Xã hội
Kinh nghiệm từ công tác giảm nghèo bền vững ở Bình Thuận
09:55 AM 26/08/2024
(LĐXH) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn vừa qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai hiệu quả các chính sách, dự án thuộc chương trình. Từ đó tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm dần qua từng năm.
Lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh làm việc với UBND xã Phong Nẫm - thành phố Phan Thiết về thực hiện chương trình giảm nghèo
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở tỉnh Bình Thuận. Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các sở, ngành, địa phương đang tập trung triển khai các dự án theo nhiệm vụ phân công.
Công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến các văn bản của các cấp về giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, có sự tham gia của các phòng, ban, ngành, đoàn thể; công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo luôn được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự giám sát của MTTQ, đặc biệt là sự đồng thuận, tích cực tham gia của cộng đồng dân cư.
Đến nay, hầu hết người nghèo ở Bình Thuận đã được tiếp cận và hưởng lợi các chính sách trợ giúp của nhà nước. Tính riêng trong năm 2023, toàn tỉnh đã cấp 56.921 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo; thực hiện đảm bảo việc miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục trong và ngoài tỉnh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo; tính lũy kế đến ngày 31/12/2023, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho 3.986 hộ nghèo vay 181,7 tỷ đồng; cho 10.022 hộ cận nghèo vay 458,4 tỷ đồng, 19.828 hộ mới thoát nghèo vay 739,8 tỷ đồng để đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh. Quỹ “Vì người nghèo” các cấp vận động được 22,7 tỷ đồng/9,5 tỷ đồng, đạt 239,3%. Từ nguồn quỹ này và nguồn hỗ trợ khác đã xây dựng 138 căn nhà ở và sửa chữa 08 căn nhà ở cho hộ nghèo với tổng số tiền 8,992 tỷ đồng. Tổ chức tuyển mới đào tạo nghề cho 244 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, với tổng kinh phí là 911 triệu đồng…
Từ những nỗ lực trên, số hộ nghèo trong tỉnh giảm đáng kể, đời sống của người nghèo được từng bước cải thiện, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo định kỳ năm 2023 cho thấy, tổng số hộ nghèo của tỉnh là 6.621 hộ, chiếm tỷ lệ 1,96% (giảm 2.038 hộ, giảm 0,62% so với đầu năm; tổng số hộ cận nghèo là 12.203 hộ, chiếm tỷ lệ 3,62% (giảm 2.152 hộ, giảm 0,65% so với đầu năm.
Theo ông Nguyễn Xuân Lộc, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, bài học kinh nghiệm của Bình Thuận đó là xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để triển khai công tác giảm nghèo một cách đồng bộ, hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc miền núi... Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản để chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án, tiểu dự án; việc giải ngân các nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, đồng thời phải mang lại hiệu quả cho người dân, đưa các mô hình sát với thực tiễn để áp dụng tại các địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý các vi phạm nghiêm các địa phương thực hiện vi phạm pháp luật.
Lãnh đạo Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nhấn mạnh, giai đoạn từ nay đến 2030, Bình Thuận đề ra mục tiêu tổng quát là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo điều kiện cho hộ nghèo, người nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản và thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa thành thị và nông thôn; thực hiện tốt chính sách trợ giúp xã hội, không ngừng cải thiện nâng cao tinh thần, vật chất, đảm bảo công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững. Riêng năm 2024, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh 0,42% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 – 2025.
Để đạt được những mục tiêu trên, Bình Thuận đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, hữu hiệu, trong đó nhấn mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để phát triển kinh tế hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững; tiếp tục phát động phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo. Phát huy vai trò Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh và cơ quan thường trực trong tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án, chính sách; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong tham mưu đề xuất các giải pháp, cơ chế để thực hiện đạt mục tiêu chương trình giảm nghèo bền vững./.
 
Thu Hương
 

 

 
 
 
Từ khóa: