Xã hội
Kết quả hỗ trợ phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số thực hiện đúng chính sách dân số
10:32 PM 26/06/2021
(LĐXH)-Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đặc thù cho các dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số. Một trong những chính sách đó là chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

Tại Trung ương ngay sau khi Nghị định số 39/2015/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số được ban hành, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương  binh và Xã hội xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT- BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 15 tháng 4 năm 2016 hướng dẫn thực hiện Nghị định. Tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 45/2018/TT-BYT ngày 28 tháng 12 năm 2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 07/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH ngày 15 tháng 4 năm 2016 quy định chi tiết Nghị định số 39/2015/NĐ-CP. Đồng thời, đã ban hành hơn 40 văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, giải đáp các vấn đề pháp lý, trả lời kiến nghị của Đại biểu Quốc hội, các Chi cục DS-KHHGĐ về thực hiện chính sách dân số của một số địa phương, những vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tổng số có gần 300 văn bản được ban hành tại các cấp.

Tuyên truyền, vận động người dân bản Hin 1, xã Na Sang (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) thực hiện tốt chính sách dân số - KHHGÐ

Bên cạnh đó, năm 2016, Bộ Tài chính đã bố trí nguồn kinh phí Trung ương để hỗ trợ cho các địa phương khó khăn mà chưa đảm bảo được nguồn kinh phí. Từ năm 2017 đến nay, các địa phương chi bằng nguồn đảm bảo xã hội của tỉnh, thành phố. Đối tượng khi sinh con đúng chính sách sẽ được hỗ trợ 2 triệu đồng/người và một lần duy nhất. Thời điểm hỗ trợ tính từ tháng đầu khi sinh con thuộc đối tượng được hỗ trợ. Phương thức hỗ trợ bằng tiền, cấp trực tiếp cho đối tượng thụ hưởng. Đối tượng thụ hưởng cam kết bằng văn bản không sinh thêm con.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) – Bộ Y tế cũng nhanh chóng tổ chức phổ biến Nghị định và các Thông tư hướng dẫn trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế, Tổng cục DS-KHHGĐ, đăng tải tin bài trên Báo Gia đình và Xã hội, Tạp chí Dân số và Phát triển. Tại trung ương đã xây dựng một số chuyên mục tuyên truyền như: hộp thư giải đáp pháp luật, phóng sự, tin bài theo chuyên đề của Nghị đinh số 39/NĐ-CP. Trong 5 năm  qua, Tổng cục DS-KHHGĐ chủ trì mở 03 lớp tập huấn hướng dẫn cho một số địa phương về thực thi chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số tại tỉnh Lạng Sơn, Quảng Nam, Trà Vinh. Tổ chức 02 cuộc hội thảo phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về nội dung mới của Thông tư số 45/2018/TT-BYT cho cán bộ của 20 tỉnh tại Điện Biên và Hà Nội và 02 cuội hội thảo về nội dung tư vấn pháp lý về các chính sách tại tỉnh Hòa Bình, Quảng Ngãi. Năm 2020, Tổng cục DS-KHHGĐ đã xây dựng chuyên mục hộp thư giải đáp pháp luật, 02 phóng sự và các tin bài về nội dung của Nghị đinh số 39/NĐ-CP.

Tại địa phương công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên website của Sở Y tế, các số bản tin Thông tin DS- KHHGĐ hoặc lồng ghép trong các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực và các hội nghị truyền thông của ngành cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số, y tế từ tỉnh đến cơ sở. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn đối tượng là phụ nữ thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP tại xã thông qua đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số. Cán bộ DS-KHHGĐ cấp xã, phối hợp với cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ, cán bộ Tư pháp cấp xã tổ chức tuyên truyền phổ biến nội dung cơ bản của Nghị định và các văn bản liên quan đến cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân, và tổ chức tư vấn, họp xóm, nhóm, tuyên truyền, vận động các đối tượng đủ điều kiện cam kết thực hiện tốt chính sách dân số. Trong 5 năm, tổng cộng các địa phương đã thực hiện được 54.512 cuộc truyền thông, tập huấn lồng ghép phổ biến nội dung của Nghị định số 39/2015/NĐ-CP và một số tin bài về thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP đăng tải trên báo, truyền hình.

Phụ nữ nghèo người dân tộc thiểu số tại xã Cốc Đán (huyện Ngân Sơn) thuộc diện được hỗ trợ khi sinh con đúng chính sách dân số

Thực hiện triển khai Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, theo hướng dẫn của Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ, hằng năm các huyện đều tiến hành xác minh, rà soát, lập danh sách đối tượng đủ điều kiện hưởng chính sách. Công tác rà soát, thống kê đối tượng phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số theo 9 nhóm đối tượng quy định tại Nghị định số 39/2015/NĐ-CP triển khai đã được thực hiện tại 53 tỉnh, 398 huyện và 3869 xã. Cùng với đó, các huyện đã thực hiện hướng dẫn đối tượng hoàn thiện tờ khai, hồ sơ nhận hỗ trợ gửi về UBND huyện (qua Trung tâm DS-KHHGĐ, nay là Trung tâm Y tế huyện) thẩm định, khi đủ các điều kiện sẽ ban hành quyết định cấp kinh phí hỗ trợ. Chủ tịch UBND xã ban hành Quyết định hỗ trợ kinh phí và thông báo cho đối tượng đến UBND xã nhận tiền hỗ trợ.

Nhằm thực hiện chính sách hiệu quả, chính xác và công bằng, công tác kiểm tra, giám sát được thực hiện hàng năm từ trung ương đến địa phương. Tại địa phương, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị định được thực hiện lồng ghép vào hoạt động kiểm tra, giám sát thường xuyên hàng năm  và theo chuyên đề của các cơ quan chức năng trong tỉnh như đoàn giám sát liên ngành do Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ trì, gồm đại diện các đơn vị: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Chi cục DS- KHHGĐ đến kiểm tra, giám sát tại các huyện, xã. Trong 5 năm, tổng số có 1.561 cuộc giám sát Qua kiểm tra đã đánh giá công tác triển khai, thực hiện về các nội dung rà soát, thống kê đối tượng và lập dự toán kinh phí hàng năm, chi trả cho đối tượng và các nội dung khác có liên quan.

Sau 5 năm triển khai thực hiện (2015-2020), 53 tỉnh, thành phố đã chi trả 147 tỷ 551 triệu đồng cho 73.775 người đối tượng phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.
Nghị định số 39/2015/NĐ-CP được ban hành là cơ sơ pháp lý để triển khai một chính sách nhân văn đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số nói riêng.
Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ này thể hiện chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc và dân số. Khi được tuyên truyền và nhận hỗ trợ, nhận thức của người dân về công tác dân số ngày càng nâng cao, chấp nhận quy mô gia đình ít con, giúp giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, sinh đủ 2 con để có điều kiện nuôi dạy cho tốt, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đồng thời, giúp kinh tế nhiều hộ gia đình ngày càng cải thiện, góp phần nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc và thực hiện mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030. 
Trong thời gian tới, Bộ Y tế cùng các các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức đối với các cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, đảng viên về thực hiện Nghị quyết số 21- NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và các chính sách dân tộc ít người ở vùng sâu vùng xa. Đảm bảo nguồn kinh phí hỗ trợ cho đối tượng theo quy định. Triển khai hoạt động tuyên truyền, hội thảo, tập huấn và tư vấn chính sách cho các cán bộ dân số. Củng cố, nâng cao chất lượng mạng lưới cô đỡ thôn bản và đảm bảo chất lượng thù lao cho các cán bộ này. Hướng dẫn chi tiết cán bộ dân số thuộc trạm Y tế cấp xã để tổng hợp đối tượng, kinh phí báo cáo UBND cấp tỉnh để phân bổ kinh phí kịp thời thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa ngành Y tế, Dân số, Lao động- Thương bình và Xã hội, Tài chính, Dân tộc, các Tổ chức Chính trị Xã hội các cấp để phối hợp thực hiện Nghị định và thanh tra, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa: