Xã hội
Kết quả thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán ở Long An
04:52 PM 25/12/2024
(LĐXH)-Long An là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là cửa ngõ nối liền Đông Nam Bộ với khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là có chung đường ranh giới với Thành phố Hồ Chí Minh. Trên địa bàn tỉnh có 01 thành phố, 01 thị xã và 13 huyện; có 28 khu, 32 cụm công nghiệp đang hoạt động. Vì vậy, tỉnh thu hút một lượng lớn dân nhập cư đến sinh sống và làm việc.
Mặt khác, tỉnh cũng có đường biên giới giáp với Campuchia dài 137,7 km, có 04 cửa khẩu: cửa khẩu Bình Hiệp nằm trên quốc lộ 62 thuộc địa bàn huyện Mộc Hóa kết nối với con đường 314 thuộc Vương quốc Campuchia, cửa khẩu Tho Mo ở huyện Đức Huệ, Long Khốt và Vàm Đồn ở huyện Vĩnh Hưng và nhiều đường mòn, sông rạch cắt ngang qua biên giới - nơi dễ diễn ra tình trạng mua bán người qua biên giới.
Năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An đã ban hành Kế hoạch số 266/KH- SLĐTBXH ngày 12/01/2024 về thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về năm 2024; Công văn số 675/SLĐTBXH-PCTNXH ngày 16/02/2024 về khảo sát đánh giá quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cùng nhiều văn bản chỉ đạo quan trọng khác. Trên cơ sở đó, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố đều ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân.
Nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, người dân, học sinh, sinh viên, công nhân,… về các phương thức, thủ đoạn hoạt động; hậu quả, tác hại của mua bán người; về các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, tỉnh Long An đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến  với nhiều hình thức. Trong năm 2024, tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua các buổi họp, sinh hoạt định kỳ 1.920 cuộc với 172.830 lượt người tham dự; tuyên truyền bằng tiếng loa di động 4.842 cuộc. Đài Truyền thanh cấp huyện, cấp xã đã phát 3.890 lượt tin. Toàn tỉnh cũng triển khai đợt cao điểm tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng; tuyên truyền trên mạng xã hội  Zalo, Facebook,… được 890 tin, bài thu hút nhiều lượt tương tác và chia sẻ; tuyên truyền trực quan tại cơ quan, đơn vị thông qua các cuộc họp giao ban.
Tuyên truyền về phòng, chống mua bán cho thanh niên, sinh viên tỉnh Long An
Hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, toàn tỉnh đã treo 350 băng rôn với khẩu hiệu: Tích cực hưởng ứng “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người” và “Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người - 30/7”, “Không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người”.
Đồng thời, trong năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Long An đã tổ chức tập huấn 05 cụm cho 526 cán bộ là lãnh đạo, chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội; cán bộ là lãnh đạo UBND xã, phường, thị trấn; cán bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và công an xã, phường, thị trấn về chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân. Tiếp tục triển khai thực hiện Quy chế phối hợp số 6958/QCPH-SLĐTBXH- CAT-BĐBP-SNGV ngày 30/12/2022 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Cấp huyện cũng thường xuyên tổ chức kiểm tra các cơ sở dịch vụ nhà nghỉ, nhà trọ…trên địa bàn nhằm tuyên truyền, vận động chủ các cơ sở cảnh giác, tố giác cho cơ quan chức năng các đối tượng, băng nhóm, đường dây biểu hiện của tội phạm mua bán người. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng tích cực kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động các Cơ sở, Trung tâm đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài nhằm phát hiện và xử lý nghiêm minh các hoạt động môi giới, lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản của người lao động cũng như hoạt động lừa đảo thực hiện hành vi mua bán người
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện việc lồng ghép các nội dung phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán nói riêng vào các chương trình trợ giúp xã hội, giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em và các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác ở địa phương để hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán và các đối tượng có nguy cơ cao tiếp cận kịp thời với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định pháp luật như: chăm sóc y tế, khám chữa bệnh, hỗ trợ ban đầu, vay vốn, học nghề, giải quyết việc làm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Trong năm, các cơ quan chức năng đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho nhiều người lao động, trong đó có người có nguy cơ cao bị mua bán, cụ thể có 799 người lao động được hỗ trợ học nghề, kinh phí hỗ trợ 2,55 tỷ đồng; tư vấn nghề, việc làm cho 200.915 lượt lao động, qua đó góp phần giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống và hỗ trợ đào tạo nghề giúp người lao động tìm việc làm mới.
Nhìn chung, các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đã tập trung thực hiện công tác mua bán người. Theo thống kê, trong năm 2024, tỉnh Long An chưa phát hiện trường hợp nạn nhân nào bị mua bán trở về. Tuy nhiên, công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vẫn được các ngành, địa phương quan tâm. Tỉnh luôn chủ động chuẩn bị các điều kiện cho tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh.
Tiếp tục thực hiện phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân trở về, trong năm 2025, tỉnh Long An sẽ đẩy mạnh nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống mua bán người. Truyền thông, vận động xã hội không định kiến với nạn nhân bị mua bán, giúp họ hòa nhập với xã hội.
Chú trọng các biện pháp phòng ngừa từ xa, thông qua việc thực hiện lồng ghép chương trình phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo, bình đẳng giới, bảo vệ trẻ em với việc phòng ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán cấp tỉnh, huyện, xã. Vận động, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong công tác hỗ trợ nạn nhân, xây dựng mạng lưới hỗ trợ nạn nhân hoà nhập cộng đồng. Tổ chức rà soát, thống kê số nạn nhân bị mua bán trở về tại địa phương để kịp thời thực hiện các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân ở địa phương. 
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú cho nạn nhân; thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân: hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ về y tế; tâm lý; trợ giúp pháp lý; học văn hóa, học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu; hỗ trợ vay vốn cho nạn nhân. Tổ chức thực hiện quy trình chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân; phối hợp với các cơ quan liên quan đưa nạn nhận về nơi cư trú. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, cần kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em để được hỗ trợ và bảo vệ nếu cần thiết./.
Minh Hằng
 
Từ khóa: