Lao động
Lạng Sơn: Hơn 17.000 lao động được tạo việc làm mới trong năm 2022
11:21 AM 09/01/2023
(LĐXH) – Với nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, đến cuối năm 2022, tỉnh Lạng Sơn ước giải quyết việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động, đạt 113,3% kế hoạch.
Trong năm, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thẩm định hồ sơ, trình UBND tỉnh chấp thuận vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (86 lượt đơn vị với 282 vị trí công việc sử dụng người lao động nước ngoài) trong đó sau Ủy quyền (Quyết định số 1280/QĐ-UBND ngày 05/8/2022) chấp thuận cho 45 lượt doanh nghiệp với 145 lao động; Xem xét cho người nước ngoài nhập cảnh vào làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh (10 đơn vị: 24 người nước ngoài). Cấp 136 giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong đó, cấp mới 82 giấy phép lao động, cấp lại 04 giấy phép lao động, gia hạn 50 giấy phép lao động cho người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Xác nhận 01 trường hợp người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấp phép lap động. Xác nhận thu hồi giấy phép lao động của 03 người lao động nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trung Hưng, Công ty TNHH Just Breathe Yoga, Công ty TNHH MTV Nguyễn Thùy Dương.
Người lao động nghe tư vấn và tiếp nhận thông tin thị trường tại Trung tâm DVVL tỉnh Lạng Sơn
Bên cạnh đó, thông báo, xác nhận nguyện vọng ký kết hợp đồng đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS đối với 38 người lao động; Tiếp nhận hồ sơ của 81 người lao động đủ điều kiện đăng ký dự thi tiếng Hàn theo và hướng dẫn 50 người thi đạt hoàn thiện hồ sơ để tham gia Chương trình EPS đợt 2. Thông báo tuyển ứng viên đi học tập, làm việc trong ngành điều dưỡng đa khoa tại CHLB Đức; thực tập sinh hộ lý và kỹ thuật đi thực tập tại Nhật Bản. Giới thiệu 14 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lạng Sơn để phối hợp triển khai chương trình truyền thông, đào tạo, tư vấn, tuyển dụng nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Xác định, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế và bảo đảm ổn định xã hội, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm với nhiều chính sách trợ giúp thiết thực, như: Hỗ trợ vay vốn học nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) tỉnh (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) duy trì và đẩy mạnh hoạt động tư vấn và giới thiệu việc làm, học nghề, chính sách pháp luật lao động 21.740 lượt người đạt 126% so sánh với cùng kỳ năm 2021; ước thực hiện cả năm là 23.740 lượt người, đạt 183% so với kế hoạch; số người đăng ký tìm việc làm là 1.883 người; số người được giới thiệu việc làm là 1.871 người, số người nhận được việc làm là 991 người đạt 227% so sánh với cùng kỳ năm 2021; Số người nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp là 4.746 người, số người có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng là 4.032 người, tăng 21,7 % so năm 2021, với tổng số tiền chi trả là 54.756 triệu đồng, tăng 25,35% so năm 2021.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tính đến cuối năm 2022, ước giải quyết việc làm mới cho khoảng 17.000 lao động, đạt 113,3% kế hoạch, trong đó: Thông qua chương trình cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm đã tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho khoảng 7.000 lao động với 5.534 lao động được giải quyết việc làm bền vững, khoảng 1.500 lao động được hỗ trợ thực hiện dự án vay vốn; trên 3.000 lao động được tạo việc làm mới từ chương trình đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thương mại, du lịch, phát triển doanh nghiệp của tỉnh, trong đó có trên 500 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (chủ yếu là Nhật Bản và Đài Loan); trên 7.000 lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ngoài tỉnh. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn ước tuyển sinh và đào tạo cho 19.436 người, trong đó: Cao đẳng: 352 người; Trung cấp: 2.334 người; Sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng: 16.750 người. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60%, đạt 100% so với kế hoạch.
Thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đến việc làm, thu nhập cuộc sống của người lao động, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đảm bảo đời sống cho công nhân lao động, giúp họ yên tâm làm việc, ổn định cuộc sống. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh ngiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch, tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ với tổng kinh phí gần 129 tỷ đồng (Hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg hơn 54 tỷ đồng; theo Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg hơn 74,4 tỷ đồng). Chính sách hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg được tỉnh chỉ đạo sát sao với phương châm đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút gọn trình tự, thủ tục để bảo đảm giúp người lao động dễ dàng tiếp cận chính sách. Kết quả, đã có 331 người lao động đủ điều kiện được phê duyệt hỗ trợ với số tiền gần 500 triệu đồng (đạt tỷ lệ 33,1% so với số người dự kiến là 1.000 người).
Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn đặt mục tiêu tạo việc làm mới cho trên 17.000 lao động; Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62%... Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường lao động, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động và hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác đưa người lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện các giải pháp đột phá mạnh mẽ, phát triển và đổi mới GDNN; Tạo chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của GDNN, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, thực tập, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng cho thị trường lao động…/.
Hưng Cảnh