Nhằm cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ tạo việc làm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, hàng năm, UBND tỉnh Khánh Hòa đều xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án về hỗ trợ, giải quyết việc làm. Theo đó, từ năm 2016 đến nay, thực hiện Đề án hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trung bình mỗi năm Khánh Hòa đã có hơn 100 NLĐ được hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài, riêng năm 2018 đã có 175 người được hỗ trợ; Đối với Đề án hỗ trợ phát triển thông tin thị trường lao động và giải quyết việc làm đến năm 2020, các ngành đã xác định danh mục việc làm còn trống, nguồn cung lao động, xây dựng hệ thống phân tích, đánh giá và dự báo thông tin thị trường lao động trên cơ sở kết nối dữ liệu cung và cầu lao động; xây dựng mạng lưới thông tin thị trường lao động và phát triển hệ thống dịch vụ việc làm trên địa bàn tỉnh nhằm nâng tỷ lệ kết nối cung, cầu lao động. Qua đó, đã góp phần giải quyết việc làm cho NLĐ, bình quân mỗi năm có hơn 9.000 người có việc làm tăng thêm; Đối với Đề án hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho NLĐ bị thu hồi đất, 100% NLĐ trong độ tuổi lao động thuộc các hộ gia đình bị thu hồi đất được tiếp cận đầy đủ những chính sách hỗ trợ về đào tạo nghề và giải quyết việc làm. Song song với đó, Đề án nâng cao chất lượng sàn giao dịch việc làm trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 cũng được thực hiện hiệu quả. Qua đó, thúc đẩy phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng hơn 52% so với những tháng cuối năm 2018. Những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng với số lượng lớn lao động tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: chế biến thủy sản - công nghệ thực phẩm (chiếm 18,03%); marketing - kinh doanh - thương mại (15,69%); du lịch - nhà hàng - khách sạn (chiếm 12,40%)… Thời gian gần đây, mỗi tuần, đơn vị liên tiếp nhận đơn đặt hàng tuyển dụng của 10 - 50 DN với số lượng lao động cần tuyển hơn 500 người/tuần. Hầu hết yêu cầu của các DN đưa ra không mấy khắt khe. Mức lương các công ty này đưa ra cũng khá hấp dẫn từ 4 đến 12 triệu đồng/tháng. Nhiều doanh nghiệp liên tục tuyển dụng trong khi nguồn cung lao động trong tỉnh hạn chế đã dẫn đến sự thiếu hụt về lao động, khoảng 21.000 người.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong tuyển dụng, tạo nguồn lao động, trong năm 2019, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm. Cùng với việc điều tiết thị trường lao động với nguồn nhân lực hiện có trong tỉnh, sở đang nghiên cứu các giải pháp thu hút nguồn lao động ngoài tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu. Đồng thời, đề xuất các chính sách hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ lao động di cư, phối hợp với các tỉnh lân cận đề xuất giải pháp về liên kết vùng phát triển nguồn nhân lực phù hợp với mỗi địa phương. Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào việc thông tin thị trường lao động như: sử dụng dịch vụ nhắn tin việc làm cho NLĐ qua điện thoại; phổ biến thông tin tuyển dụng trên trang mạng xã hội; phối hợp với các trường đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tư vấn, giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp; tổ chức nhiều hình thức giao dịch việc làm; phát huy chính sách hỗ trợ đào tạo nghề tại doanh nghiệp. Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung triển khai các giải pháp để hỗ trợ phát triển thị trường lao động và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh. Theo đó, chú trọng khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu việc tìm người và người tìm việc; từ đó kết nối người lao động đang cần việc đến với DN. Sở thường xuyên khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động của DN, đánh giá, phân tích và dự báo thị trường lao động để có định hướng trong tư vấn việc làm, đào tạo nghề. Bên cạnh đó, phối hợp với các ban, ngành, địa phương thực hiện hiệu quả kế hoạch hỗ trợ DN trong việc tiềm kiếm lao động.
Mục tiêu của Khánh Hòa đến hết năm 2019 sẽ việc làm tăng thêm cho hơn 11.600 người. Để đạt được những mục tiêu trên, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ và đồng bộ các chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo quy định của Luật Việc làm và Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn vệ sinh lao động; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả những hoạt động trọng tâm của 4 đề án về hỗ trợ, giải quyết việc làm. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh tham mưu HĐND tỉnh ban hành nghị quyết bổ sung nguồn vốn cho vay từ ngân sách địa phương để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo cơ chế vay vốn từ Quỹ quốc gia việc làm…
Trần Huyền
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48