Xã hội
Khi Chỉ thị “bốn mươi” đi vào cuộc sống
04:36 PM 16/11/2017
(LĐXH) - Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, đến nay đã thu được những kết quả bước đầu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để NHCSXH Hà Tĩnh đảm bảo được nguồn vốn, nâng cao chất lượng tín dụng.
Vào cuộc quyết liệt
Để Chỉ thị 40 thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao, NHCSXH Hà Tĩnh chủ động báo cáo, tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền tổ chức thực hiện Chỉ thị 40, đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị đến toàn thể cán bộ, đảng viên.
NHCSXH tỉnh chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thị xã, thành phố tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị 40.
Trên cơ sở nội dung của chỉ thị, UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban ngành, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ của mình, chỉ đạo việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở và điều kiện làm việc cho hệ thống NHCSXH tỉnh, huyện; quy định cụ thể việc bố trí ngân sách hàng năm của tỉnh, của huyện chuyển sang NHCSXH cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách; Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn bố trí hội trường, địa điểm giao dịch thuận tiện, an toàn tại trụ sở UBND để NHCSXH tổ chức giao dịch, công khai các chính sách, dư nợ của hộ vay.
Tổ chức các biện pháp hiệu quả để củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, tích cực đôn đốc xử lý thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, khó đòi. Thường xuyên phối hợp củng cố nâng cao chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn, từ đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hoạt động tín dụng chính sách được nâng lên rõ rệt.
Với sự vào cuộc quyết liệt như vậy nên sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 40, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, đã có 262 Chủ tịch UBND xã tham gia thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện (đạt tỷ lệ 100%).
Nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang NHCSXH tỉnh để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đạt gần 65 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 56 tỷ đồng, ngân sách các địa phương cấp huyện gần 9 tỷ đồng, trong đó có một số thị xã, huyện nguồn vốn ngân sách chuyển qua NHCSXH cao như thị xã Hồng Lĩnh, huyện Nghi Xuân, Đức Thọ, Thạch Hà…
Những kết quả tích cực
Xã Kỳ Lâm, huyện Kỳ Anh hiện có hơn 730 hộ được tiếp cận vốn từ NHCSXH huyện, với dư nợ 25 tỷ đồng. Điều đáng mừng là mặc dù số dư nợ tại xã tương đối lớn nhưng chưa có trường hợp nào để nợ quá hạn. Để có được kết quả này, đa phần hộ gia đình được tiếp cận vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Gia đình ông Lê Viết Hưng, ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm là một trong những hộ có sự chuyển biến rõ nét về điều kiện kinh tế sau khi được tiếp cận vốn ưu đãi. Theo ông Hưng, trước đây, gia đình ông vô cùng khó khăn. Năm 2015, ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, tạo điều kiện vay 100 triệu đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm.
Với số tiền này, ông Hưng đã đầu tư mở trang trại chăn nuôi lợn và trồng rau sạch. Tận dụng nguồn thức ăn dồi dào, cũng như tích cực chăm sóc, đàn lợn của gia đình ông phát triển tốt. Đến nay, trong chuồng lợn của gia đình ông Hưng luôn duy trì từ 400 đến 600 con lợn. Mỗi năm, ông bán đi từ 2 đến 4 lứa, thu lợi nhuận hơn 400 triệu đồng. Từ trang trại này, ông Hưng đã tạo việc làm cho 3 người con và còn thuê thêm 6 lao động nhàn rỗi tại địa phương với mức lương 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Lê Viết Hưng (đứng giữa), ở thôn Đông Hà, xã Kỳ Lâm thông tin với cán bộ NHCSXH mô hình chăn nuôi lợn của gia đình

Ông Nguyễn Thành Nam - Phó Giám đốc NHCSXH huyện Kỳ Anh khẳng định: Sau khi thực hiện Chỉ thị 40, trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong tất cả các khâu bình xét, cho vay, sử dụng vốn, thu hồi nợ đến hạn được nâng cao rõ rệt… Không những thế, sự phối hợp chính quyền xã, các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn được thực hiện chặt chẽ hơn.
Đặc biệt, việc đưa Chủ tịch UBND xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện không chỉ nâng cao được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, mà còn giúp NHCSXH “cập nhật” những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp xử lý kịp thời.
Còn tại xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà, ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo tại xã (xét theo tiêu chí mới) giảm còn 13%. Toàn xã có gần 700 hộ được tiếp cận vốn từ NHCSXH, với dư nợ hơn 23,5 tỷ đồng”.
Theo ông Long, để có được kết quả này, công tác kiểm tra, giám sát, cũng như nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức nhận ủy thác được địa phương chú trọng. Đi đôi với đó, xã đặc biệt quan tâm đến việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để người dân phát huy hiệu quả các dự án khi đầu tư vốn. “Chính quyền xã luôn ưu tiên quan tâm đến những thôn còn nhiều hộ nghèo, nhằm hướng dẫn, tuyên truyền bà con sử dụng vốn đúng mục đích, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Đến nay, trên địa bàn xã không có nợ quá hạn” - ông Long nhấn mạnh.
NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh luôn tạo điều kiện cho bà con hộ nghèo vay vốn đầu tư để thoát nghèo
Phát huy thành tích
Giám đốc NHCSXH Hà Tĩnh, Lưu Văn Minh cho biết, ngay sau khi có Chỉ thị 40, chúng tôi đã chủ động làm tốt công tác tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND, các ban ngành có liên quan trong việc ban hành các văn bản, kế hoạch... nhằm quán triệt và tổ chức thực hiện Chỉ thị 40. Tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, NHCSXH tham mưu giúp huyện ủy, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo về việc tổ chức triển khai tới từng đơn vị.
Sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 40, nguồn vốn dành cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại Hà Tĩnh luôn tăng trưởng theo từng năm. “Hàng tháng, vào ngày giao dịch tại xã, Chủ tịch UBND xã, thị trấn tham gia họp giao ban, từ đó, quán triệt, nâng cao vai trò trách nhiệm của các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác, ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, trong đó, chú trọng khâu giám sát, kiểm tra hướng dẫn bà con sử dụng vốn hiệu quả”, ông Lưu Văn Minh cho biết thêm.
Thời gian tới, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, hội, đoàn thể liên quan; cấp ủy, chính quyền các huyện, thị và các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện hiệu quả hơn nữa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho hộ vay, lồng ghép giữa các chương trình tạo điều kiện cho hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích có hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.
PV.
 
Từ khóa: