Lao động
Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng đánh giá 5 năm thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động
10:36 AM 31/08/2021
(LĐXH)- Ngày 25 tháng 6 năm 2015 Quốc hội nước CHXNCN Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 đã chính thức thông qua Luật An toàn Vệ sinh Lao động. Luật An toàn Vệ sinh Lao động với 7 Chương 93 Điều chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2016. Ngày 30/8/2021, Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng tổ chức Hội nghị đánh giá 5 năm thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015.
 Luật An toàn, vệ sinh Lao động ra đời là dấu ấn quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động cũng như  công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Luật An toàn, v sinh Lao động ra đời đã tạo khung pháp lý đồng bộ, thống nhất, đảm bảo tính thực thi cao hơn, đồng thời tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành vi của các cơ quan quản lý nhà nước về lao động; của mỗi doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động.
Ông Tống Văn Băng - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hải Phòng - phát biểu tại hội nghị đánh giá 5 năm thực hiện Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015
Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 trong các cấp Công đoàn ở thành phố. Là tỉnh công nghiệp với sự đa dạng về loại hình kinh tế, ngành nghề kinh doanh, cơ sở hạ tầng, an toàn lao động được tỉnh xác định là trách nhiệm không phải chỉ của người sử dụng lao động mà còn của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Nhiều chủ trương, định hướng của tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này đã được cụ thể hóa bằng các văn bản, kế hoạch. Với sự vào cuộc sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, các cấp, ngành, Liên đoàn Lao động thành phố, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động đã được nâng lên; quá trình thực hiện cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng; ý thức của cả người lao động và người sử dụng lao động cũng đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp đưa nội dung trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và khám sức khoẻ định kỳ vào hợp đồng lao động khi giao kết với người lao động. Hầu hết doanh nghiệp có thoả ước lao động tập thể đều đưa nội dung an toàn, vệ sinh lao động vào thương lượng, ký kết. Trong hơn 1.050 thoả ước lao động tập thể hiện có, nhiều đơn vị đưa an toàn, vệ sinh lao động vào nội dung của thoả ước, tập trung vào nội dung trang bị bảo hộ lao động, phụ cấp an toàn viên... Cụ thể, phụ cấp an toàn viên là 300.000 đồng/tháng; khám sức khoẻ định kỳ cao nhất là 500.000 đồng/lần; trang bị bảo hộ lao động cao nhất là 500.000 đồng/người... Bên cạnh đó, hằng năm, hơn 85% công nhân lao động được các cấp Công đoàn tuyên truyền, người sử dụng lao động huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.
Hầu hết doanh nghiệp có thoả ước lao động tập thể đều đưa nội dung an toàn, vệ sinh lao động vào thương lượng, ký kết
Hội nghị cũng được nghe đại diện Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở chia sẻ thuận lợi, khó khăn trong thời gian thi hành Luật An toàn vệ sinh lao động. Theo đó, một số doanh nghiệp chia sẻ cán bộ làm công tác an toàn vệ sinh lao động chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm, không có chế độ phụ cấp; ý thức chấp hành quy định về an toàn vệ sinh lao động của công nhân lao động còn hạn chế...
Theo Liên đoàn Lao động thành phố Hải Phòng, trong 5 năm qua, công tác khai báo tai nạn lao động ở một số doanh nghiệp không kịp thời, đoàn điều tra tai nạn lao động tại cơ sở không thành lập đúng quy định, việc tham gia công đoàn cơ sở vào quá trình điều tra, thu nhận thông tin ban đầu, chia sẻ khó khăn, thực hiện quyền lợi người bị nạn...
Kết thúc hội nghị, các đại biểu đề xuất, kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sửa đổi Thông tư 25/TT-BLĐTBXH về bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật. Các quy định về điều kiện để người lao động được hưởng chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật còn chưa hợp lý. Hiện các mức không phù hợp với thị giá. Mức bồi dưỡng thấp trong khi giá cả thị trường tăng cao gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lựa chọn mua hiện vật bồi dưỡng cho người lao động (chủ yếu là mua đường, sữa), trong khi một bộ phận công nhân lao động không có nhu cầu sử dụng hoặc không sử dụng được hiện vật bồi dưỡng như đường, sửa.. nhưng doanh nghiệp vẫn buộc người lao động phải nhận vì nếu trả bằng tiền sẽ vi phạm quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Danh  mục nghề công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hiện nay còn được quy định trong nhiều văn bản khác nhau, cần tích hợp trong một văn bản thống nhất để tiện cho người sử dụng lao động và người lao động tra cứu, áp dụng. Đồng thời, kiến nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có kế hoạch chỉ đạo riêng về công tác an toàn, vệ sinh lao động, xác định nhiệm vụ trọng tâm, thống nhất trong thực hiện của các cấp Công đoàn...
Mỹ Hạnh
 
Từ khóa: