Kinh tế
Không thể “trăm dâu đổ đầu” doanh nghiệp
03:54 PM 09/09/2016
Có rất nhiều vấn đề liên quan đến dự án 8B Lê Trực đã không được công bố đầy đủ khiến việc xác định mức độ và hình thức xử lý sai phạm tại dự án thiếu khách quan, thấu tình đạt lý.

Thực tế tìm hiểu của PetroTimes cho thấy, dự án 8B Lê Trực đã được TP Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định 2452 ngày 5/12/2008 về việc Phê duyệt Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường Cầu Giấy – Kim Mã – Hùng Vương (đoạn từ Đại sứ quán Thụy Điển đến đường Hùng Vương), tỉ lệ 1/500 – Tại lô đất có ký hiệu L30 (khu đất làm dự án 8B Lê Trực – phóng viên). Theo Quyết định 2452 thì lô đất L30 thì chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc trên lô đất sẽ được xây dựng cao tới 20 tầng, gồm cụm hỗn hợp cao 17 và khối đế 5 tầng.

Cưỡng chế nhà 8B Lê Trực.

Quyết định cũng nêu rõ “chiều cao công trình tuân thủ ý kiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam tại văn bản số 82/TM-Tg1 ngày 16/1/2008”. Trong khi đó, Văn bản số 82/TM-Tg1 của Bộ Tổng Tham mưu trả lời Công ty Cổ phần May Lê Trực về việc thỏa thuận độ cao công trình xây dựng Trung tâm Thương mại – Văn phòng – Nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B Lê Trực cũng nêu rõ: Về mặt quản lý vùng trời – quản bay, đồng ý độ cao tĩnh không tối đa của công trình nêu trên là 70 mét trên cốt đất 7 mét.

Cũng liên quan đến dự án, ngày 16/3/2009, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đã có văn bản số 499/QHKT-P3 chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng và Phương án thiết kế kiến trúc với quy mô công trình 20 tầng (bao gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái - tổng cộng là 20 tầng). Văn bản này yêu cầu Công ty May Lê Trực xây dựng công trình đúng với chiều cao thỏa thuận của Bộ Tổng tham mưu (không quá 70m).

Công văn 499QHKT-P3/ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc cũng nêu: Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị Công ty May Lê Trực liên hệ với Sở Xây dựng để được hướng dẫn thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép xây dựng theo Quyết định 792007/QĐ-UBND/ ngày 117/2007. Có nghĩa là việc cấp phép xây dựng phải thực hiện theo Quyết định 79 này. Và theo điểm e, Khoản 2, Điều 3 Quyết định 79 thì: Công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị mới, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì không phải xin phép xây dựng.

Như vậy, công trình 8B Lê trực đã được phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo Quyết định 79 này thì thuộc trường hợp không phải xin phép xây dựng.

khong the tram dau do dau doanh nghiep

khong the tram dau do dau doanh nghiep
Quyết định 2452 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án 8B Lê Trực.

Tiếp đó, ngày 7/4/2009, Sở Xây dựng Hà Nội cũng có văn bản số 2154/SXD-TĐ về Kết quả thẩm định thiết kế cơ sở công trình thuộc dự án “Trung tâm Thương mại, Văn phòng, Nhà ở để bán và cho thuê tại số 8B phố Lê Trực, Ba Đình, Hà Nội”. Văn bản này nêu rõ khối Trung tâm Thương mại, Văn phòng, Nhà ở để bán và cho thuê (dự án 8B Lê Trực – PV) cao 17 tầng ( không kể 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng máy và 4 tầng hầm… và chiều cao toàn bộ công trình tính từ nền tầng 1 đến đỉnh máy là 69,1m.

Tại văn bản này, Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị chủ đầu tư căn cứ kết quả thẩm định trên để hoàn thiện hồ sơ thiết kế cơ sở trước khi phê duyệt dự án và triển khai các bước tiếp theo phù hợp với quy định hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng công trình.

Với những căn cứ pháp lý trên, sau khi được cấp phép đầu tư, năm 2010, chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần May Lê Trực đã tiến hành triển khai thi công dự án. Việc làm này là hoàn toàn có cơ sở bởi như đã nói ở trên, dự án đã có quy hoạch chi tiết 1/500, đã có ý kiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, có ý kiến chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng và Phương án thiết kế kiến trúc của Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, đồng thời cũng có ý kiến thẩm tra thiết kế cơ sở của dự án.

Nhưng đến năm 2014, không hiểu vì lý do gì, Hà Nội lại yêu cầu Công ty cổ phần May Lê Trực phải thực hiện thủ tục xin cấp phép xây dựng. Và lạ một chỗ tại Giấy phép xây dựng cấp cho dự án 8B Lê Trực, Hà Nội đã hồi tố những nội dung đã được phê duyệt tại Quyết định 2452 phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án. Theo đó, thay vì 20 tầng (gồm cả tầng kỹ thuật và tầng máy) xuống còn 18 tầng, chiều cao công trình cũng được điều từ 69,1m xuống còn 53m.

Cách làm này của Hà Nội vô hình chung đã đẩy chủ đầu tư vào thế “nghiễm nhiên sai phạm” vì sau gần 4 năm triển khai, các hạng mục chính của công trình đã được chủ đầu tư cơ bản hoàn thành. Bởi với uy tín và trách nhiệm của doanh nghiệp với khách hàng mua nhà, Công ty cổ phần May Lê Trực đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai, thi công dự án một cách nhanh nhất, đảm bảo tiến độ đề ra.

Dự án 8B Lê Trực đã sai như thế, sai vì chính uy tín, sự trách nhiệm của mình với khách hàng, với xã hội!

Tuy nhiên, toàn bộ những nội dung trên đã không được thông tin một cách đầy đủ, khách quan trên các phương tiện thông tin đại chúng. Người ta chỉ biến đến chuyện dự án 8B Lê Trực sai theo Giấy phép xây dựng chứ không biết rằng, trước khi dự án này được triển khai, nhiều văn bản pháp lý đã được Hà Nội phê duyệt, đặc biệt là nội dung của bản quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án.

Và một điểm nữa, tại thời điểm khởi công, dự án 8B Lê Trực cũng không thuộc diện phải xin cấp phép xây dựng theo Quyết định 792007/QĐ-UBND/ ngày 117/2007. Thậm chí, đến năm 2012, khi dự án đã khởi công thì nó cũng không thuộc diện phải xin phép xây dựng theo Nghị định 64 /2012/NĐ-CP về việc cấp Giấy phép xây dựng. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 64 /2012/NĐ-CP về việc cấp Giấy phép xây dựng quy định: Những công trình, theo quy định trước khi Nghị định này có hiệu lực thuộc đối tượng không phải có giấy phép xây dựng, nhưng theo quy định của Nghị định này thuộc đối tượng phải có giấy phép, nếu đã khởi công xây dựng thì không phải đề nghị cấp giấy phép…

Mà ở đây cũng nói thêm rằng, ngoài việc dự án đã triển khai gần 4 năm Hà Nội mới yêu cầu làm thủ tục xin cấp phép xây dựng thì việc cấp phép 18 tầng với độ cao 53m cũng là điều khó hiểu. Cứ thử hình dung, một căn hộ chung cư có chiều cao mỗi từ sàn đến đỉnh trần cộng với sàn bê tông tầng chỉ 2,94m thì sẽ như thế nào. Chắc chắn sẽ vô cùng quái thai vì nếu trừ đi khoảng 20cm bề dày sàn bê tông, khoảng 30cm nữa làm các hộp kỹ thuật chạy trên trần, căn hộ chỉ có chiều cao độ 2,44m. Và nếu nhà nào làm trần thạch cao thì độ cao còn lại chỉ còn độ 2,3m là cùng. Ngôi nhà như thế có khác nào lô cốt!

Đề cập như vậy không phải là bao biện cho chủ đầu tư mà ở đây, chúng tôi muốn rằng việc xử sai phạm phải khách quan, phải minh bạch và trách nhiệm chứ không thể “trăm dâu đổ đầu” doanh nghiệp được. Sai phạm đó đến đâu, đến mức nào, có nghiêm trọng đến mức phải đập, phải phá bỏ hay không vì thế rất cần một tiếng nói công tâm, trách nhiệm của người có thẩm quyền. Đó cũng chính là điều mà người dân, cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi ở một bộ máy chính quyền hành động, kiến tạo, vì nhân dân, doanh nghiệp hành động. Và chắc rằng, nếu làm được như vậy thì lòng tin của nhân dân, của doanh nghiệp vào các cấp chính quyền càng được củng cố, nâng cao.

Theo petrotimes.vn

Từ khóa: