Lời giải nào cho bài toán việc làm, sinh kế cho người cao tuổi?
Bài 3: Cần sớm xây dựng và thực hiện chính sách về việc làm, hỗ trợ sinh kế cho người cao tuổi
(LĐXH) Người cao tuổi (NCT) không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực này một cách hiệu quả. Để làm được điều đó rất cần sự ủng hộ và tạo điều kiện của gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động về việc làm, sinh kế đối với NCT.
(LĐXH) Người cao tuổi (NCT) không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cần quan tâm tạo cơ chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực này một cách hiệu quả. Để làm được điều đó rất cần sự ủng hộ và tạo điều kiện của gia đình, cộng đồng và doanh nghiệp, đặc biệt là vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động về việc làm, sinh kế đối với NCT.
Đổi mới hoạt động truyền thông về vị trí, vai trò và vấn đề việc làm, sinh kế đối với người cao tuổi
Cách tiếp cận tạo sinh kế bền vững cho NCT là cách phân tích toàn diện về phát triển nhằm đảm bảo sinh kế, tạo thu nhập cho NCT. Để giải quyết được những vấn đề liên quan đến hoạt động sinh kế cho NCT hiện nay, cần sự kết hợp của nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, xã hội/văn hóa, chính sách, tài nguyên, nông nghiệp, lâm nghiệp… Chỉ khi nghiên cứu đưa ra được những mối liên hệ bản chất giữa các yếu tố tạo nên hoạt động sinh kế của một cộng đồng, nhóm NCT nào đó thì mới có thể đề xuất các giải pháp cho hoạt động sinh kế bền vững, tạo thu nhập hiệu quả hơn cho nhóm lao động này.
Theo TS Nguyễn Ngọc Toản, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bản thân NCT có nhu cầu có việc làm và rất mong muốn được tiếp tục làm việc. Hệ thống chính sách pháp luật của nước ta thừa nhận quyền làm việc của mọi công dân, trong đó có NCT. Lợi ích về mặt xã hội cũng đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy việc làm cho NCT, tuy nhiên chính sách về việc làm đối với NCT vẫn còn hạn chế, chưa có nhiều chính sách thúc đẩy việc làm, cung cấp thêm nhiều cơ hội việc làm cho NCT, nếu có thì mới chỉ ở qui mô nhỏ. Trong khi đó hoạt động truyền thông chưa thể hiện rõ nét vị trí, vai trò của NCT cũng như ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề hỗ trợ việc làm, sinh kế đối với NCT; mới chủ yếu tập trung tuyên truyền về chủ trương, chính sách, chưa chú trọng tuyên truyền sâu rộng, quyết liệt về nâng cao nhận thức, ưu tiên bố trí nguồn lực cho vấn đề tạo mở việc làm, hỗ trợ sinh kế cho NCT.
công tác chăm sóc và thực hiện các chính sách đối với người cao tuổi trong bối cảnh già hóa dân số.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng truyền thông về phát huy vai trò của NCT; về công tác chăm sóc và thực hiện các chính sách đối với NCT trong bối cảnh già hóa dân số, nhất là chính sách hỗ trợ sinh kế, nâng cao thu nhập cho NCT; chú trọng hơn vào việc truyền thông về các mô hình, tấm gương NCT làm kinh tế giỏi, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo cao tuổi có nhiều cống hiến, đóng góp cho xã hội và cộng đồng. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyên truyền về các giải pháp phát huy vai trò và lợi thế của NCT, qua đó tăng cơ hội việc làm cho NCT theo nhu cầu thị trường lao động. Tuyên truyền, nhắc nhở thế hệ trẻ về vai trò của người cao tuổi không phải chỉ để chăm sóc trẻ em, làm giúp việc nhà mà họ có thể tham gia vào việc làm kiếm thu nhập nếu họ muốn. Chính vì vậy, bản thân NCT, gia đình họ, cộng đồng và xã hội cần thay đổi quan niệm về việc làm đối với NCT, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội để họ đảm bảo sinh kế và thu nhập cho bản thân và gia đình.
Đồng thời tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống các chính sách sử dụng lao động là NCT, lấy hiệu quả làm việc là tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong sử dụng và đãi ngộ lao động.
Để có thể tiến đến một xã hội “già hóa thành công”, trong hoạt động truyền thông đầu tiên chúng ta cần thay đổi nhận thức của toàn xã hội coi NCT là tài sản thay vì là gánh nặng xã hội, truyền thông để thay đổi suy nghĩ khá phổ biến hiện nay là coi NCT như những người thụ hưởng các dịch vụ xã hội thụ động, coi NCT là những người già yếu, là gánh nặng hoặc phụ thuộc, sau đó mới định hướng việc chuẩn bị, và chuẩn bị ngay từ hôm nay. Mỗi người dân phải vận động và có ý thức chuẩn bị cho tuổi già của mình ngay từ khi còn trẻ, về cả thu nhập, sức khỏe và đời sống xã hội. Chúng ta không thể trông chờ vào Nhà nước để đảm bảo cuộc sống tuổi già mà trước tiên mỗi người phải tự đảm bảo cho chính mình.
Tạo thuận lợi cho người cao tuổi tiếp cận và hiện thực hóa các cơ hội việc làm
TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Ths. Trương Thị Ly, Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Công Đoàn cho rằng, cần phải thiết lập các trung tâm giới thiệu việc làm cho lao động cao tuổi để họ tiếp cận và nhận được sự hỗ trợ tìm việc làm. Đảm bảo môi trường làm việc thuận lợi và bình đẳng cho NCT. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ tạo việc làm thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; lồng ghép chính sách việc làm cho NCT trong các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, hướng tới tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm phù hợp với NCT tại cơ sở; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động dịch vụ việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho NCT sử dụng và tiếp cận.
Cần thực hiện lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu bắt buộc đối với cả nam và nữ. Đây là một giải pháp bắt buộc trong bối cảnh già hóa NCT có xu hướng gia tăng. Điều này sẽ đảm bảo cơ chế thu nhập và ổn định cuộc sống cho NCT trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là người cao tuổi nữ.
Cùng với đó cần tạo thuận lợi cho NCT tiếp cận vốn tín dụng để phục vụ kinh doanh. Triển khai có hiệu quả, chất lượng tín dụng ưu đãi, đảm bảo cho những NCT có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn tín dụng ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời cần đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà nước đến NCT; hướng dẫn cho họ sử dụng vốn vay đúng mục đích, đảm bảo sự quản lý, giám sát thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đúng đối tượng NCT. Cung cấp cơ hội đào tạo lại cho NCT để họ được nâng cao tay nghề và kỹ năng mới, giúp họ khả năng cạnh tranh trong tìm việc làm ở thị trường lao động mới, từ đó đảm bảo thu nhập cho chính họ.
Thực hiện vận động xã hội ủng hộ việc chống kỳ thị lao động cao tuổi trong việc làm và ban hành quy định pháp lý cụ thể để chống lại sự phân biệt theo tuổi. Từ đó tạo điều kiện cho NCT được tiếp tục tham gia vào thị trường lao động và đảm bảo sinh kế cho bản thân và gia đình, góp phần giảm gánh nặng cho hệ thống an sinh xã hội.
Phát triển hệ thống chăm sóc sức khoẻ NCT, đảm bảo cho họ được tiếp cận với các dịch vụ về sức khoẻ, bảo vệ sức khỏe, từ đó tạo nền tảng vững chắc để NCT có thể tiếp tục lao động, đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho bản thân và gia đình.
Còn theo TS. Nguyễn Hải Hữu, để chủ động thích ứng với tuổi già, Nhà nước cần có chính sách tích lũy bắt buộc ngay từ khi còn trẻ để bảo đảm cho tuổi già và chính sách hỗ trợ tham gia hoạt động sinh kế khi trở thành NCT nhưng còn điều kiện về sức khỏe để bảo đảm về thu nhập và khả năng sống độc lập, phòng ngừa nguy cơ bị bỏ mặc, ngược đãi, bạo lực.
họ là những người có kinh nghiệm và các kỹ năng để làm việc tốt nhất.
Đối với nhóm NCT còn khả năng tham gia hoạt động kinh tế, cần có thu nhập để bảo đảm cuộc sống và thực hiện quyền sống độc lập, như NCT thu nhập thấp, NCT thuộc diện nghèo sống độc lập, NCT cư trú ở các xã đặc biệt khó khăn…, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về sinh kế cụ thể cho họ và cần có sự ưu tiên, khác biệt giữa chính sách hỗ trợ về sinh kế đối với NCT với chính sách hỗ trợ sinh kế đối với người dân có độ tuổi thấp hơn độ tuổi của NCT. Chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đặc biệt khó khăn khác với chính sách hỗ trợ sinh kế cho NCT ở vùng đồng bằng và thành thị, các chính sách cụ thể bao gồm: Chính sách vay vốn với lãi suất ưu đãi, không phải thế chấp tài sản và có sự bảo lãnh của Hội người cao tuổi cấp xã để sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ; Chính sách miễn giảm phí học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp với tình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú; Chính sách miễn giảm phí tham gia các khóa học về khuyến nông - khuyến lâm- khuyến ngư để nâng cao nhận thức - kỹ năng sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế của địa phương nơi NCT cư trú; Chính sách miễn giảm phí chuyển giao công nghệ, và khuyến khích hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ mới trong sản xuất- kinh doanh; Chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm thông qua việc quảng bá, bao tiêu sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩn xanh – sạch - an toàn; Chính sách bảo hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trong trường hợp họ gặp rủi ro, đặc biệt là rủi ro do thiên tai, dịch bệnh thông qua chính sách trợ cấp bù đắp thiệt hại; Chính sách ưu tiên trong giao đất sản xuất nông nghiệp ở những địa điểm thuận lợi, dễ tiếp cận…
Sự chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng già hóa, tăng tỷ lệ NCT sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động, giải quyết việc làm, tiết kiệm, đầu tư, an sinh xã hội..., đặt ra những thách thức mới trong phát triển kinh tế - xã hội và nếu không được quan tâm giải quyết kịp thời sẽ tạo ra những hệ quả không chỉ đối với chất lượng dân số mà cả sự phát triển nói chung.
Thảo Lan
Từ khóa:
-
Lào Cai: Hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tiếp thông tin, giảm nghèo hiệu quả
25-07-2024 20:54 43
-
An Giang: Những đề xuất bổ sung chế độ, chính sách ưu đãi nhằm chăm lo tốt hơn đối với người có công
12-12-2024 13:11 23
-
Lan tỏa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên quê hương miền Tây An Giang
31-12-2024 10:50 43
-
An Giang: Đa dạng các hoạt động truyền thông thúc đẩy công tác bình đẳng giới
11-12-2024 16:15 34
-
An Giang: Tăng cường phối hợp thực hiện phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới
13-12-2024 15:26 25
-
Phát huy bình đẳng giới trong một số cơ quan, đơn vị ở An Giang
12-12-2024 14:22 48