Xã hội
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
10:50 PM 26/12/2024
(LĐXH)-Trong năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được kiểm soát, chưa có diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, trong tỉnh vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, mối quan hệ quen biết, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân và mạng xã hội để làm quen, giới thiệu, lôi kéo “làm việc nhẹ, lương cao” nhằm lừa đảo sang Campuchia ép buộc làm việc trong các sòng bạc, công ty đánh bạc trực tuyến, công ty lừa đảo.
Nhằm góp phần làm hạn chế khả năng, điều kiện để các loại tội phạm hoạt động, trong đó có tội phạm mua bán người, các ngành chức năng đã phối hợp nắm tình hình, tổ chức triển khai nhiều biện pháp đấu tranh xử lý tội phạm. Lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng Tỉnh duy trì tốt mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các lực lượng chức năng của tỉnh PreyVeng (Vương quốc Campuchia) trong công tác bảo vệ an ninh biên giới, phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm mua bán người nói riêng. Trong năm 2024, hai bên thực hiện 256 lần trao đổi tình hình phục vụ công tác quản lý bảo vệ biên giới, đấu tranh với các loại tội phạm liên quan đến hai bên biên giới; hội đàm định kỳ 13 lần; tuần tra song phương 24 lần. Kết quả chưa phát hiện tội phạm liên quan đến mua bán người liên quan hai bên biên giới.
Công an xã Mỹ Trà (TP Cao Lãnh) tuần tra, kiểm soát địa bàn nhằm phòng ngừa các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người
Bộ đội Biên phòng Tỉnh phối hợp cùng Công an huyện, Công an 8 xã biên giới kiểm tra hành chính, đăng ký tạm trú tạm vắng được 23 lần đối với 01 khách sạn, 06 nhà nghỉ, 02 quán Karaoke, 05 quán nhậu có đăng ký kinh doanh trên địa bàn biên giới. Qua kiểm tra các cơ sở điều chấp hành nghiêm, chưa phát hiện dấu hiệu lợi dụng hoạt động kinh doanh để vi phạm pháp luật.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; công khai các tổ chức, doanh nghiệp được phép tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các loại phí người lao động phải trả nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các ngành, tổ chức chính trị-xã hội thành viên Ban Chỉ đạo 138/ĐP tỉnh và các địa phương đã phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tội phạm mua bán người, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người trong tuyên truyền phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm) bằng nhiều hình thức như: Treo 214 băng rôn, 211 pano, áp phích, phát 21.748 tờ rơi, tổ chức 1.366 cuộc tuyên truyền với 73.456 người tham dự; xây dựng 790 tin, bài viết và thực hiện 2.081 lượt tuyên truyền phòng, chống tệ nạn xã hội phát trên Đài truyền thanh huyện và xã, phường, thị trấn; phát hành 2.172 tờ báo, xây dựng 12 chuyên trang phòng, chống tệ nạn xã hội trên Báo Đồng Tháp; phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp thực hiện và phát sóng 15 tin, phóng sự truyền hình, 11 tin, bài trên sóng FM 98,4 MHz và xây dựng 12 chuyên mục truyền hình chủ đề “Vượt qua bóng đêm”, xây dựng 01 phóng sự cảnh giác với thủ đoạn mua bán người thông qua giới thiệu “làm việc nhẹ lương cao” ở nước ngoài.
Đồng thời, Đồng Tháp đang duy trì, nâng cao chất lượng sinh hoạt 148 Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật”, 53 mô hình tự quản về an ninh trật tự, 40 câu lạc bộ “Nông dân không tham gia các tệ nạn xã hội”. Củng cố và phát huy hiệu quả các Câu lạc bộ như: “Tổ phụ nữ xây dựng gia đình không tội phạm và tệ nạn xã hội”; “Tổ phụ nữ tình thương và trách nhiệm”, “Câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật”; “Tổ nhân dân tự quản”; “Câu lạc bộ phòng, chống mua bán phụ nữ và trẻ em”; “Mô hình gia đình 5 không”; củng cố, nhân rộng các mô hình tham gia phòng chống tội phạm trên địa bàn cơ sở và duy trì đường dây điện thoại nóng (02773.875111) để tiếp nhận thông tin của các nạn nhân cần giúp đỡ và tư vấn phụ nữ kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Tại Đồng Tháp, công tác phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện lồng ghép vào các chương trình phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, chương trình giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và các chương trình phát triển kinh tế xã-hội khác; đồng thời, quản lý, hướng dẫn, kiểm tra công tác dịch vụ việc làm, đưa người Việt Nam đi lao động tại nước ngoài nhằm phòng, chống việc lợi dụng các hoạt động này để mua bán người. 
Thực hiện công tác tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đồng Tháp đã tổ chức lồng ghép tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với tập huấn nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh. Tổng số đã tổ chức được 20 lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn cho 4.900 cán bộ các cấp trực tiếp thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Thành phần tham dự tập huấn là Tổ trưởng Tổ an ninh tự quản, Tổ trưởng Tổ bảo vệ dân phố, Chi hội trưởng Hội phụ nữ; Chi Đoàn thanh niên, Chi hội trưởng Hội Nông dân, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh, Ban thanh tra nhân dân, công chức Lao động-Thương binh và Xã hội, cộng tác viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn và trưởng khóm, ấp.
Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cử 02 công chức tham dự Hội nghị tập huấn về phòng chống mua bán người trong lĩnh vực nuôi con nuôi do Bộ Tư pháp tổ chức. Sở cũng hướng dẫn các đơn vị cấp huyện, cấp xã lập các thủ tục xác định nạn nhân và kịp thời thực hiện đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân theo quy định khi có nạn nhân bị mua bán trở về.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh 03 cơ sở tiếp nhận hỗ trợ nạn nhân, đảm bảo các điều kiện cho công tác tiếp nhận ban đầu gồm: 02 cơ sở do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng quản lý (gồm: cửa khẩu quốc tế Dinh Bà, huyện Tân Hồng và Thường phước 1, huyện Hồng Ngự); 01 cơ sở do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Tỉnh).
Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp Tỉnh tiếp tục duy trì 01 phòng tạm lánh hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng đảm bảo các điều kiện cho công tác tiếp nhận ban đầu. Từ đầu năm đến nay, trên dịa bàn tỉnh Đồng Tháp không có trường hợp tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.
Có thể nói,  các ngành, các cấp phát huy vai trò, tinh thần trách nhiệm, tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Công tác phòng ngừa được phát huy hiệu quả, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đi sâu vào quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chủ động phòng ngừa và tích cực tố giác tội phạm, nhiều mô hình,câu lạc bộ được xây dựng và nhân rộng, huy động sự tham gia tích cực của nhân dân vào phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn toàn tỉnh./.
Nam Tiến
Từ khóa: