Thời sự
Lái xe uống rượu bia ở Nhật: Xử không thương tiếc
04:58 PM 18/08/2016
Chuyện "xử lý tại chỗ", "xử lý nhanh", "đồng chí ơi tôi là A công tác ở, đồng chí thông cảm..." là hãn hữu gần như không có. Nếu có cũng nhanh chóng bị lộ và bị xử không thương tiếc cả hai bên trong con mắt soi mói của người dân và báo chí.

Uống rượu bia lái xe gây nguy hiểm lớn cho người khác. Ảnh minh họa

Uống rượu bia lái xe gây nguy hiểm lớn cho người khác

Từ hôm qua đến giờ, rất nhiều bạn bè của tôi bàn chuyện ở nhà sẽ siết chặt phạt những ai uống rượu bia lái xe và hỏi tôi ở Nhật thì sao.

Có lẽ do tôi không biết và không thích bia rượu nên có cái nhìn hơi khắc nghiệt. Nhưng cá nhân tôi nghĩ, bia rượu là sở thích cá nhân, nếu uống bằng tiền cá nhân và không làm phiền ai thì cứ thoải mái, trách nhiệm xử các bác bia rượu trong trường hợp này thuộc về bố mẹ, vợ con… của các bác.

Tuy nhiên, uống rượu lái xe lại là chuyện khác. Nó không chỉ tiềm ẩn nguy cơ cao giết chính người uống mà còn tàn hại cả gia đình họ và những ai là nạn nhân bị họ gây tai nạn.

Đã uống bia rượu là tuyệt đối không được lái xe. Đấy là quy tắc ứng xử cũng như luật pháp ở Nhật. Không có ngoại lệ kể cả đối với xe đạp. Riêng đi bộ thì thoải mái, say mèm cũng được.

Luật pháp Nhật và cảnh sát không khoan nhượng với người uống rượu lái xe. Dư luận xã hội cũng vậy. Hậu quả của nó rất khủng khiếp vì thế mà sau nhiều năm đấu tranh, giới hoạt động xã hội Nhật đã làm cho các nhà lập pháp Nhật coi uống rượu lái xe là "tội" chứ không phải là lỗi. Vì vậy mà ngoài phạt tiền, tước bằng lái còn có cả hình thức phạt tù hay lao động cưỡng bức. Số tiền phạt rất lớn.

Người Nhật nhất là trung niên trở lên lái xe rất cẩn thận vì họ nhận thức về an toàn đã ăn vào máu và họ sợ trách nhiệm. Nếu gây tai nạn, mọi trách nhiệm sẽ thuộc về người vi pham luật giao thông. Nếu chưa vi phạm hình sự, họ sẽ phải bồi thường dân sự thông qua công ty bảo hiểm mà họ tham gia. Mức tiền bảo hiểm mà họ nộp sau vụ tai nạn sẽ tăng cao.

Để chống nạn uống rượu lái xe, ở các quán nhậu nhân viên sẽ thường cẩn thận hỏi thực khách rằng "Quý khách có đến đây bằng ô tô không?". Họ hỏi như vậy có hai ý. Vừa là nhắc nhở khách, vừa là xác nhận để yên tâm về trách nhiệm. Nếu như quán bán cho khách rượu trong khi biết rõ khách lái xe hoặc vị thành niên, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm liên đới.

Có nhiều quán có luôn dịch vụ lái xe đưa khách say xỉn về nhà. Nhiều bác Nhật cuối tuần đi nhậu bằng xe buýt, tàu điện cũng cẩn thận mang theo mẩu giấy có ghi địa chỉ nhà để lúc say xe taxi đưa về tận nơi.

Nước Nhật cũng có dịch vụ đưa khách nhậu về gọi là "daiko" (nghĩa đen là lái thay). Khi khách có nhu cầu (thường là sau khi đã uống rượu) công ty này sẽ có hai nhân viên đến. Một người lái xe của khách và một người lái xe chở khách về.

Nước Nhật cũng có bán nhiều loại bia, rượu không cồn (0 độ) để khách có thể vui vẻ dô dô mà không lo phạm luật.

Không chỉ người người uống rượu lái xe bị xử mà những người ngồi trên xe đã trưởng thành mà không ngăn cản người lái cũng sẽ bị xử theo.

Quán nhậu ở Nhật nhiều. Người Nhật làm việc hăng mà nhậu nhẹt ăn chơi cũng dữ. Tuy nhiên cái đáng nể ở họ là hai việc tách bạch nhau. Một ông giám đốc có thể đi nhậu bét nhè rồi đi karaoke với nhân viên thâu đêm suốt sáng vào ngày cuối năm tổng kết công việc. 

Nhưng rất có thể chính ông là người đến sớm nhất và về muộn nhất công ty, thậm chí thẳng tay đuổi việc bất cứ nhân viên nào uống bia, rượu trước và trong giờ làm việc kể cả giờ nghỉ trưa.

Những ai là công vụ viên (nhân viên nhà nước) và các chính trị gia -  quan chức thì càng phải giữ gìn. Cách đây lần 10 năm khi tôi đang ở thành phố Otsu, tỉnh Shiga, thị trưởng thành phố này đã phải lên truyền hình xin lỗi vì khi ông ngồi trên xe đi công tác, xe của ông do lái xe riêng lái va vào làm bị thương một người đi bộ.

Nghiêm là thế nhưng ở Nhật không có chuyện cảnh sát dựng chốt hay kiểm tra xét hỏi ngay cạnh quán nhậu. Ăn uống, vui chơi là quyền tự do của con người được pháp luật bảo đảm. Cứ nhậu thoải mái nếu có tiền nhưng nếu trèo lên xe lái ra đường là... xử.

Chuyện "xử lý tại chỗ", "xử lý nhanh", "đồng chí ơi tôi là A công tác ở…, đồng chí thông cảm..." là hãn hữu gần như không có. Nếu có cũng nhanh chóng bị lộ và bị xử không thương tiếc cả hai bên trong con mắt soi mói của người dân và báo chí.

Theo Vietnamnet
Từ khóa: