Xã hội
Huyện Lâm Bình - Tuyên Quang thực hiện các giải pháp giảm nghèo
10:50 AM 16/03/2018
Là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn song huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) đã tận dụng tốt các điều kiện, tăng cường khuyến khích, hỗ trợ hộ nghèo vươn lên. Đặc biệt, việc xây dựng nông thôn mới gắn với công tác giảm nghèo tại các xã đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Thực hiện Đề án giảm nghèo bền vững theo tiêu chí đa chiều, huyện đã xây dựng cơ chế phối hợp và giao cho các cơ quan, đơn vị phụ trách các xã xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch giảm nghèo cụ thể. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người dân; gắn công tác đào tạo nghề với tư vấn, giới thiệu, giải quyết việc làm để lao động sau đào tạo có việc làm ổn định.

Ông Đinh Hữu Vinh, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện cho biết, năm 2017, Trung tâm đã mở 11 lớp dạy nghề cho 345 học viên. Huyện đã lựa chọn các ngành nghề phù hợp với tình hình địa phương và căn cứ nhu cầu của học viên để mở lớp. Qua đó giúp nhiều học viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở các xã đẩy mạnh đầu tư chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.

Dạy nghề cho người lao động, giúp họ tìm được việc làm ổn định cuộc sống

Các phòng, cơ quan chức năng của huyện luôn tạo điều kiện tín chấp cho hộ nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng trên địa bàn huyện để phát triển kinh tế. Hiện nay, có trên 7.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh với số tiền trên 200 tỷ đồng, trong đó có 500 hộ được vay vốn theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh.

Nguồn vốn vay đã được sử dụng hợp lý để phát triển các mô hình sản xuất, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Chăn nuôi vịt đẻ siêu trứng trên lòng hồ tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Phúc Yên; mô hình chăn nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo; mô hình nuôi dê thịt tại các xã Thổ Bình, Xuân Lập, Hồng Quang; mô hình trồng cây bồ khai, rau ngót rừng, giảo cổ lam tại xã Thượng Lâm, Lăng Can và Khuôn Hà với diện tích gần 4 ha…

Từ vốn vay trên 12 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình anh Chẩu Văn Dần ở thôn Ka Nò, xã Khuôn Hà đã phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp gồm gà đẻ và lợn thịt. Trong quá trình chăn nuôi, anh được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc vật nuôi, sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích. Mô hình chăn nuôi hiệu quả đã đem lại thu nhập ổn định nên cuối năm 2017 gia đình anh đã được công nhận thoát nghèo. Anh Dần chia sẻ, mấu chốt để gia đình anh thoát nghèo chính là biết sử dụng nguồn vốn vay hợp lý, cùng với đó phải nắm vững được kỹ thuật chăn nuôi, không để xảy ra dịch bệnh mới thành công được.

Theo thống kê của UBND xã Khuôn Hà, trong năm 2017, toàn xã đã có 171 hộ thoát nghèo, cao nhất so với các xã trên địa bàn huyện. Có được kết quả trên là do các cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, của tỉnh đã được triển khai, sử dụng hiệu quả, việc triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với công tác giảm nghèo đã giúp đời sống người dân trong xã được nâng lên.

Với nhiều giải pháp giảm nghèo đồng bộ, hiệu quả, năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Lâm Bình đã giảm 5,67% ( từ 3.832 hộ xuống còn 3.436 hộ), vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện còn 45,75%. Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung vào các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo trên địa bàn; chỉ đạo các xã, thị trấn vận động nhân dân tích cực thực hiện có hiệu quả các dự án, cơ chế, chính sách về hỗ trợ sản xuất, nhất là theo Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh khóa XVII, chương trình hỗ trợ sản xuất theo các Chương trình mục tiêu quốc gia; từng bước nâng cao chất lượng công tác dạy nghề gắn với tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn…

PV

Từ khóa: