Xã hội
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
09:00 AM 26/12/2024
Sinh ra và lớn lên tại vùng cao Nghệ An, nơi con chữ là một hành trình đầy thử thách, Lầu Nguyễn Hương Giang - nữ sinh dân tộc H’Mông đã trở thành “cánh tay nối dài” cho những giá trị nhân văn mà hệ sinh thái “Nuôi em” hướng tới. Với vai trò người dẫn dắt 02 dự án “Được học” và “Sách này là để xây trường”, Hương Giang mong muốn hỗ trợ sinh viên dân tộc thiểu số, các em nhỏ vùng cao tiếp tục hành trình theo đuổi con chữ, xây dựng tương lai.

Cô gái H’mông, chiếc laptop, quyển sách cũ và khát vọng “cho đi”

 “Bỏ học, ở nhà lấy chồng, đi làm khu công nghiệp” là những hướng đi mà nhiều thiếu niên dân tộc thiểu số tại vùng sâu, vùng xa được gia đình định hướng. Khoảng thời gian cuối cấp 3, Hương Giang cũng từng là nạn nhân của những hủ tục sai lầm đó.

Vì điều kiện kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, Giang từng nghĩ, cánh cổng trường đại học sẽ mãi là một giấc mơ xa vời, khó có thể trở thành hiện thực với bản thân. Cứ thế, cô gái dần thu hẹp vào “vỏ ốc” của chính mình.

Cú đúp trúng tuyển Học viện Báo chí và Tuyên truyền, đưa Hương Giang bước từ mảnh đất Kỳ Sơn (Nghệ An) đến với Hà Nội. Tại đây, Giang biết đến và nhận sự hỗ trợ từ “Được học”, dự án trao tặng laptop cũ cho sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.

Lầu Nguyễn Hương Giang rạng rỡ trong trang phục truyền thống của dân tộc H’Mông

          Chia sẻ về cơ duyên gắn bó, trở thành người phụ trách dự án, Giang bộc bạch: Biết đến “Được học”, tôi được làm việc, được trò chuyện cùng những người trong cộng đồng dân tộc thiểu số của mình, lâu dần, “Được học” như một gia đình, khiến tôi muốn đi đường dài, muốn thực hiện được nhiều hoạt động thiện nguyện hơn nữa. Hương Giang xúc động nói thêm - khi đến dự án với vai trò cộng tác viên, tôi kỳ vọng bản thân sẽ được nhận về nhiều giá trị cho riêng mình, còn khi ở lại với “Được học”, “Sách này là để xây trường” tôi khao khát bản thân được cho đi, được chung tay hỗ trợ các bạn sinh viên dân tộc thiểu số, các em nhỏ vùng cao.

Hương Giang cùng một số sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn nhận laptop

từ dự án “Được học” (Nguồn: Fanpage Được học – đỡ đầu laptop cho sinh viên dân tộc)

Chiếc laptop, quyển sách cũ là cầu nối đưa Hương Giang đến với “Được học”, đến với “Sách này là để xây trường”, còn tình yêu thương và khát vọng sẻ chia là điều khiến cô gái ở lại, gắn bó cùng những người cộng sự phát triển hai dự án ngày một vững mạnh.
Khi lòng biết ơn và bài học “sửa mình” là động lực phát triển dự án
Được sáng lập và đi vào hoạt động ổn định, tuy nhiên cả 02 dự án “Được học”, “Sách này là để xây trường” cùng nhiều dự án thiện nguyện khác trong hệ sinh thái “Nuôi em” đã và đang gặp phải nhiều thử thách. Những lần đầu tiếp xúc nhân vật, xử lí tình huống phát sinh đến công tác quản lí và hỗ trợ cộng tác viên đều khiến Hương Giang bối rối.
Đứng trước những khó khăn, “Được học”, “Sách này là để xây trường” và Hương Giang luôn nhận được rất nhiều tình yêu thương, sự nỗ lực không ngừng từ các tình nguyện viên, sự giúp đỡ từ các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và đặc biệt là đội ngũ sáng lập “Nuôi em”.
“Từ những cố gắng đó của cộng đồng, hơn 500 sinh viên đã và đang được dự án hỗ trợ. Con số này sẽ còn được tăng lên, đây là nguồn động lực vô cùng lớn đối với tôi. Để mỗi khi nhìn lại, tôi biết mình và những người cộng sự đã đạt được một vài “chiến thắng nhỏ” – Hương Giang nói. Chính lòng biết ơn và sự ghi nhận từ cộng đồng, từ gia đình là nguồn sức mạnh vô hình đồng hành cùng cô gái và nhiều tình nguyện viên của dự án trên hành trình trao yêu thương tới cộng đồng.

Những chiếc laptop của dự án “Được học” được chuyển tới sinh viên có hoàn cảnh khó khăn

Giang chia sẻ: "Cũng nhờ những hoạt động cộng đồng đã cho tôi biết “sửa mình”, tích lũy cho mình nhiều trải nghiệm đáng quý, làm phong phú góc nhìn của bản thân về cuộc đời, về con người. Tôi nghĩ, dù hoạt động chúng tôi đang làm sẽ còn nhiều lắm những trắc trở, chông gai nhưng mỗi ngày thức dậy, tôi thấy mình tốt hơn, thấy những người trẻ dân tộc thiểu số nỗ lực thực hiện ước mơ, lúc này mọi khó khăn cũng hóa hư không". 
Bên cạnh việc tháo gỡ những khó khăn, Hương Giang cũng đã định hướng một số hoạt động và mục tiêu phát triển của 02 dự án trong năm 2025.
Năm 2025, “Được học” vẫn tiếp tục đẩy mạnh phát triển các hoạt động trước đó nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, dự án đang nỗ lực kết nối thêm nhiều cơ hội học tập kỹ năng mềm cho các bạn sinh viên dân tộc thiểu số, tăng cường thêm một số hoạt động ngoại khóa cho các bạn có cơ hội được trải nghiệm và học tập thực tế. Hơn hết, “Được học” kỳ vọng có thể mở rộng quy mô mô hình lên nhiều chi nhánh tại các địa phương trên cả nước. 
Với dự án “Sách này là để xây trường”, các hoạt động truyền thông sẽ được đẩy mạnh nhằm tiếp cận nhiều đối tượng hơn, đồng thời, Hương Giang mong muốn nhân rộng mô hình tới nhiều ban trẻ, nhiều đội nhóm, câu lạc bộ tại các trường Đại học, Học viện. Từ đó lan tỏa giá trị của văn hóa đọc và gây quỹ xây dựng nhiều trường học cho học sinh vùng núi cao, vùng khó khăn.
“Sách này là để xây trường” nhận về nhiều cuốn sách được ủng hộ từ các tác giả, độc giả
 “Được học”, “Sách này là để xây trường”,... nhân lên những trái tim tử tế
Trong số hơn 500 khuôn mặt sinh viên ở Hà Nội, Thái Nguyên, Vinh, TP. Hồ Chí Minh và rất nhiều em nhỏ ở các điểm trường tại Điện Biên, Lai Châu,.. mà dự án gặp gỡ, mỗi con người lại có một câu chuyện cuộc đời rất riêng. Có những bạn sinh viên gia đình kinh tế vô cùng khó khăn, có những bạn mồ côi, có những bạn chẳng đủ cái ăn cái mặc, có những bạn nhỏ phảico ro trong cái lạnh, quần áo sách vở ướt sũng khi mưa to, gió lớn vì lớp học dột, nát...
Hoạt động dự án, Giang có cơ hội “sống nhiều hơn một cuộc đời”, được đi và thấu hiểu thêm rằng, trên dải đất hình chữ S vẫn còn rất nhiều ngôi trường dột nát cần được sửa chữa, cần sự chung tay góp sức từ cộng đồng.
Mỗi bạn sinh viên nhận được sự hỗ trợ từ “Được học” mặc dù xuất phát từ những vùng đất khác nhau, nhưng ở họ đều có một điểm chung, chung một đích đến: Khó khăn, thử thách của cuộc đời không thể ngăn cản nghị lực sống, khát vọng vươn tới con chữ.
Hương Giang xúc động kể lại: "Có lẽ, ấn tượng nhất, đáng nhớ nhất với tôi là câu chuyện của Na - cô gái dân tộc Jrai. Na đến với dự án “Được học”, được hỗ trợ nhận laptop, sau đó đã trở thành một tình nguyện viên của dự án. Na đặc biệt vì bạn không có họ, đến với dự án duy chỉ một cái tên, đặc biệt bởi hoàn cảnh gia đình và đặc biệt bởi cô gái ấy dám mạnh mẽ đi đến Sài Gòn để sống với ước mơ của mình: Được học! Từ một cô bé không họ, không có gì trong tay, Na đến với giảng đường đại học và từng ngày nỗ lực không ngừng, hy vọng sẽ thay đổi cuộc đời, gia đình mình tại mảnh đất Gia Lai nắng gió".
Na (bên phải) và Lường Văn Thơm (bên trái) nhận laptop cũ từ Dự án “Được học”
Hàng trăm chiếc máy tính được trao tới tay sinh viên dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, hàng trăm ngôi trường được xây mới ở nhiều địa phương là sức mạnh vô hình cổ vũ những trái tim tử tế chung nhịp đập cùng cộng đồng, để Hương Giang và những người cộng sự tiếp tục sứ mệnh của “Được học”, của “Sách này là để xây trường” và rất nhiều dự án khác trong hệ sinh thái “Nuôi em”.
"Mỗi người trẻ trong độ tuổi đôi mươi hãy cho đi, cho đi trong khả năng của mình bằng tình cảm chân thành, đó mới là thiện nguyện đáng quý, thiện nguyện từ tâm, từ tấm lòng. Đây cũng chính là khát vọng tuổi đôi mươi của cá nhân tôi: Được học và được góp sức cho cộng đồng, cho dân tộc", Giang nói.
                                                                        HUYỀN MY – THÀNH CÔNG
Từ khóa: có ích