Kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
(LĐXH)-Sáng ngày 5/10/2021, Bộ Công Thương phối hợp với Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh đồng chủ trì, tổ chức “Hội nghị kết nối cung cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”.
Tham dự Hội nghị, có ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương, TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, các đồng chí lãnh đạo một số Cục, Vụ trực thuộc Bộ Công thương cùng hơn hơn 500 đại biểu là đại diện đến từ các cơ quan, ban ngành từ Trung ương đến địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế và các cơ quan báo chí truyền thông tham gia với hình thực trực tuyến về Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, dịch bệnh đã lan rộng, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là việc tiêu thụ nông sản ở cả thị trường trong và ngoài nước. Thứ trưởng gửi lời chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân, các nhà sản xuất, phân phối trên khắp cả nước đã và đang phải gồng mình gánh chịu những tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời nêu rõ, đại dịch còn làm ảnh hưởng đến hoạt động cung - cầu, làm đứt gãy chuỗi cung ứng do thiếu nguồn lao động thu hoạch, chế biến và sản xuất; cộng với đó sự hạn chế lưu thông vận chuyển hàng hoá giữa các địa phương và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của thị trường giảm, năng lực hoạt động logistics còn hạn chế cũng khiến người dân, nhà phân phối đang gồng mình gánh chịu trước tình hình dịch Covid-19 đang ảnh hưởng phức tạp trên toàn quốc…
Thực hiện nhiệm vụ tại Kết luận số 77-KL/TW về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước do Bộ Chính trị ban hành ngày 5/6/2020, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, thời gian qua, Bộ Công Thương đã tập trung chủ động triển khai rất quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả nhiều giải pháp và cố gắng, nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, trong đó Bộ đã tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ hoạt động lưu thông, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa bền vững, hiệu quả. Hơn nữa, đã đưa ra những giải pháp căn cơ, bài bản, mang tính chất lâu dài thông qua tăng cường hoạt động đối thoại đa chiều.
Nêu lên những tác động của đại dịch Covid-19, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, ở giai đoạn đầu của dịch bệnh vào cuối năm 2019, đầu năm 2020, bên cạnh vấn đề suy giảm tổng cầu, các doanh nghiệp phải đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung, bao gồm cả đầu vào nguyên liệu thô và nhân công không đủ đáp ứng. Một số ngành công nghiệp chế biến chịu tác động mạnh như ngành dệt may, da giày do đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào, cầu vào giảm mạnh và xuất khẩu giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là xuất khẩu tới các thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu…
Cùng với đó, dịch Covid-19 đã khiến vận tải biển toàn cầu bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp phải đối mặt với chi phí vận tải biển tăng cao kỷ lục. Hiện tượng mất cân bằng vỏ container tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Châu Á là một nút thắt quan trọng với chuỗi cung ứng hàng hóa thương mại quốc tế. Những yếu tố này đã tác động mạnh đến hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Thực sự, dịch Covid-19 lây lan đã và đang làm gián đoạn phương pháp vận hành chuỗi cung ứng toàn cầu khiến doanh nghiệp khó mô hình hóa và đánh giá rủi ro.
Thông tin đến Hội nghị, Chuyên gia kinh tế - TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho biết: Trong tháng 8,9, các chỉ số đều xấu đi như sản xuất công nghiệp, số doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường. Dịch vụ ảnh hưởng nặng nề. Tiêu dùng, bán lẻ chưa bao giờ rơi vào tình trạng tăng trưởng âm như năm nay. Vận chuyển hành khách, hàng hoá giảm. Hàng chục triệu người mất việc làm… Quý III/2021, tăng trưởng cả nước giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này được lý giải bởi thời gian qua, Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã trở thành tâm dịch lớn nhất trên thế giới. Dịch bệnh đã xâm nhập vào trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp lớn của Việt Nam như Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ… gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (TMĐT) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh, các chương trình do Cục TMĐT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan như Vụ Thị trường trong nước, Cục Xúc tiến thương mại…tổ chức đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, ứng dụng thương mại điện tử đã hỗ trợ đắc lực việc vừa đảm bảo lưu thông hàng hóa vừa phòng chống dịch bệnh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Cục TMĐT đã hỗ trợ thành công gần 20 địa phương cả nước tiêu thụ sản phẩm địa phương nói chung, nông sản tới vụ nói riêng qua việc phương thức phân phối kết hợp online - offline.
Theo bà Huyền, trong giai đoạn tới, việc kết hợp phương thức phân phối hiện đại-thương mại điện tử và phương thức phân phối truyền thống là giải pháp tất yếu căn cơ cho hoạt động kết nối cung cầu, đảm bảo lưu thông hàng hóa, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đáng chú ý, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực phía Bắc, Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn ra phức tạp thì thương mại điện tử (TMĐT) vẫn là một điểm sáng của bức tranh kinh tế. Đặc biệt, con số tăng trưởng bán lẻ trực tuyến dự đoán năm 2021 là 18% và sẽ còn tăng trong các năm tiếp theo. Cùng với đó, hành vi mua sắm của người tiêu dùng (NTD) cũng đã thay đổi khi có tới 66% quan tâm đến việc mua đa kênh. “NTD có thể kiểm tra thông tin từ kênh online, sau đó quay ra các cửa hàng để xem xét, kiểm tra, rồi lại quay lại online… Giỏ hàng của NTD giờ đây cũng không còn chỉ là các sản phẩm công nghệ, thời trang mà chủ yếu là hàng tiêu dùng nhanh, đặc biệt là thực phẩm bán online lên ngôi” – bà Hà chia sẻ. Sở dĩ, hành vi của NTD thay đổi, theo chuyên gia này là vì họ đã bắt đầu tính toán đến những rủi ro tiềm ẩn, kéo dài của đại dịch, từ đó thắt chặt chi tiêu. Trước sự thay đổi ấy, doanh nghiêp cần làm gì để hàng đa kênh thành công? Theo bà Hà, DN cần thấy được, NTD cần những thao tác đơn giản, nhanh hơn, thanh toán tiện lợi hơn, và từ đó thay đổi chiến lược kinh doanh, xây dựng kế hoạch cho các nền tảng online và “số hóa” năng lực của nhân sự.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: “Bộ Công Thương cam kết sẽ tạo thuận lợi tối đa về mặt cơ chế trong phạm vi chức năng, thẩm quyền của Bộ nhằm hỗ trợ kết nối tiêu thụ trong nước và xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng, nhất là mặt hàng nông sản của các địa phương trong vùng dịch nông sản của các địa phương trong vùng dịch”./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Grab tung chương trình ưu đãi đặc biệt chào mừng Huế trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương
26-12-2024 19:15 54
-
Chiến lược giúp chuỗi cà phê lớn nhất VN lãi gần 3 tỷ mỗi ngày
26-12-2024 16:46 07
-
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít từ chiều 26/12
26-12-2024 15:22 53
-
Nhiều đường bay khởi hành từ TP HCM dịp Tết đã kín chỗ
25-12-2024 10:35 42
-
Nhà sản xuất ‘Anh trai vượt ngàn chông gai’: Không tác động giá cổ phiếu
25-12-2024 09:31 26
-
Quy mô thương mại điện tử Việt Nam vượt 25 tỷ USD
25-12-2024 08:43 21