Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
(LĐXH)- Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, trong năm 2024, tỉnh tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả 11 mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” trên 11/11 huyện, thành phố.
Thực hiện kế hoạch tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, kế hoạch về phòng, chống mại dâm trên địa bàn tỉnh năm 2024 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo, giao trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị có liên quan để tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, bổ sung, kiện toàn Ban chủ nhiệm và duy trì hoạt động hiệu quả 11 mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” trên 11/11 huyện, thành phốn theo hướng dẫn của Sở.
Theo đó, ngay từ đầu năm 2024, UBND các huyện, thành phố đã ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chủ nhiệm (các thành viên gồm: lãnh đạo, cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, Công an huyện, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện và công chức văn hóa – xã hội các xã, phường, thị trấn và ở các địa bàn có nguy cơ cao). Cùng với việc thường xuyên hoàn thiện quy chế hoạt động mô hình, Ban Chủ nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của mô hình.
Bên cạnh đó, Ban Chủ nhiệm còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Nội dung tuyên truyền tập trung vào thủ đoạn của tội phạm mua bán người; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, xã hội trong phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; chế độ, chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân bị mua bán trở về (các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với nạn nhân của nạn mua bán người gồm cung cấp các nhu cầu thiết yếu, trợ giúp về y tế, tâm lý, pháp lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề, vay vốn sản xuất...).
Cùng với đó, thực hiện lồng ghép tuyên truyền phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, cai nghiện ma túy và phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS; chú trọng hoạt động tuyên truyền trong học sinh, sinh viên công nhân lao động; thanh niên thiếu việc làm, nhất là ở địa bàn kinh tế khó khăn để phòng ngừa nguy cơ bị mua bán.
Ban Chủ nhiệm cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn thực hiện tốt công tác truyền thông phòng, chống mua bán người đến từng địa bàn dân cư, trường học, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; chú trọng tuyên truyền về các dấu hiệu vi phạm, hình thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, các phương thức phòng, chống tội phạm mua bán người, nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người.
Kết quả, Ban Chủ nhiệm đã phối hợp tổ chức hơn 5.500 buổi truyền thông với trên 170.000 lượt người tham dự; xây dựng 1.988 pano, áp phích; cấp phát 68.777 tờ rơi có nội dung về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân; đăng tải 2.636 tin, bài về công tác phòng, chống mua bán người; tuyên truyền 4.050 lượt trên hệ thống truyền thanh từ huyện, thành phố đến xã, phường, khu phố, ấp về phương thức thủ đoạn của tội phạm mua bán người và các văn bản liên quan đến Luật phòng, chống mua bán người.
Tiếp đến, Ban chủ nhiệm và các thành viên mô hình duy trì sinh hoạt nhằm đánh giá kết quả hoạt động từng tháng, phân công nhiệm vụ thống nhất nội dung hoạt động của tháng tiếp theo, nắm tình hình mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trên địa bàn. Đồng thời, phân công các thành viên thường xuyên chủ động, tiếp cận, tư vấn cung cấp thông tin về phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Vận động đối tượng có nguy cơ cao, người thân của nạn nhân bị mua bán tham gia các hoạt động về tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người để không bị mua bán. Qua đó, từng bước tạo sự chuyển biến trách nhiệm mạnh mẽ của các cấp, ngành và toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; tạo cơ hội cho nạn nhân hòa nhập cộng đồng bền vững; giảm thiểu tác hại của hoạt động mua bán người đối với đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc phòng chống nạn mua bán người, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, giữ vững ổn định an ninh trật tự.
Ngoài ra, Ban Chủ nhiệm các mô hình còn phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các đơn vị có liên quan của địa phương trong việc tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân. Đặc biệt là tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về. Lồng ghép nội dung công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng, chống tệ nạn xã hội, giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác.
Có thể khẳng định, hoạt động mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai đã có sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể. Qua đó, giúp cho nạn nhân bị mua bán trở về được bảo vệ, giúp đỡ tiếp cận người có nguy cơ cao hiểu rõ thủ đoạn của bọn mua bán người để không bị lợi dụng, dụ dỗ tham gia các hoạt động phạm tội hoặc trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người. Đặc biệt, các mô hình triển khai hiệu quả công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, theo nguyên tắc "lấy nạn nhân làm trung tâm". Nhờ đó, nạn nhân sau khi được hỗ trợ, giúp đỡ đã có cuộc sống ổn định và quay trở lại giúp đỡ những người cùng hoàn cảnh và tích cực tham gia hoạt động hỗ trợ nạn nhân mua bán.
Chí Tâm
Từ khóa:
bị mua bán trở về
-
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
25-12-2024 16:52 58
-
Hiệu quả mô hình “Tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng” ở Đồng Nai
23-12-2024 16:37 15
-
Herbalife Việt Nam đồng hành cùng Báo Tuổi Trẻ tổ chức Cuộc Thi Lan Tỏa Năng Lượng Tích Cực lần thứ năm liên tiếp
25-12-2024 16:19 46
-
Những khó khăn trong công tác phòng chống mua bán người và giải pháp
20-12-2024 12:36 14
-
Quyết liệt trong phòng chống mua bán người và tăng cường hỗ trợ các dịch vụ cho nạn nhân
16-12-2024 12:29 41
-
Nam Định: Quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho người cao tuổi
25-12-2024 10:42 32
English Review
International migrants are vital force in the global labour market
English Review | 19-12-2024 14:25 00