Xã hội
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
10:43 AM 26/12/2024
(LĐXH)-Nạn mua bán người hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng mua bán người, để lại hậu quả lớn cho con người và xã hội. Tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, tính cảnh giác với tệ nạn này và luôn chủ động, sẵn sàng trong tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Mua bán người là tội phạm xâm hại nghiêm trọng quyền con người; xâm hại danh dự, nhân phẩm, tự do của con người. Hiện nay, một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số ở nước ta có cuộc sống còn khó khăn, hiểu biết pháp luật còn hạn chế, không nắm hết được các thủ đoạn của tội phạm nên dễ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người, nhất là dễ bị dụ dỗ bán sang nước ngoài. Mua bán người là loại tội phạm có độ ẩn cao, xảy ra ở hầu hết các địa phương, trong đó tập trung ở một số tỉnh có đường biên giới với các nước láng giềng, nhất là ở vùng núi phía Bắc.
Trước thực trạng đó, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024. Đồng thời, Sở tích cực tham gia ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang về Dự án Luật phòng chống mua bán người (sửa đổi) tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý xây dựng các dự án Luật dự kiến trình tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Chương trình Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Hội thi tuyên truyền phòng, chống mua bán người và di cư trái phép do Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật - công nghệ Tuyên Quang tổ chức

Đặc biệt, trong năm, Sở đã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống mua bán người; tuyên truyền về những thủ đoạn, dấu hiệu nhận biết của hành vi mua bán người và chia sẻ những biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; hướng dẫn việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân từ đó nâng cao trách nhiệm của các Sở, ngành và địa phương trong phòng, chống mua bán người. Cụ thể, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện Chiêm Hoá, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang tổ chức treo 130 băng rôn tuyên truyền phòng chống mua bán người, phòng chống mại dâm, công tác trẻ em và phòng chống HIV AIDS. Đặc biệt, Sở đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ailen và Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật - công nghệ Tuyên Quang tổ chức chương trình Hưởng ứng Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người và Hội thi tuyên truyền phòng, chống mua bán người và di cư trái phép. Chương trình thu hút sự tham gia của đại diện các cơ quan Liên hợp quốc, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế; lãnh đạo, đại diện các sở, ngành, đơn vị của tỉnh; cán bộ, giáo viên, sinh viên và học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh. Các đại biểu, giáo viên, học sinh tham dự chương trình đã nghe tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người và nạn di cư trái phép. Đồng thời triển khai nội dung hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống mua bán người (ngày 30-7) do Liên hợp quốc phát động. Ở phần thi trả lời câu hỏi của ban tổ chức có 4 đội tham gia là học sinh, sinh viên của Trường Đại học Tân Trào, Trường Cao đẳng Nghề kỹ thuật - công nghệ Tuyên Quang; Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Hàm Yên. Các đội trải qua các phần thi, gồm: Chào hỏi; kiến thức phòng, chống mua bán người và di cư trái phép và hùng biện.
Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn thực hiện pháp luật, chính sách đặc biệt ở cấp cơ sở nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại địa phương. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Ninh Bình đã chỉ đạo phòng Lao động - Thương  binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, thống kê và tổ chức tiếp nhận số nạn nhân bị mua bán trở về; chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất chăm sóc, nuôi dưỡng khi tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về, các quy trình chuyển tuyến hoặc đưa nạn nhân về nơi cư trú.
Nhìn chung, năm 2024, công tác phòng, chống tội phạm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt quan tâm, qua đó nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện lồng ghép các mục tiêu về phòng chống tội phạm, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc vào kế hoạch hành động của từng đơn vị, địa phương. Tính đến đầu tháng 12/2024, toàn tỉnh Tuyên Quang không để phát sinh vụ việc nào liên quan đến tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác phòng, chống mua bán người. Trong đó, tập trung vào tham mưu triển khai, thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2023 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người; đổi mới các hoạt động tập huấn, truyền thông, giáo dục về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ làm công xã hội cấp cơ sở. Cùng với đó, tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cho phụ nữ và trẻ em nhất là trẻ em bị xâm hại, nạn nhân bị mua bán gắn với tuyên truyền, ngăn chặn các hủ tục, tập quán lạc hậu nhằm giảm thiểu những rủi ro về pháp lý do không hiểu biết pháp luật. Tiếp tục vận động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân trong giải quyết các vấn đề về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho các nạn nhân bị mua bán trở về của địa phương./.
Minh Hằng
 
Từ khóa: