Gameshow Việt và “lời nguyền” chỉ hot mùa đầu
Gameshow là “món ăn” thú vị của làng giải trí. Thông qua các gameshow, nghệ sĩ, người nổi tiếng, người có tài năng không chỉ được bộc lộ khả năng của mình mà còn đem đến cho khán giả góc nhìn mới mẻ về chính người chơi.
Sức hút của gameshow được thể hiện qua việc loại hình chương trình này bùng nổ trên truyền hình. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể kể tới hàng chục chương trình đình đám với nhiều lĩnh vực.
Gameshow về ca nhạc chiếm số lượng nhiều nhất như: Vietnam Idol, Ca sĩ bí ẩn, Ca sĩ mặt nạ, Rap Việt, Cassette hoài niệm, Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai...
Những gameshow trải nghiệm, du lịch như: Hành trình rực rỡ, 2 ngày 1 đêm, Nếm cả thế gian, Du lịch và cuộc sống...
Những gameshow về hẹn hò: Tình yêu muôn màu, Bạn muốn hẹn hò, Người ấy là ai, Tỏ tình hoàn mỹ...
Tuy nhiên, dường như gameshow Việt đang vướng phải một “lời nguyền” vì đa phần các gameshow đều rơi vào tình trạng mùa đầu tiên rất rực rỡ, thu hút được nhiều sự quan tâm từ khán giả nhưng các mùa sau đó lại không còn sức hút, thậm chí “chết yểu” sau vài mùa ra mắt khán giả.
Không khó để chỉ ra, hàng loạt gameshow từng gây xôn xao làng giải trí khi lên sóng mùa đầu tiên như: Ca sĩ mặt nạ, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng, Bạn muốn hẹn hò, Người ấy là ai… Tuy nhiên, đến mùa tiếp theo, các gameshow nói trên “hạ nhiệt” thấy rõ. Thậm chí, không ít khán giả bỏ theo dõi chương trình chỉ sau một vài số đầu của mùa hai.
Những gameshow từng rất hot như Rap Việt, The Voice, Vietnam Idol cũng dần “biến mất” sau 4, 5 mùa lên sóng. Rất hiếm gameshow giữ được lượng khán giả ổn định như Ơn giời cậu đây rồi hay Ai là triệu phú.
Thực tế này khiến không ít khán giả tiếc nuối còn các nhà sản xuất gameshow thì “đau đầu”. Rõ ràng, xây dựng được một gameshow không hề dễ dàng, cần có sự đầu tư mạnh tay cả về công sức, tiền bạc mới có thể đưa gameshow lên sóng. Song, thời gian tỏa sáng của mỗi chương trình quá ngắn, chỉ một, hai mùa lên sóng rồi tắt hào quang và “chết yểu” sẽ khiến các NSX nhụt chí và phải đối diện với những thiệt hại cả về tài chính, uy tín.
Với khán giả, việc họ yêu mến một chương trình nhưng mùa sau, chương trình đó lại không đủ sức giữ chân họ cũng sẽ gây ra tâm lý hoài nghi, thất vọng.
Nguyên nhân khiến gameshow Việt “đầu voi đuôi chuột”
Việc gameshow Việt “đầu voi đuôi chuột”, chỉ hot mùa đầu còn các mùa sau hạ nhiệt và “chết yểu” dường như đã khá quen thuộc. Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến hiện trạng này là do NSX không giữ được sự mới mẻ cho sản phẩm của mình.
Mỗi chương trình ra mắt khán giả, sức hút lớn nhất với khán giả chính là sự mới mẻ, thú vị. Nhưng các yếu tố này lại dễ mất đi khi chương trình lên sóng tới mùa hai, mùa ba… vì format chương trình đã đi vào lối mòn, không còn đem lại sự tò mò, phấn khích bất ngờ cho người xem.
Với các gameshow tìm kiếm tài năng, yếu tố then chốt để giữ độ hot chính là dàn giám khảo và các thí sinh chất lượng. Nếu dàn giám khảo là “bộ mặt” của chương trình thì các thí sinh chính là yếu tố bất ngờ, mới mẻ cho mỗi mùa lên sóng. Tuy nhiên, để giữ được cả hai yếu tố nói trên qua nhiều mùa lên sóng là điều thực sự khó khăn với NSX các gameshow.
Từng “làm mưa làm gió” trong làng giải trí Việt nhưng The Voice đã “hạ nhiệt” rất nhanh sau khi liên tục thay thế các giám khảo của chương trình. Thêm vào đó, các thí sinh của những mùa sau không còn được chất lượng, đột phá như những mùa đầu nên khán giả của The Voice dần mất đi sự hứng thú với chương trình.
Rap Việt cũng từng được xem là “ông lớn” ngay trong mùa đầu tiên nhưng sang mùa hai, dù đã có sự đổi mới bằng cách hoán đổi vai trò HLV - giám khảo của LK – Rhymastic nhưng vẫn không đủ thu hút người xem.
Gần đây nhất, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mùa đầu để lại ấn tượng mạnh cho khán giả nhưng sang mùa tiếp theo lại hết sức nhạt nhòa. Lý giải về điều này, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long nhận định gameshow Chị đẹp đạp gió rẽ sóng đã không đáp ứng được kỳ vọng từ khán giả.
“Khi mùa đầu đạt được kỳ vọng lớn, khán giả mong đợi nhiều điều mới mẻ, hấp dẫn hơn ở mùa tiếp theo. Một chương trình phụ thuộc rất nhiều vào sức hút của dàn khách mời và câu chuyện mà họ mang lại. Nếu nhân vật tham gia không đủ nổi bật hoặc không tạo được những khoảnh khắc thú vị, chương trình khó giữ chân khán giả qua từng tập", chuyên gia chia sẻ trên Tiền phong.
Ngoài yếu tố thiếu sự đổi mới, thí sinh tham gia chương trình cũng dần nhạt nhòa, các gameshow còn phải cạnh tranh với các chương trình khác. Việc gameshow nở rộ cả về số lượng, lĩnh vực và sự đầu tư đem đến mảng màu sáng cho làng giải trí nhưng cũng sẽ là thử thách đối với chính các gameshow đang phát sóng.
Chia sẻ trên Tiền phong, NSX âm nhạc Đoàn Minh Vũ nhận định mỗi gameshow không chỉ cần tự đổi mới mà còn phải tính toán đến sự cạnh tranh của các “đối thủ”: "Đây thường là vấn đề đau đầu nhất mỗi khi nhà sản xuất âm nhạc và ê-kíp khởi động một show. Ngoài ra, chúng tôi cần quan tâm đến các show phát sóng cùng thời điểm, từ đó có sự tính toán, cân đối mọi thứ cẩn thận".
Không khó để nhận thấy, ở thời điểm hiện tại, sự thu hút của khán giả đều đổ dồn vào hai gameshow lớn là Anh trai vượt ngàn chông gai và Anh trai say hi, điều này khiến lượng người theo dõi các gameshow còn lại đương nhiên bị giảm đi.
Như vậy, để giữ chân khán giả và thoát khỏi “lời nguyền mùa một”, các NSX gameshow cần nhiều sự sáng tạo, đột phá hơn nữa để tự làm mới bản thân và đủ sức cạnh tranh với các chương trình khác.
An Nguyên
-
Vé show 'Anh trai vượt ngàn chông gai' đêm 3 - 4: Vừa mở bán website đã quá tải
21-01-2025 14:54 06
-
‘Lời nguyền’ game show Việt: Mùa đầu rực rỡ, mùa sau giảm nhiệt
21-01-2025 11:22 19
-
'Choáng' với bộ sưu tập túi lên đến hàng chục tỷ đồng của Lệ Quyên
20-01-2025 16:18 39
-
Nhật Kim Anh hạ sinh tiểu công chúa ở tuổi 40
18-01-2025 09:24 12
-
Dương Trạch Kỳ trở về an toàn sau một tháng mất tích
17-01-2025 17:44 12
-
Giỏ quà Tết truyền thống và hiện đại đắt hàng ngày cận Tết
17-01-2025 15:50 00