Kinh tế
Lộ diện những công ty chứng khoán lãi nghìn tỷ năm 2024
02:33 PM 23/01/2025
(LĐXH) - Trong gần 80 công ty chứng khoán trên toàn thị trường, có 7 doanh nghiệp ghi nhận mức lãi trên nghìn tỷ đồng cả năm 2024, hầu hết đều tăng trưởng hai chữ số so với năm trước đó.

Bức tranh kết quả kinh doanh ngành chứng khoán quý IV cũng như cả năm 2024 đã gần như hoàn thiện. Cập nhật đến ngày 22/1, có 76 công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính.

Theo thống kê, có 7 công ty chứng khoán ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế cả năm trên nghìn tỷ đồng. Những công ty này hầu hết ghi nhận tăng trưởng hai chữ số so với năm 2023, trừ VNDirect chứng kiến mức giảm 16%.

Trong đó, Chứng khoán Techcombank (Mã: TCBS) là quán quân lợi nhuận với mức lãi trước thuế 4.802 tỷ đồng, tăng trưởng 59% so với năm 2023 và vượt 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tại ngày 31/12/2024, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) lần lượt ở mức 15% và 8%, tiếp tục cải thiện so với cuối năm 2023.

TCBS cho biết, công ty đã thu hút hơn 35.000 khách hàng mới giao dịch cổ phiếu trong năm 2024. Đặc biệt, giá trị giao dịch trung bình trên mỗi khách hàng tăng 21% so với năm trước. 

Năm 2024 có hơn 107.000 tài khoản được mở mới trên TCInvest, nâng tổng lũy kế khách hàng cá nhân tại TCBS hơn 1 triệu khách hàng. Trung bình mỗi tháng có khoảng 16,6 triệu lượt truy cập của khách hàng vào hệ thống TCInvest.

Nguồn: TCBS.

Lũy kế năm 2024, TCBS đạt hơn 2.500 tỷ đồng thu nhập thuần từ mảng cho vay ký quỹ và ứng trước tiền bán, tăng 65% so với năm 2023. Trong khi đó, mảng ngân hàng đầu tư ghi nhận doanh thu 1.341 tỷ, tăng 31%.

Năm vừa qua, TCBS tiếp tục tham gia vào các thương vụ thu xếp vốn và tư vấn giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp. Lũy kế cả năm 2024, tổng khối lượng tư vấn phát hành của TCBS đạt gần 75.000 tỷ đồng, tiếp tục nắm giữ vị trí số 1 về thị phần tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 46% (ngoại trừ trái phiếu ngân hàng).

Nguồn: TCBS.

Trở lại với danh sách top những công ty chứng khoán lãi nghìn tỷ đồng năm 2024, cái tên ghi nhận lợi nhuận trước thuế đột biến là Chứng khoán VPS (Mã: VPS) với 3.157 tỷ đồng, tăng tới 279%, cao nhất trong nhóm được thống kê.

Kết quả này có được là nhờ trong quý IV/2024 kinh doanh hiệu quả với lợi nhuận trước thuế 1.052 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp doanh thu chủ đạo của công ty đến từ mảng môi giới và cho vay ký quỹ. Đồng thời, công ty lại tiết giảm đến 43% chi phí hoạt động, chủ yếu nhờ giảm mạnh 90% phần lỗ tài sản tài chính FVTPL, đồng thời giảm 22% chi phí hoạt động môi giới giúp VPS có một quý kinh doanh thăng hoa.

Kết quả trái ngược là mảng môi giới của VPS cho thấy sự kém hiệu quả hơn khi chỉ lãi trên 93 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm trước. Thực tế cho thấy, thị phần môi giới quý IV của của công ty chứng khoán này suy giảm trên nhiều "mặt trận" so với quý III liền trước.

Cụ thể, VPS giảm thị phần môi giới cổ phiếu trên HOSE từ 17,63% về 16,45%, trên HNX từ 21,18% còn 18,12%, UPCoM từ 30,77% còn 20,64% và phái sinh giảm từ 58,92% về 55,84%.

Danh sách 7 công ty chứng khoán lãi trên nghìn tỷ còn ghi nhận nhiều cái tên quen thuộc khác như Chứng khoán SSI (Mã: SSI) với lợi nhuận trước thuế 3.353 tỷ đồng (tăng 24%), xếp vị trí á quân. VNDirect (Mã: VND) lãi 2.088 tỷ (giảm 16%), Chứng khoán HSC (Mã: HSC) lãi 1.296 tỷ (tăng 54%), Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (Mã: SHS) với mức lãi 1.235 tỷ (tăng 81%) và xếp cuối là mức 1.089 tỷ của. Chứng khoán Vietcap (Mã: VCI) (tăng 91%).

Nguồn: Tổng hợp từ báo cáo tài chính.

Tuy nhiên ở chiều ngược lại, bức tranh cũng ghi nhận nhiều công ty chứng khoán thua lỗ. Mức lỗ nặng nhất phải kể đến Chứng khoán APG với mức lỗ trước thuế hơn 149 tỷ đồng, trong khi cũng kỳ có lãi 140 tỷ.

Nguyên nhân là do hai quý cuối năm công ty này thua lỗ, tác nhân chính đến từ mảng tự doanh không hiệu quả. Riêng trong quý IV, APG chỉ ghi nhận doanh thu hoạt động chưa đến 10 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm trước đó. Trong kỳ, toàn bộ các mảng có đóng góp doanh thu đều suy giảm, trừ lưu ký chứng khoán.

Trong bối cảnh đó, APG còn phải “gồng” khoản lỗ tài sản tài chính hơn 48 tỷ đồng, đồng thời chi phí tài chính tăng mạnh từ 1,3 tỷ đồng lên 12,5 tỷ đồng. Sau cùng, công ty “ngậm ngùi” lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, đẩy mức lỗ cả năm lên hơn 149 tỷ đồng.

Một số công ty khác cũng thua lỗ cả năm như Chứng khoán SBS (lỗ 71 tỷ), Chứng khoán TVSI (lỗ 70 tỷ), Chứng khoán CVS (lỗ 27 tỷ), Chứng khoán BOS (lỗ 21 tỷ), Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam - CSI (lỗ 14 tỷ), Chứng khoán APS (lỗ 12 tỷ).

Minh Hằng