghèo, trong đó năm 2022 tổ chức 01 lớp tập huấn cho 44 cán bộ, xây dựng 02 phóng sự, 56 bản tin truyền thanh; năm 2023 xây dựng 9 phóng sự, 65 bản tin truyền thanh, 35 sản phẩm truyền thông khác, 01 tài liệu tuyên truyền. Năm 2022, Phòng Lao động - TBXH phối hợp với các xã tổ chức 02 hội nghị cho 300 đại biểu; năm 2023 tổ chức 08 hội nghị đối thoại chính sách với đối tượng là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân ở 08 xã với tổng số 1.620 người.
Ngoài ra, Phòng Lao động - TBXH đã xây dựng Kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và công tác giảm nghèo năm 2022, 2023. Tổ chức 06 lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo với tổng số 1.543 người. Năm 2023, tổ chức đoàn 01 đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm tại huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.
Nhờ thực hiện đồng bộ các dự án, huyện Kiến Xương đã giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm theo hướng bền vững. Tổng số hộ nghèo đã giảm từ 1.962 hộ, tỷ lệ 2,46% xuống còn 1.351 hộ, tỷ lệ 1,72% (năm 2023), giảm 611 hộ, giảm 0,74%. Dự kiến đến năm 2025, giảm 1/3 quy mô số hộ nghèo so với kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025; hạn chế hộ tái nghèo và hộ nghèo phát sinh.
Thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, trong giai đoạn 2021-2024, toàn huyện đã tổ chức cấp 7.201 thẻ BHYT cho người nghèo, kinh phí hỗ trợ trên 5.506,7 triệu đồng và 13.510 thẻ BHYT cho người cận nghèo với kinh phí hỗ hơn 10.325,7 triệu đồng. Hỗ trợ miễn học phí cho 922 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, với kinh phí hơn 373 triệu đồng; giảm học phí cho 1.246 lượt học sinh thuộc hộ cận nghèo, với kinh phí hơn 251 triệu đồng. Hỗ trợ tiền điện cho 24.417 lượt hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 4.077 triệu đồng. Thực hiện chính sách trợ cấp xã hội thường xuyên theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP cho 205.424 lượt đối tượng bảo trợ xã hội, với kinh phí hơn 110 tỷ đồng/năm (trong đó có đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo). Nhân dịp Tết Nguyên đán, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tặng quà tết.
Đối với chính sách cho vay tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo, đã có 741 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 25.900 triệu đồng; 500 lượt hộ cận nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 14.132 triệu đồng; 1.001 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn tín dụng với tổng kinh phí 55.405 triệu đồng.
Theo huyện Kiến Xương, sở dĩ có được kết quả trên là do công tác giảm nghèo phải được đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng; quản lý, điều hành đồng bộ, xuyên suốt của các cấp chính quyền; xác định mục tiêu, chỉ tiêu giảm nghèo phải gắn liền và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc triển khai, tổ chức thực hiện chương trình, mục tiêu giảm nghèo phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó lấy người dân nói chung, hộ nghèo nói riêng làm trung tâm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân; phát huy vai trò tham gia lập kế hoạch trong cộng đồng; đồng thời khơi dậy ý trí tự lực, tự cường, phấn đấu vươn lên của chính bản thân người nghèo, hộ nghèo.
Quá trình triển khai, cần tăng cường làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn và đánh giá tiến độ, chất lượng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu và chính sách về giảm nghèo; phát huy vai trò của Ban giám sát cộng đồng ở cơ sở; kịp thời ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng, trục lợi chính sách; qua đó kiến nghị bổ sung, sửa đổi các chỉ tiêu, mục tiêu và chính sách giảm nghèo cho phù hợp với thực tiễn./.
 
Hồng Phượng