Nhiều lãnh đạo ngân hàng từ nhiệm
Đầu tiên là Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) khi đã công bố thông tin về việc nhận đơn xin thôi nhiệm của ông Trương Đình Long - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối Vận hành, theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Trương Đình Long làm Phó Tổng Giám đốc OCB từ năm 2007 đến nay, sau khi trải qua nhiều vị trí tại ngân hàng này. Như vậy sau hơn 14 năm, vị lãnh đạo “kỳ cựu” của OCB phải nói lời “tạm biệt”.
Nếu đơn đề nghị thôi nhiệm của ông Trương Đình Long được thông qua, Ban điều hành của OCB sẽ còn 8 thành viên. Trong đó, ông Phạm Hồng Hải là Tổng Giám đốc.
Hay ngay cuối tháng trước, HĐQT Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam (LPBank – Mã: LPB) đã thông qua quyết định miễn nhiệm chức vụ Kế toán trưởng đối với bà Nguyễn Thị Gấm theo nguyện vọng cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Gấm là Kế toán trưởng LPBank ngay từ khi gia nhập ngân hàng vào tháng 4/2008. Chỉ sau 2 năm, bà được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc, Giám đốc Khối Tài chính kiêm Kế toán trưởng. Bà có 30 năm kinh nghiệm kế toán tại các ngân hàng, trong đó có hơn 15 năm tại LPBank. Như vậy, lại thêm một nhân sự “cốt cán” có hơn chục năm kinh nghiệm xin rút lui.
Ngay sau khi bà Gấm từ nhiệm, HĐQT LPBank đã lập tức bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Công, Phó phòng (phụ trách Kế toán tổng hợp) - Phòng Kế toán & Thuế, Khối Thị trường và Quản trị tài chính - làm Kế toán trưởng LPBank, từ ngày 31/12/2024.
Cách đây không lâu, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB – Mã: SHB) cũng công bố quyết định miễn nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Công nghệ Thông tin đối với ông Lưu Danh Đức. Lý do miễn nhiệm là theo nguyện vọng cá nhân. Theo thông tin trên website, ông Đức sinh là chuyên gia cao cấp với nhiều năm kinh nghiệm về lĩnh vực công nghệ ngân hàng trong và ngoài nước.
Với sự rút lui của ông Lưu Danh Đức, Ban Tổng giám đốc của SHB còn 6 thành viên trong đó bà Ngô Thu Hà là Tổng Giám đốc.
Chiều ngược lại, một số ngân hàng thay thế “ghế nóng” ngay đầu năm. Đơn cử là Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - Mã: ABB) khi HĐQT đã bổ nhiệm ông Phạm Duy Hiếu giữ chức vụ Tổng giám đốc ABBank kể từ ngày 1/1.
Ông Hiếu năm nay 47 tuổi, tốt nghiệp thạc sĩ tài chính của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, có bề dày hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tài chính ngân hàng.
Ông Hiếu đã tham gia điều hành ABBank trong các giai đoạn khác nhau và từ ngày 10/8/2023, ông Hiếu giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc - người đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc ABBank.
Trước đó, ông Phạm Duy Hiếu từng nắm giữ vị trí chủ chốt tại Vietcombank Leasing, VietABank, VNDirect, Sabeco Fund Management, IPA Investment, Quỹ khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ Việt Nam (SVF).
Hay ở trường hợp khác là Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - Mã: KLP) vừa tổ chức lễ công bố và trao quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Hồng Vân giữ chức vụ Phó Tổng Giám đốc, có hiệu lực từ ngày 3/1. Bà Vân gia nhập KienlongBank từ tháng 12/2021 và đảm nhiệm vị trí Trợ lý Tổng giám đốc trước khi được bổ nhiệm vào đầu năm nay.
Thực tế các lãnh đạo nhiều ngân hàng xin từ nhiệm/thôi chức không phải chỉ diễn ra đầu năm nay. Mà trong năm 2024, hàng loạt nhà băng cũng nhận được nhiều đơn xin rút.
Như tại OCB, ngoài ông Trương Đình Long vừa xin từ nhiệm ngay đầu năm 2025, thì ông Nguyễn Văn Hương - Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối bán lẻ và ông Nguyễn Đình Tùng – Thành viên HĐQT cũng xin từ nhiệm. Hai nhân sự đều có kinh nghiệm lâu năm trong ngành tài chính ngân hàng, riêng ông Tùng tham gia vào OCB từ 2012.
Tại PGBank, ABBank, Eximbank, KienlongBank, SeABank,… cũng ghi nhận sự giã từ ghế nóng của các lãnh đạo cấp cao.
Biến động nhân sự "cốt cán" tại các DN lớn
Không chỉ tại các ngân hàng, nhiều doanh nghiệp phi tài chính cũng đối diện với làn sóng biến động nhân sự "cốt cán", đặc biệt là hai ghế nóng Tổng Giám đốc, Chủ tịch trong hai tháng cuối năm vừa rồi.
Như tại CTCP Cơ điện lạnh (Mã: REE), sau hơn 30 năm "cầm lái", bà Nguyễn Thị Mai Thanh xin từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT. Đồng thời, HĐQT đã thông qua quyết định bổ nhiệm ông Alain Xavier Cany ngồi ghế Chủ tịch thay cho bà Thanh. Còn Bà Thanh đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của REE.
CTCP VNG (Mã: VNZ) công bố nghị quyết HĐQT về việc ông Võ Sỹ Nhân sẽ chính thức từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT của VNG từ ngày 22/11/2024 theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Lê Hồng Minh, Nhà sáng lập VNG và cũng là thành viên HĐQT được thông qua miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc và kế nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kể từ ngày 25/11. Hiện ghế CEO của VNG vẫn đang bỏ trống.
Cũng trong tuần cuối của tháng 11/2024, CTCP Masan High-Tech Materials (Mã: MSR) vừa công bố thông tin đã nhận được đơn từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT trước nhiệm kỳ của ông Craig Richard Bradshaw. Đồng thời ông cũng xin rút khỏi ghế Tổng Giám đốc của MSR từ ngày 1/1/2025.
Ông Craig Richard Bradshaw (quốc tịch Úc) được bổ nhiệm là Tổng Giám đốc của doanh nghiệp từ tháng 7/2017 và tham gia vào HĐQT của MSR từ tháng 4/2019.
HĐQT cũng ra quyết định thông qua việc lấy ý kiến cổ đông của công ty bằng văn bản để thông qua chấp thuận việc từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Craig Richard Bradshaw và chấp thuận bổ nhiệm ông Ashley McAleese vào vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Tại CTCP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House - Mã: TDH), HĐQT đã miễn nhiệm vị trí Tổng Giám đốc của ông Nguyễn Hải Long vì lý do cá nhân từ ngày 29/11/2024 sau khi được bầu làm Tổng Giám đốc được 7 tháng. Ông Long sẽ làm cố vấn cấp cao cho HĐQT và Chủ tịch cùng Tổng Giám đốc. Đồng thời, HĐQT bổ nhiệm bà Trần Thị Liên làm Tổng Giám đốc từ 29/11/2024.
Đầu tháng 12/2024, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL - Mã: OIL) đã công bố việc miễn nhiệm chức Tổng Giám đốc với ông Đoàn Văn Nhuộm theo chế độ hưu trí và bổ nhiệm ông Nguyễn Đăng Trình (sinh năm 1982) - Phó Tổng Giám đốc lên thay.
Minh Hằng
-
Amway Việt Nam lần thứ 21 vinh dự nhận giải thưởng sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng
14-01-2025 17:18 49
-
Điểm mặt loạt doanh nghiệp bị xử phạt và truy thu thuế hàng tỷ đồng
14-01-2025 14:36 32
-
Năm 2024, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đạt doanh thu trên 35 nghìn tỷ đồng
14-01-2025 14:35 24
-
'So găng' lợi nhuận nhóm ngân hàng Big 4
13-01-2025 08:30 54
-
Chuyên gia KT Cấn Văn Lực: GDP có thể tăng trưởng 8% năm 2025
13-01-2025 08:30 49
-
Tết vui cùng Pumabooks: Lan tỏa giá trị lì xì sách
12-01-2025 14:56 07