Lào cai: Nỗ lực tạo việc làm bền vững cho người lao động
(LĐXH) – Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Lào Cai đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn.
Lào Cai là tỉnh vùng cao biên giới phía Bắc, có dân số hơn 700.000 người, với 25 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, tỷ lệ dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm trên 64,1%, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là gần 440.000 người. Xác định tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, ổn định và nâng cao đời sống của người dân, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người dân trên địa bàn.
Thời gian qua, để giải “bài toán” đầu ra cho học viên sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề, Lào Cai đang đẩy mạnh mô hình gắn kết 3 bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp. Toàn tỉnh hiện có 43 cơ sở GDNN, trong đó có 2 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 14 trung tâm GDNN, 1 trung tâm giới thiệu việc làm có chức năng GDNN và trên 24 cơ sở sản xuất kinh doanh, hợp tác xã tham gia hoạt động GDNN. Năm 2019, các cơ sở GDNN tuyển sinh, đào tạo được 17.040 người (đạt 100% kế hoạch), tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề là 52,58%. Trong đó, tỉnh đã ký kết biên bản ghi nhớ triển khai Chương trình hợp tác với Trung tâm đào tạo hàng không về tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động trong lĩnh vực hàng không; Ký chương trình cam kết với Tổng công ty Khoáng sản TKV-C; Thực hiện chương trình đào tạo hơn 370 lao động phục vụ cho dự án mở rộng và nâng cấp công suất Nhà máy Luyện đồng Lào Cai tại xã Bản Qua, huyện Bát Xát; Tổ chức đối thoại với doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ để thống nhất nhu cầu đào tạo nghề gắn với việc làm của tỉnh; Thông qua các Hiệp hội doanh nghiệp và Hội doanh nhân trẻ tỉnh Lào Cai nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động thực tế của doanh nghiệp và thị trường để có giải pháp phù hợp trong công tác đặt hàng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm… Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn còn thực hiện tốt chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học nghề cho 3.895 học sinh, sinh viên với tổng mức hỗ trợ trên 20 tỷ đồng; trong đó có 3.451 người là DTTS; 191/4.011 doanh nghiệp có chủ sở hữu là người DTTS đã thu hút giải quyết việc làm cho khoảng 62.500 người. Từ năm 2010 đến hết năm 2019, tỉnh Lào Cai đã triển khai đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 70% tổng số lao động được đào tạo nghề trong giai đoạn này.
Cùng với đó, đã có trên 28.000 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp với trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng theo Quyết định số 1956 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, trên 80% người DTTS tham gia học nghề, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, Xa Phó... Nhiều lao động sau khi học xong nghề đã được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc, một số tự tạo việc làm, nâng cao chất lượng, tăng gia sản xuất tại địa phương, một số tham gia các công trình xây dựng nông thôn mới tại thôn, bản, xã.
Phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nghiệp, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm (TTDVVL) của tỉnh đã đẩy mạnh công tác thông tin thị trường lao động, liên kết, thông báo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông qua hoạt động của sàn giao dịch việc làm. Không chỉ ở khu vực trung tâm mà hoạt động của sàn giao dịch việc làm còn được triển khai xuống các xã vùng sâu, vùng xa, nơi bà con đồng bào các dân tộc ít được tiếp cận với các thông tin tuyển dụng, việc làm. Các doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia phỏng vấn, tư vấn, tuyên truyền về xuất khẩu lao động, về học nghề và trực tiếp tuyển dụng. Qua đó, nhà tuyển dụng cũng biết, hiểu thêm về đặc điểm của người dân, của đồng bào vùng cao về trình độ văn hóa, phong tục tập quán để có những điều chỉnh, có chế độ chính sách phù hợp. Với sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương, từ năm 2016 đến 2019, toàn tỉnh đã huy động được 600 doanh nghiệp tham gia 141 phiên giao dịch việc làm. Cùng với một số hình thức và phương tiện truyền thông khác đã giúp 90.000 người được tuyên truyền, tư vấn, kết nối giới thiệu việc làm. Riêng năm 2019, Trung tâm đã tổ chức 37 phiên giao dịch việc làm với trên 200 doanh nghiệp gửi nhu cầu tuyển dụng, trên 40 lượt doanh nghiệp tham gia trực tiếp tuyển dụng, trên 4.000 lượt người tham gia phỏng vấn tìm việc; Đăng 280 tin bài tuyên truyền về lao động việc làm, học nghề, chính sách BHTN; Thực hiện tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, học nghề cho khoảng 11.900 lượt người; Phát trên 20.000 tờ rơi tuyên truyền về chính sách việc làm, lao động, thông tin tuyển dụng lao động…
Xác định xuất khẩu lao động là một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết việc làm, những năm qua, tỉnh Lào Cai đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Các doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu lao động cũng đã tổ chức tuyên truyền cho trên 5.000 lượt người lao động có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, trong đó tập trung vào các đối tượng chính sách, lao động ở các huyện nghèo, người dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 – 2019, Lào Cai có 300 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… trong đó có 110 lao động là người dân tộc thiểu số, thu nhập bình quân đạt từ 10-30 triệu đồng/người/tháng tùy từng thị trường.
Đặc biệt, tại Lào Cai, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Lào Cai, từ năm 2016, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngành tổ chức 5 cuộc hội đàm và ký biên bản hội đàm với chính quyền huyện Hà Khẩu và Ban Quản lý Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Hà Khẩu (Trung Quốc) về quản lý lao động qua biên giới, trong đó có nội dung đưa lao động sang làm việc tại doanh nghiệp Trung Quốc. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Lào Cai đã tuyển chọn và đưa 947 lao động địa phương sang làm việc tại Công ty Hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Huệ Hồng, Vân Nam, Trung Quốc, trong đó 820 lao động là người dân tộc thiểu số (chiếm 86,6%) với tiền lương bình quân đạt từ 7 đến 10,5 triệu đồng/người/tháng và được Công ty hỗ trợ toàn bộ tiền ăn, chỗ ở... Nhìn chung, công tác quản lý lao động qua biên giới đã góp phần tạo việc làm cho lao động của các địa phương, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, các chính sách vay vốn hỗ trợ việc làm và Quỹ quốc gia việc làm được triển khai đồng bộ ở các cấp trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả mạnh mẽ. Từ năm 2015 đến tháng 8/2019, có 6.166 lao động được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm với tổng số vốn được vay 117,5 tỉ đồng, trong đó có 1.890 lao động là người dân tộc thiểu số, chiếm 30%. Việc tiếp cận vốn vay thuận lợi đã giúp người lao động có việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp và tăng thu nhập. Thu nhập bình quân của người lao động đạt từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Các dự án vay vốn đã sử dụng vốn vay đúng mục đích, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Bằng nhiều giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, địa phương và doanh nghiệp, năm 2019, toàn tỉnh đã tư vấn, kết nối tạo việc làm tăng thêm cho 14.720/12.800 lao động, đạt 115% kế hoạch.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn một số khó khăn do các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thực sự chú trọng việc sử dụng lao động đã qua đào tạo nghề, vẫn còn tình trạng sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội. Học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, thái độ nghề nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm. Một bộ phận gia đình vẫn coi trọng bằng cấp, hình thức...
Trong năm 2020, Lào Cai phấn đấu tạo việc làm tăng thêm cho 13.000 lao động, trong đó: 6.240 lao động nữ; 1.800 lao động được được vay vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm; Tuyên truyền, tư vấn chính sách lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, học nghề cho 14.500 lượt người lao động, người lao động thất nghiệp; Tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm và các huyện, thành phố. Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về vị trí, vai trò của giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm, qua đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, sự đồng thuận trong hành động để huy động sự tham gia của toàn xã hội và sự đồng hành của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sàn giao dịch việc làm của tỉnh để kết nối thông tin cung - cầu lao động giữa cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động. Đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tăng cường phối hợp quản lý lao động tự do qua biên giới./.
Cảnh Minh
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48