Xã hội
Lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
09:37 AM 24/11/2019
(LĐXH) - Ngày 23/11, do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội nghị về “Chính sách phát triển toàn diện trẻ em”. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và một số Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan…
Phó Chủ tịch Thường trực quốc hội phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh việc Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã phối hợp với UNICEF tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá về tình hình trẻ em trong cả nước, đặc biệt với các nhóm DTTS, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, đã trực tiếp khảo sát tại 3 tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Điện Biên để có tư liệu từ thực tiễn, nhìn nhận khách quan và đặt ra những vấn đề cùng phối hợp nghiên cứu trong thời gian tới.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, cả nước đã thực hiện tốt Tháng hành động vì trẻ em. Việt Nam đã phấn đấu đạt các mục tiêu Thiên niên kỷ về xóa đói, giảm nghèo, trong đó có những vấn đề liên quan đến trẻ em, thể hiện sự quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em như Công ước của Liên Hợp quốc, đề cao vai trò của gia đình, trách nhiệm của xã hội với quyết tâm không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó, có trách nhiệm của việc tổ chức thực hiện.

 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hội nghị cần xác định rõ thực trạng, nguyên nhân tồn tại, hạn chế; đề xuất những giải pháp hữu hiệu để giải quyết những vấn đề tồn tại của trẻ em, bảo đảm nguyên tắc dành những gì tốt nhất cho trẻ em; góp phần tạo ra môi trường an toàn, thân thiện, bình đẳng, công bằng, không phân biệt đối xử với quyết tâm không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau.

Bộ Trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị đưa chỉ tiêu trẻ em vào Chương trình nghị sự phát triển đến năm 2030

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, sau hai năm Luật trẻ em được ban hành và có hiệu lực, việc thực hiện quyền trẻ em đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt trong công tác quản lý nhà nước về trẻ em. Công tác xây dựng pháp luật, chính sách phù hợp với các quyền trẻ em đã được Chính phủ, các bộ, các ngành triển khai thực hiện trên các lĩnh vực bảo vệ trẻ em, trợ giúp xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thông tin và tư pháp. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành pháp luật, chính sách về trẻ em để tương thích với quy định của Luật trẻ em là khâu quan trọng để hoàn thiện thể chế, tạo môi trường pháp lý và hành chính thuận lợi thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em, đáp ứng nhu cầu của trẻ em trong tình hình mới.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung ưu tiên giải quyết các vấn đề, vụ việc về trẻ em như bạo lực, xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích ở trẻ em. Để các quyền trẻ em được bảo đảm thực hiện, đáp ứng, các vấn đề trẻ em được giải quyết một cách tích cực và bền vững, trong năm 2020 và trong giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị tập trung nhóm giải pháp cơ bản, trong đó: Khẩn trương đưa các mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025. Đặt các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào trọng tâm của việc thực hiện các mục tiêu của Chương trình nghị sự vì phát triển bền vững đến năm 2030...

Tại hội nghị, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ: Qua 3 thập kỷ từ khi Công ước được phê chuẩn, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng hơn nữa vào các nguyên tắc hướng dẫn của Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam tin rằng, các nguyên tắc hướng dẫn sẽ bảo đảm giúp Việt Nam thực hiện đúng lời hứa với trẻ em trong 30 năm tới. Theo bà Rana Flowers, Quốc hội đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thúc đẩy thực thi quyền trẻ em, yêu cầu và giám sát khi luật pháp đã được ban hành...

Hội nghị ghi nhận nhiều thảo luận, đề xuất các giải pháp liên quan đến trẻ em

Các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp liên quan đến chính sách phát triển toàn diện trẻ em từ 0 – 8 tuổi; chính sách phát triển toàn diện đối với người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển toàn diện trẻ em… Đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp lồng ghép chỉ tiêu về trẻ em trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội – thực trạng và định hướng cho giai đoạn 2021 – 2030; phân bổ ngân sách thực hiện quyền trẻ em – thực trạng và định hướng; phân bổ ngân sách Nhà nước cho lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…

Trần Huyền (TH)

Từ khóa: