Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh do định kiến giới
(LĐXH)- Giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và trọng tâm của các chính sách, chương trình can thiệp cần đẩy mạnh hơn về thúc đẩy bình đẳng giới, xác định vai trò của nam giới trong môi trường gia đình và xã hội và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.
Trong khuôn khổ dự án “Giải quyết vấn đề lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại Châu Á” do Chương trình Hợp tác và Phát triển Na Uy tài trợ trong giai đoạn 2020-2022, ngày 7/3/3022, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc và Đại sứ quán Na Uy tổ chức Tọa đàm “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới theo hình thức trực tiếp và trực tuyến”.Các đại biểu tham dự Tọa đàm
Tọa đàm đã chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế, các cách tiếp cận sáng tạo nhằm thay đổi các định kiến văn hóa xã hội dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới tại Việt Nam. Vai trò và sự tham gia của nam giới trong thúc đẩy bình đẳng giới và kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới và tăng cường cơ chế điều phối liên ngành đã được bàn luận tại Tọa đàm.
Khai mạc Tọa đàm, ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế nhấn mạnh: Nếu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam kéo dài, không được kiểm soát, có thể dẫn đến những hệ lụy khó lường về mặt xã hội, kinh tế, thậm chí cả an ninh chính trị… ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Đây cũng là một trong những thách thức lớn của công tác dân số Việt Nam.
Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã tăng cường hoàn thiện và thực thi chính sách pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này nói riêng cũng như các vấn đề dân số và phát triển nói chung như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025 của Thủ tướng chính phủ… nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh và tiến tới đưa về mức cân bằng tự nhiên.
Tọa đàm đã nêu lên thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới hiện nay của Việt Nam cũng như những khuyến nghị và định hướng chính sách, chương trình trong thời gian tới. Việt Nam đã có những khung pháp lý, chính sách, chương trình về thúc đẩy bình đẳng giới và đề án quốc gia về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại và thách thức trong việc thực thi chính sách như chưa tập trung vào yếu tố văn hóa xã hội. Chính vì vậy, tăng cường cơ chế điều phối liên ngành giữa các bộ ngành và sự tham gia của tất cả các bên có liên quan là hết sức cần thiết.
Các chương trình truyền thông cần tập trung hơn nữa vào vấn đề xã hội và định kiến giới về vấn đề tâm lý ưa thích con trai hơn con gái dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới. Đối tượng truyền thông cần tập trung nhiều hơn vào nam giới, đặc biệt là nhóm thanh niên thông qua các kênh truyền thông sáng tạo và đa dạng hóa các hình thức truyền thông, truyền thông kỹ thuật số và các nền tảng xã hội cùng với các chương trình truyền thông truyền thống.
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam, bà Grete Lochen cho biết: “Trong các chính sách phát triển của mình, Na Uy đặc biệt ưu tiên củng cố những chuẩn mực toàn cầu phản đối mọi thực hành có hại và thúc đẩy quyền của trẻ em gái và phụ nữ. Hãy cùng nhau hợp tác để chấm dứt lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và mang lại một tương lai tươi sáng và phồn thịnh cho Việt Nam”.
Về phần mình, bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện Quỹ dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc thực thi các chính sách và pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh do thực hành lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới.
Dữ liệu từ Tổng điều tra về Dân số và Nhà ở năm 2019 cho thấy, hàng năm dự báo có khoảng 45.900 bé gái không được sinh ra tại Việt Nam và các bằng chứng này cho thấy nguyên do là việc lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh trên cơ sở định kiến giới.
Cũng theo dự báo từ dữ liệu của Tổng điều tra năm 2019, đến năm 2034 sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới từ lứa tuổi 15-49 và đến năm 2059 thì con số này là 2,5 triệu (tương ứng với 9,5% dân số nam) nếu tỉ lệ hiện tại về mất cân bằng giới tính khi sinh không giảm.
Năm 2019, tỉ suất giới tính khi sinh của Việt Nam là 111.5 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra trong khi tỷ suất giới tính khi sinh ở mức “tự nhiên” là từ 105-106 trẻ em trai trên 100 trẻ em gái được sinh ra./.
Hồng Minh
Từ khóa:
-
Ông Nguyễn Văn Khang - Thành công kinh doanh gắn liền với tấm lòng nhân ái
22-11-2024 18:34 22
-
LC Foods nhiều hoạt động lan tỏa yêu thương tới trẻ em nghèo
22-11-2024 18:20 22
-
Ổn định việc làm trao cơ hội và động lực giảm nghèo cho người dân ở Kim Bôi
22-11-2024 18:20 18
-
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
21-11-2024 08:58 53
-
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
20-11-2024 14:36 55
-
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
19-11-2024 19:05 09
- Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
- Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
- Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới