Huyện Kon Plông: Tập trung nguồn lực cho công tác giảm nghèo
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, vừa cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cho nên trong những năm qua, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) luôn dành nhiều quan tâm, đầu tư và thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Nhờ vậy, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện bước đầu đạt được những kết quả tích cực, đáng khích lệ.
Ưu tiên nguồn lực cho công tác giảm nghèo
Tính đến cuối năm 2019, sau khi điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo,toàn huyện Kon Plông còn 1.702 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ hơn 23%, 657 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,92% so với tổng số hộ trên địa bàn huyện là 7.369 hộ. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, huyện Kon Plông bảo đảm các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể như: Toàn xã có đường được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; 100% số xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% số hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế…
Để đạt được kết quả nêu trên, huyện Kon Plông xác định nguyên nhân nghèo là do các hộ có trình độ thấp, chưa biết cách làm ăn; một số hộ gia đình thường xuyên có người đau ốm, bệnh tật, già yếu hết tuổi lao động; một số hộ mới tách thiếu đất sản xuất; một số hộ còn lười lao động, trông chờ, ỷ lại vào chính sách... Huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch để giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, bảo đảm mục tiêu đề ra là giảm nghèo từ 6 đến 8%/năm. Đồng thời, huyện Kon Plông đã cụ thể hóa những văn bản, chỉ đạo của cấp trên, cấp ủy bằng những hướng dẫn để các đơn vị liên quan, đối tượng thụ hưởng nắm bắt và triển khai thực hiện đầy đủ và kịp thời. UBND huyện phối hợp với các ngành, đoàn thể trong huyện triển khai các đầu mối công việc theo chức năng nhiệm vụ; cùng các tổ chức đoàn thể cơ sở và chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các chính sách giảm nghèo; phân công các thành viên của Ban phụ trách địa bàn để cùng phối hợp địa phương hướng dẫn bà con thực hiện chương trình bảo đảm đúng kế hoạch đề ra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông Phạm Văn Thắng cho biết: “Tất cả các chương trình đầu tư của Nhà nước chúng tôi đều ưu tiên cho công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng. Hiện nay, chúng tôi đang xây dựng 50 mô hình giảm nghèo với nguồn kinh phí gần 10 tỷ đồng, trong đó tập trung vào các mô hình phù hợp định hướng phát triển của huyện, như: trồng dược liệu như sâm dây, đương quy, nghệ...; xây dựng gần 20 mô hình hỗ trợ giống, vật tư, hướng dẫn phòng dịch tả lợn châu Phi để tái đàn lợn”. Chị Y Mua, ở thôn Đăk Ne, xã Măng Cành, tâm sự: “Nhà mình có bốn nhân khẩu, với bốn sào rẫy, trước đây trồng mì, thu nhập một mùa mì chưa đến 4 triệu đồng. Gia đình sống chật vật, vất vả. Từ ngày được huyện cho giống, hướng dẫn trồng cây đương quy, thu nhập tăng gấp hai lần, đấy là chưa tính đến cà-phê mình trồng xen kẽ chưa đến mùa thu hoạch”.
Thăm trang trại gà của hộ gia đình anh A Tăng, ở thôn Vi Glơng, xã Hiếu, chúng tôi được biết trang trại trung bình nuôi một lứa 300 con gà, mỗi năm xuất 12 lứa, trừ chi phí thì mỗi lứa anh A Tăng thu về khoảng năm triệu đồng. Ngoài ra, gia đình anh A Tăng còn có 3 ha rẫy trồng lúa nước, mì, cà-phê; hai con bò, ba con trâu, 11 con lợn. Anh A Tăng chia sẻ: “Năm 2016, gia đình tôi là hộ nghèo, thu nhập chủ yếu từ trồng mì; hoàn cảnh khó khăn, thu nhập bấp bênh. Khi tham gia mô hình chăn nuôi, thực hiện trên địa bàn xã, tôi đã học được cách tìm mua con giống ở nơi bảo đảm chất lượng, nguồn gốc, cách chăm sóc gà đúng kỹ thuật, mang lại hiệu quả cao hơn, rút ngắn được thời gian chăm sóc đàn gà. Từ đó, tôi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua gà giống về để chăn nuôi. Đến nay điều kiện kinh tế gia đình được cải thiện rõ rệt, đủ ăn, đủ tiền cho con đi học, mua xe máy và các đồ dùng trong gia đình”.
Mô hình nuôi gà giống trên địa bàn huyện Kon Plong
Để giảm nghèo bền vững
Với mục tiêu triển khai hiệu quả chính sách giảm nghèo, UBND huyện Kon Plông thường xuyên chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp các tổ chức đoàn thể từ cấp huyện đến cấp xã hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện các dự án, tiểu dự án để người dân nắm bắt kịp thời. Trong các nội dung hoạt động của dự án, tiểu dự án thì các đối tượng hộ nghèo được ưu tiên hưởng lợi cao nhất, kế tiếp là hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo. Trên địa bàn huyện Kon Plông, số hộ nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ lớn. Vì vậy, đối tượng hưởng lợi trong các dự án, tiểu dự án của chương trình chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số.
Đến thôn Vi Pờ Ê, xã Pờ Ê, hỏi gia đình ông A Thấp thì không ai không biết. Gia đình ông là gương sáng trong việc thoát nghèo bền vững, giúp đỡ các hộ chung quanh cùng vượt khó, vươn lên làm giàu. Từ chỗ nuôi gà, trồng cây ăn trái, rau xanh manh mún, cuộc sống bấp bênh, đến nay gia đình ông có cuộc sống đủ đầy, có hơn 5 ha trồng cà-phê, mì lai và cây ăn trái, cây keo, 2 ha ruộng lúa nước làm một vụ. Ông A Thấp được huyện chọn làm mô hình điểm, nhận hỗ trợ vật liệu làm nhà màng, giống, vật tư nông nghiệp, kỹ thuật chăm sóc để trồng 300 m2 cây bí Nhật Bản áp dụng công nghệ cao và 25 con lợn giống địa phương để nuôi tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi. Đến nay, vườn bí đang chuẩn bị thu hoạch với ước tính doanh thu đạt 60 triệu đồng/vụ. Ông A Thấp cho biết: “Mình cố gắng làm mẫu, rút kinh nghiệm để từ đó người dân trong thôn thấy được lợi ích kinh tế của các mô hình đem lại, người này làm được thì người kia làm được, từ đó tự thân vận động, cùng nhau làm kinh tế để thoát nghèo, không ỷ lại vào chính sách. Trước đây, bà con khổ lắm, nhưng nay toàn thôn có 136 hộ, 412 khẩu thì chỉ còn tám hộ nghèo và cận nghèo, chủ yếu là hộ người cao tuổi”.
Bằng nguồn vốn các Chương trình mục tiêu hỗ trợ, huyện Kon Plông còn huy động các nguồn khác cùng với sự nỗ lực của đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần làm thay đổi diện mạo về cơ sở hạ tầng kinh tế, tình hình trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Chất lượng cuộc sống của người nghèo đã được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 là 30 triệu đồng/người/năm. Từ đó tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo.
PV
TIN LIÊN QUAN
Từ khóa:
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46