Lao động
Lào Cai đặt mục tiêu tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp
05:18 PM 17/03/2022
(LĐXH)- Tỉnh Lào Cai đặt mục tiêu trung bình mỗi năm giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người và tăng thêm 5% số người lao động được khám bệnh nghề nghiệp, 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.
Nhằm tiếp tục chăm lo cải thiện điều kiện làm việc; phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN), chăm sóc sức khoẻ người lao động; bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động, ngày 16/3/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Giàng Thị Dung đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình An toàn, vệ sinh lao động của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu trung bình hằng năm, giảm 4% tần suất tai nạn lao động chết người; mỗi năm tăng thêm 5% số người lao động được khám BNN, 5% số cơ sở được quan trắc môi trường lao động.
Lào Cai phấn đấu có trên 90% số người làm công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cấp huyện, thị xã, thành phố và trong các Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu tiểu thủ công nghiệp được tập huấn nâng cao năng lực về ATVSLĐ. Trên 80% số người lao động làm các nghề, công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ; 80% số người làm công tác ATVSLĐ được huấn luyện về ATVSLĐ. Trên 80% số người làm công tác y tế cơ sở được huấn luyện về ATVSLĐ.

Khám sàng lọc bệnh nghề ngiệp cho người lao động tại huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai)

Đến năm 2025, tỉnh có trên 80% số làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN được tiếp cận thông tin phù hợp về ATVSLĐ. Trên 80% người bị TNLĐ, BNN được hưởng chế độ bồi thường, trợ cấp theo quy định của pháp luật. 100% số vụ TNLĐ chết người được khai báo, điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.
Để đạt các mục tiêu đề ra, tỉnh Lào Cai sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Đầu tư máy, thiết bị phục vụ nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, giám sát, huấn luyện ATVSLĐ và nâng cao năng lực, hiệu quả kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa về ATVSLĐ.
Đẩy mạnh công tác điều tra thống kê, tổng hợp, đánh giá tình hình TNLĐ, BNN, sự cố kỹ thuật gây mất ATVSLĐ nghiêm trọng; điều tra, thống kê số người dân của tỉnh Lào Cai bị chết do tai nạn lao động; tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về ATVSLĐ. Triển khai áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý công tác ATVSLĐ phù hợp trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về TNLĐ, BNN…
Đồng thời, triển khai các biện pháp phòng, chống BNN phổ biến trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ cao về BNN. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; huấn luyện lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc. Đẩy mạnh các hoạt động nhằm phòng ngừa, giải thiểu và khắc phục hậu quả BNN trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho người làm công tác y tế tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; huấn luyện lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; các hoạt động nhằm phòng ngừa, giải thiểu và khắc phục hậu quả BNN trong các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật cải thiện điều kiện làm việc, phòng ngừa TNLĐ, BNN cho người sử dụng lao động và người lao động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiến tới xây dựng văn hóa an toàn lao động.
UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn phối hợp đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ, phòng chống BNN liên quan đến nghề nghiệp đặc thù trong sản xuất nông nghiệp và ngành nghề khu vực nông thôn; tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện những kiến thức về ATVSLĐ, phòng ngừa rủi ro, TNLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động và người dân trong vùng trọng điểm của tỉnh có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá…
Về giải pháp thực hiện, tỉnh Lào Cai sẽ tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động, áp dụng hệ thống quản lý ATVSLĐ tiên tiến, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia và đóng góp nguồn lực, kinh nghiệm để triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Đồng thời, thực hiện chính sách hỗ trợ thông tin, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ trong lĩnh vực ATVSLĐ, đặc biệt là các hoạt động kiểm định kỹ thuật ATVSLĐ, huấn luyện ATVSLĐ, quan trắc môi trường lao động…
UBND tỉnh giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lào Cai chủ trì, phối hợp các ngành chức năng và các địa phương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các nội dung, hoạt động của Chương trình và theo quy định của pháp luật về ATVSLĐ. Hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập Hội đồng ATVSLĐ cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác ATVSLĐ. Xây dựng kế hoạch ATVSLĐ trong kế hoạch sản xuất kinh doanh hằng năm phù hợp với đặc điểm, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị; huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động.
Hằng năm, triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ gắn các hoạt động Tháng công nhân. Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, liên ngành việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; đồng thời, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm pháp luật về ATVSLĐ của tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân.

Chí Tâm

Từ khóa: