Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài: Nhiều nội dung sẽ phải sửa đổi toàn diện
(LĐXH)- Đây là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh tại cuộc họp Ban soạn thảo Dự án xây dựng Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tổ chức chiều 14/2.
Tham dự có đại diện các Bộ, ngành liên quan gồm: Văn phòng Chính phủ, Bộ ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội xuất khẩu lao động…
Luật mới phải thích ứng với thị trường lao động
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cá nhân ông được giao trách nhiệm cùng Ban soạn thảo xây dựng Dự án Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) để trình Chính phủ, sau đó sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 4 và dự kiến sẽ đưa ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để thảo luận.
Tại cuộc họp, ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động – TBXH), cho biết: Dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các Nghị quyết của Trung ương, Văn kiện Đại hội Đảng cũng như các Chỉ thị của Bộ Chính trị trong điều kiện lực lượng lao đông trong nước dồi dào, tình trạng thiếu việc làm ở nông thôn khá phổ biến, khả năng tạo việc làm trong nước còn hạn chế thì hoạt động đưa người lao động ra nước ngoài làm việc là một chủ trương nhất quán và quan trọng, lâu dài, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo và đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quan điểm chỉ đạo khi xây dựng Luật, thứ nhất là, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo mọi hình thức đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đều được điều chỉnh trong Luật. Hai là, hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động , đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Ba là đảm bảo điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đủ để lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực về cơ sở vật chất, nhân lực và tài chính trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động. Bốn là đơn giản hóa thủ tục hành chính, công khai minh bạch về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đối với hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đồng thời, đảm bao sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật", ông Tống Hải Nam cho biết.
Tại cuộc họp, đại biểu các Bộ, ngành đã thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật, nâng cao chất lượng doanh nghiệp và chất lượng nguồn lao động đưa đi, các vấn đề về bảo vệ quyền lợi cho người lao động, công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài…
Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: cho biết: Tất cả các ý kiến góp ý sẽ được Bộ Lao động – TBXH tiếp thu và sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan và tổ biên tập hoàn thiện Tờ trình Dự án Luật.
Về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị: Hiện nay, ngoài đối tượng điều chỉnh toàn diện trong Dự án Luật thì những đối tượng có thể áp dụng môt số điểm của Luật này và những luật khác liên quan như lao động đường biên hay các loại hình hợp tác lao động ngắn hạn giữa các địa phương mà chúng ta đang thí điểm… cũng cần nghiên cứu đưa vào, trong đó phải làm rõ trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan và các địa phương…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Về thủ tục, phải rất đơn giản với người lao động. Cởi mở với người lao động, nhưng phải chặt chẽ với doanh nghiệp. Chặt chẽ không phải là "bó" doanh nghiệp mà phải công khai, minh bạch, thậm chí cấp thủ tục không cần gặp trực tiếp mà tất cả tiến hành qua mạng.
"Bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến đóng góp của nhân dân, rà soát lại ý kiến của các Bộ, ngành, các cơ quan, các địa phương và hiệp hội. Tôi đề nghị mở rộng việc lấy ý kiến của các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, các nghiệp đoàn ở một số nước mà chúng ta đang phái cử lao động; ý kiến của những người đã từng đi lao động ở nước ngoài, kể cả ý kiến của những phóng viên viết về lĩnh vực này. Càng lấy ý kiến rộng rãi càng tốt, lấy ý kiến cho đến khi Thường vụ Quốc hội họp, thậm chí cho đến khi Quốc hội thông qua Luật" - Bộ trưởng, nhấn mạnh.
Trần Thắng
Từ khóa:
-
Bạc Liêu: Tạo việc làm bền vững từ hoạt động xuất khẩu lao động
13-11-2024 16:57 02
-
Cơ hội thúc đẩy ngành thủ công mỹ nghệ vươn mình thành sản phẩm mũi nhọn
13-11-2024 14:11 06
-
TP. Hồ Chí Minh cần có chiến lược dài hạn thu hút và giữ chân lao động di cư
11-11-2024 18:48 02
-
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
03-11-2024 11:50 48
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
31-10-2024 11:00 19
-
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
31-10-2024 10:14 48