Liên kết vùng là động lực để phát huy thế mạnh địa phương
(LĐXH)- Trong bối cảnh thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, việc tìm kiếm những không gian phát triển ở cấp vùng sẽ giúp tạo thêm động lực cho phát triển vùng cũng như kinh tế ở từng địa phương. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, việc tháo gỡ khó khăn để liên kết vùng, tạo thành chuỗi giá trị là yêu cầu quan trọng đặt ra trong xây dựng nông thôn mới bền vững.
Ngày 3/8/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh doanh tổ chức Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa phương.
Tham dự Diễn đàn có lãnh đạo Liên minh HTX Việt Nam, cùng đại diện các Bộ, ngành, địa phương, các đại biểu là đại diện Liên minh HTX, HTX, doanh nghiệp (DN) các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh phát biểu tại Diễn đàn: Tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 30.425 HTX và 120.983 tổ hợp tác (THT), trong đó có 76.456 THT nông nghiệp. Việc liên kết vùng sẽ giúp các HTX, THT hoạt động hiệu quả hơn, lợi thế hơn nhờ quy mô.
Năm 2022, lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh phát biểu khai mạc Diễn đàn.
Tuy nhiên, trên thực tế, liên kết vùng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kinh tế - xã hội các vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quy mô kinh tế còn nhỏ, các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp, chưa tạo được tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững hơn nữa. Liên kết vùng dù là câu chuyện đã được nói đến rất nhiều, nhưng thực tế vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, thách thức. Các vùng trên cả nước nói chung đều thiếu các cơ chế, chính sách phát triển liên kết vùng, nhất là trong hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Sự hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong vùng mới mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu ra 3 nhóm cơ hội và thách thức chính.
Thứ nhất, bối cảnh hội nhập quốc tế đang đặt ra những cơ hội, thách thức mới đối với thúc đẩy liên kết vùng. Kinh tế thế giới được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng còn không ít bất định, thậm chí cả các diễn biến khó lường. Trong khi đó, việc Việt Nam tham gia rất tích cực vào quá trình hội nhập quốc tế, và việc tham gia liên kết khu vực và quốc tế chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hình thức liên kết kinh tế mới, kể cả với các đối tác nước ngoài, qua đó giúp có thêm tăng cơ hội cho các địa phương, DN trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu. Điều này sẽ có tác động không nhỏ tới hoạt động phối hợp giữa các chính quyền địa phương trong vùng.
Dưới tác động tiêu cực của hội nhập, cùng với đặc điểm nền kinh tế còn phát triển manh mún, sản xuất nhỏ lẻ, thiếu liên kết,… đòi hỏi các vùng ở Việt Nam phải có những điều chỉnh thích ứng, đặc biệt là thay đổi về phương thức sản xuất kinh doanh cũ, sản xuất khép kín sang phương thức sản xuất chuỗi liên kết, tận dụng lợi thế nhờ quy mô kinh tế.
Theo đó, Viện trưởng CIEM khuyến nghị, các DN, HTX cũng phải tư duy và chuyển đổi mạnh mẽ hơn, theo hướng tăng cường hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp ở các địa phương khác trong vùng. Hội nhập cũng buộc từng địa phương và từng vùng ở Việt Nam phải hiểu rõ thế mạnh, tiềm năng, sự khác biệt của từng vùng, phải có sự sắp xếp, phân công lao động hợp lý trong từng vùng.
Nhóm cơ hội và thách thức thứ hai được TS. Trần Thị Hồng Minh đưa ra đó là thể chế hình thành và thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Cho đến năm 2021, các đánh giá vẫn cho thấy, một thách thức cản trở sự phát triển của các vùng nói chung và liên kết vùng nói riêng chính là thiếu các thể chế đủ mạnh.
Quang cảnh Diễn đàn
Thêm vào đó, bối cảnh đại dịch COVID-19 cũng đặt ra thêm khó khăn, thách thức cho việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy liên kết vùng. Về nguồn lực, ngân sách Nhà nước đang gặp nhiều khó khăn, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế chậm lại, các nguồn thu ngân sách sụt giảm trong khi nhu cầu chi ngân sách tăng cao.
Do vậy, nếu thiếu ưu tiên đúng mức cho việc bố trí nguồn lực cho các chương trình, dự án liên kết vùng gắn với các tiêu chí phân bổ và đánh giá cụ thể, khả thi, thì các chương trình, dự án này có thể chậm triển khai, thậm chí không triển khai được như mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Cuối cùng, Viện trưởng Viện CIEM chỉ ra, biến đổi khí hậu không còn là dự báo mà đang diễn ra ngày càng sâu rộng và gay gắt, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng ở mỗi vùng là khác nhau. Bối cảnh đó đã đặt ra cho Việt Nam nhiều thách thức và đây là vấn đề lớn, đa ngành nên đòi hỏi Việt Nam cần có cơ chế, cách thức quản trị vùng một cách hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng vùng. Cần lưu ý, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cả vùng, không riêng địa phương nào, do đó đòi hỏi sự chung tay, phối hợp của các chính quyền địa phương.
Việc tổ chức được các mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn ở cấp vùng sẽ bảo đảm nguồn lực “quay vòng” và “khép kín” hơn ở từng vùng, qua đó giúp bảo đảm nguồn đầu vào hiệu quả cho quá trình sản xuất, và thể hiện tư duy hợp tác cùng phát triển kinh tế và giảm thiểu tác hại đối với môi trường.
Bà Lê Thị Tâm, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Ninh Bình cho biết, tỉnh xác định 3 trụ cột chính phát triển kinh tế là du lịch, công nghiệp công nghệ cao và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững. Riêng lĩnh vực nông nghiệp, với 496 HTX, trong đó có khoảng 60 HTX sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đây là những mô hình quan trọng cần được nhân rộng để liên kết, phát huy thế mạnh của các hợp tác xã. Tuy nhiên, việc liên kết với các DN, các HTX của các địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói cung còn nhiều hạn chế.
Với các HTX hiện nay vấn đề liên kết còn rất yếu. Rất cần các cấp, các ngành, các tổ chức hỗ trợ, tạo điều kiện để HTX có thể tạo được các chuỗi giá trị. Thực tế cái yếu của HTX là vấn đề liên kết đã nói rất nhiều, từ việc tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn đến chế biến sâu đến khâu tiêu thụ.
Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Bộ NN&PTNT: Trên cơ sở tổ chức lại các HTX, các chuỗi giá trị sẽ giúp chúng ta hình thành nền nông nghiệp hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh. Nền nông nghiệp chỉ có thể phát triển bền vững, dựa trên liên kết giữa các chủ thể, trong đó đặc biệt là các tổ chức nông dân và sự hợp tác của khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân ./.
Thảo Lan
Từ khóa:
Tạp chí Kinh doanh
Diễn đàn Liên kết vùng trong phát triển kinh tế để phát huy thế mạnh địa ph
liên kết vùng
-
Màu của năm 2025 “Vàng Khởi Sắc” - Bước ra khỏi vùng an toàn để bứt phá
22-11-2024 18:20 55
-
SLP Park Long Hậu nhận Giải thưởng Dự án Bất động sản công nghiệp xuất sắc nhất
22-11-2024 18:20 53
-
AEON Việt Nam 2 năm liền dẫn đầu nơi làm việc tốt nhất ngành bán lẻ
21-11-2024 17:39 08
-
Dulux Professional đánh dấu năm thứ 8 đồng hành và thúc đẩy phát triển bền vững cùng giải thưởng BĐS Việt Nam PropertyGuru
18-11-2024 22:41 33
-
Dai-ichi Life Việt Nam vinh dự đạt danh hiệu “Doanh nghiệp vì cộng đồng - Saigon Times CSR” lần thứ 6 liên tiếp
18-11-2024 22:41 23
-
Tăng cường quảng bá các sản phẩm thiết kế thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Thủ đô
15-11-2024 05:17 22