Bạc Liêu: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số
Dân tộc thiểu số của tỉnh Bạc Liêu chủ yếu là dân tộc Khmer (chiếm 7 % so với dân số chung của tỉnh), sống đan xen với dân tộc Kinh, Hoa, chủ yếu tập trung ở các xã bãi ngang ven biển của huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và các xã đặc biệt khó khăn (thuộc Chương trình135) của huyện Vĩnh Lợi, huyện Hồng Dân.
Cuối năm 2015, đầu năm 2016, theo kết quả điều tra hộ nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số của tỉnh Bạc Liêu chiếm 17,12 % (5.283 hộ). Do đặc điểm sống đan xen, nên người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vừa được hưởng các chính sách, dự án, công trình đầu tư cho phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn, vừa được hưởng các chính sách, dự án, công trình đặc thù ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Hùng Thái, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu trao vốn hỗ trợ hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo
Từ năm 2016 đến nay tỉnh đã đầu tư (từ nguồn kinh phí Trung ương cấp và nguồn vốn địa phương) cho đồng bào dân tộc theo các chủ trương, chính sách đối với đồng bào dân tộc là gần 119 tỷ đồng. Trong đó tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, cầu, trường học và sửa chữa các tuyến đường giao thông nông thôn các xã, ấp đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, làm cho bộ mặt nông thôn các xã đặc biệt khó khăn từng bước thay đổi cơ bản, giúp cho sản xuất phát triển, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.
Về Chương trình tín dụng đối với hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số: Trong 05 năm qua, thực hiện Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, Hội đoàn thể nhận ủy thác và các ngành liên quan triển khai thực hiện. Tổng doanh số cho vay 05 năm qua là hơn 14 tỷ đồng, với 1.135 hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số được thụ hưởng. Nguồn vốn này đã giúp cho các hộ nghèo được vay vốn để phát triển sản xuất; 250 hộ vay vốn để giải quyết đất ở, đất sản xuất, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Hiện nay đối với các chương trình này chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Bạc Liêu không tiếp tục giải ngân, chỉ thực hiện thu hồi vốn.
Ông Nguyễn Hoàng Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) trao nhà cho hộ nghèo Về cơ bản hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội, trong đó có hộ được vay vốn từ 02 đến 03 chương trình tín dụng chính sách. Trong 05 năm, các nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã giúp gần 27.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ tạo việc làm cho 12.883 lao động, 78 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 4.038 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; hỗ trợ cho 15.434 lượt hộ xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh ở nông thôn.
Với việc thực hiện các chủ trương, chính sách khá đồng bộ nêu trên, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu không ngường được cải thiện và nâng lên, mức sống, điều kiện sống gần như người Kinh, người Hoa ở cộng đồng mà người dân tộc thiểu số đang sinh sống. Đến cuối năm 2019, hộ nghèo dân tộc thiểu số ở tỉnh Bạc Liêu còn 548 hộ, tỷ lệ 17,76% so với tổng số hộ nghèo của tỉnh; tiêu chí thiếu hụt nhà ở giảm còn 2.228 hộ, tỷ lệ 72,2%). Dự kiến cuối năm 2020 sẽ còn lại 200 hộ, tỷ lệ 5,83% so với tổng số hộ nghèo của tỉnh./.
Nguyễn Hùng Thái
Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Bạc Liêu